Tiền Giang: Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn
(ABO) Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023 (xảy ra 154/141 vụ, tăng 9,2%; làm chết 108/104 người, tăng 3,8%; bị thương 77/70 người, tăng 10%).
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không đi đúng phần đường, làn đường, không chấp hành biển báo hiệu đường bộ, không nhường đường, điều khiển xe môtô phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách… đã dẫn đến tai nạn giao thông; trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh và vi phạm nồng độ cồn, ma túy có chiều hướng phức tạp (tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh tăng 16 vụ (21/5 vụ), tăng 8 người chết (11/3 người), tăng 4 người bị thương (8/4 người); tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn tăng 2 vụ (21/19 vụ), tăng 8 người chết (18/10 người), giảm 2 người bị thương (8/10 người)); đối tượng vi phạm trật tự, an toàn giao thông tập trung nhiều ở lứa tuổi chưa thành niên, học sinh, công nhân, lao động.
Cấp ủy, chính quyền một số địa phương thiếu sự quyết liệt, chưa chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, có lúc còn “khoán trắng” cho các lực lượng chuyên trách; đa số các địa phương đề ra nhiệm vụ, giải pháp còn chung chung, chưa có giải pháp cụ thể, mang tính đột phá; một số nơi chưa phân định rõ trách nhiệm, thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
Để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhằm đạt mục tiêu năm 2024 là kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:
1. Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh
- Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Kế hoạch 361/KH-UBND ngày 18-7-2023, Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 12-3-2024 và Kế hoạch 27/KH-UBND ngày 26-1-2024 và những nhiệm vụ thực hiện còn chậm; chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời, cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn.
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn 2930-CV/TU ngày 6-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo tinh thần Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc thực hiện và chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.
Đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về giao thông vào nội dung sinh hoạt định kỳ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể, xem xét đưa việc chấp hành pháp luật về giao thông là một trong những tiêu chí xét thi đua hàng năm; phát động mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, điển hình tiên tiến về an ninh, trật tự; phát huy phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông” đến các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật.
- Triển khai thực hiện đầy đủ và chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao; tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động cam kết chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; không can thiệp, tiếp nhận can thiệp vào công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.
Địa phương nào để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý, điều hành thì xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành có liên quan; đồng thời, báo cáo cấp ủy cấp trên để có chỉ đạo, đôn đốc.
- Triển khai thực hiện giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông; đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; khắc phục các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; rà soát các bất cập trên tuyến giao thông trọng điểm để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý.
Đến ngày 30-11-2024, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị hoàn thành việc giải tỏa hành lang, lấn, chiếm lòng, lề đường, hè phố, trật tự đô thị trên tất cả các tuyến giao thông thuộc địa bàn phụ trách.
- Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh; tổ chức các buổi tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, quản lý chặt chẽ, không giao xe cho các con em khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Các cấp, các ngành hoàn thành trước ngày 5-9-2024.
2. Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả như thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật, trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn và phát hành các loại tài liệu pháp luật phổ thông; đồng thời, tổ chức tuyên truyền thông qua các bảng tin công cộng như bảng tin điện tử, các loại tờ rời, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động với hình ảnh trực quan, sinh động các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền các thông điệp, khẩu hiệu như: “Tính mạng con người là trên hết”; “Đã uống rượu, bia không lái xe”; “Không phóng nhanh vượt ẩu”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”; “Đi đúng phần đường, làn đường”; “Vì ngày mai hạnh phúc, hãy chấp hành tốt Luật Giao thông ngay hôm nay”; “Tấm gương cho con về ý thức giao thông chính là cha mẹ”; “An toàn tới trường là con đường hướng tới tương lai”.
(Các phần việc trên, triển khai và hoàn thành trước ngày 15-9-2024).
3. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổng rà soát các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông và các bất cập trong tổ chức giao thông trên toàn tỉnh để tổ chức khắc phục; tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, hộ lan, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, gờ giảm tốc tại các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế; đánh giá, khảo sát, xác định những vị trí, khu vực thường họp chợ, nơi có trường học, tập trung đông người dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm giảm tai nạn giao thông. Hoàn thành trước ngày 15-9-2024.
- Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện tại các cơ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có biểu hiện hoạt động “xe dù, bến cóc”.
- Rà soát, hoàn thiện điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe theo đúng tiêu chuẩn quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo người điều khiển phương tiện hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông; kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh; xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, nhất là, xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học, mô hình phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với học sinh từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông.
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hóa giao thông văn minh.
- Tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt không giao xe cho học sinh không đủ tuổi, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Giao trách nhiệm cho nhà trường, giáo viên theo dõi việc thực hiện của học sinh, trường hợp học sinh vi phạm thì xem xét, có hình thức xử lý theo quy định của ngành, gắn tiêu chí thi đua với các đơn vị, trường học, giáo viên trong việc chấp hành pháp luật về giao thông.
Xem xét, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
5. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
- Kế hoạch huy động các cấp, các ngành (Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo…) và các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên có năng khiếu, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để mở lớp tập huấn, hướng dẫn pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Thành lập các đội tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cho các tuyên truyền viên hướng dẫn, thực hành cho người dân và lứa tuổi học sinh từ cấp cơ sở về kỹ năng lái xe an toàn, chú trọng việc cảnh báo các hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông, các nguy cơ, nguyên nhân gây tai nạn, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông; từ đó, nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
(Các phần việc trên hoàn thành trước ngày 15-9-2024).
6. Công an tỉnh
- Tiếp tục duy trì các chuyên đề kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, quá khổ, quá tải; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, tập trung ở những tuyến trọng điểm, thường xảy ra tai nạn giao thông.
Thực hiện nghiêm túc việc xác minh, thông báo, cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị, địa phương về tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông có liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên để có hình thức tuyên truyền, giáo dục, xử lý vi phạm theo quy định.
- Phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức giao thông phù hợp với thực tế, chú trọng các tuyến, địa bàn giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Việc kiến nghị, giải quyết cần cụ thể đến từng cấp, từng cơ quan, đơn vị chức năng; đồng thời theo dõi, đôn đốc và đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị vẫn để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống camera giám sát, ứng dụng công nghệ thông minh để phục vụ quản lý, điều hành, giám sát giao thông, phát hiện, xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành giao thông của Cảnh sát giao thông đảm bảo đồng bộ, kết nối với Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành giao thông của Bộ Công an.
Triển khai các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông; tăng cường xử lý vi phạm qua hình ảnh. Thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, bảo đảm thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.
- Thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt các vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh; củng cố hồ sơ, xử lý các hành vi “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện” gây tai nạn giao thông. Xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa.
- Giao Công an tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung Công văn này; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
P.V