Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là một nội dung trọng tâm của công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Công tác bảo đảm TTATGT lấy con người làm trung tâm, là đối tượng phục vụ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.
Theo đó, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác bảo đảm TTATGT. Tập trung quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang ATGT; đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; khắc phục các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT); rà soát các bất cập trên tuyến giao thông trọng điểm để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý…
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VI PHẠM VỀ ATGT
Thực hiện Chỉ thị 23 ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành chương trình và công văn để thực hiện; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư; các công văn chỉ đạo công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh; chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về TTATGT đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…
Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (ảnh chụp vòng xoay Trung Lương, TP. Mỹ Tho). Ảnh: MINH THÀNH |
Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ, tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ. Vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện các quy định về đảm bảo TTATGT; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về TTATGT…
Qua đó, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng và gia tăng đột biến về số vụ TNGT; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân được nâng lên…
Công an tỉnh huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông, người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông; xử lý kiên trì, quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, chở hàng quá tải, quá khổ, tự ý cải tạo phương tiện, cơi nới thành thùng, chở quá số người quy định.
Thực hiện tốt công tác điều tra, giải quyết TNGT, kịp thời khởi tố các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến TNGT để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…
Qua đó, đã phát hiện, xử lý 69.220 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, tổng số tiền phạt 153,6 tỷ đồng, so với thời gian liền kề, tăng 32.833 trường hợp vi phạm, tiền phạt tăng 101,7 tỷ đồng; phát hiện, xử lý 3.951 trường hợp vi phạm về buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, đậu đỗ sai quy định; kịp thời ngăn chặn, bắt giữ 18 đối tượng có dấu hiệu đua kéo xe trái phép, qua đó khởi tố 8 bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng”, “Tổ chức đua xe trái phép”...
Trên lĩnh vực giao thông đường thủy, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 8.693 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt trên 12,8 tỷ đồng; so với thời gian liền kề, tăng 1.035 trường hợp vi phạm, tiền phạt tăng 1,239 tỷ đồng.
Song song đó, Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT trong quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách ngay tại nơi xuất bến, kho, bãi…
Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý đối với xe ô tô hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm các quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện, điều kiện kinh doanh vận tải; các trường hợp dừng, đỗ, đưa rước, đón trả khách không đúng nơi quy định, vi phạm về tải trọng xe, xử lý 2.372 trường hợp vi phạm quá trọng tải, với số tiền phạt trên 12,5 tỷ đồng.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ liên ngành của UBND tỉnh tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác cát trên đường thủy; qua đó phát hiện, xử lý 8 trường hợp khai thác cát trái phép, 94 trường hợp vận chuyển cát hút vi phạm TTATGT, 69 phương tiện vận chuyển cát biển san lấp không có hóa đơn, chứng từ.
Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an kiểm tra 16 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền, giữ 8 phương tiện, 22 đối tượng khai thác cát trái phép, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM BẢO ĐẢM TTATGT
Thời gian tới, dự báo tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ diễn biến phức tạp; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, các tuyến quốc lộ 1, 30, 60 kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây với đội ngũ lái xe ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ trên 80%; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, tài xế, chủ doanh nghiệp vận tải còn hạn chế.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. |
Tiền Giang xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do vậy, Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.
Đề ra các biện pháp, giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ, góp phần xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT, giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang ATGT; đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; khắc phục các điểm tiềm ẩn TNGT; rà soát các bất cập trên tuyến giao thông trọng điểm để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý, góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông.
Tỉnh ủy Tiền Giang đề nghị Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông, người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông.
Xử lý kiên trì, quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm về tín hiệu đèn giao thông, lấn làn đường, biển báo, cảnh báo, nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, chở hàng quá tải, quá khổ, tự ý cải tạo, cơi nới phương tiện, chở quá số người quy định...
Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; không can thiệp, tiếp nhận can thiệp vào công tác xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng chức năng. |
Thực hiện tốt công tác điều tra, giải quyết TNGT, kịp thời khởi tố các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến TNGT để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, làm chuyển biến rõ nét, hình thành thói quen văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” trong nhân dân.
Quá trình xử lý vi phạm TTATGT, nếu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc xử lý theo quy định còn phải thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức của người vi phạm để có biện pháp xử lý, không “xuê xoa”, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vào nội dung sinh hoạt định kỳ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xem xét đưa việc chấp hành pháp luật về giao thông là một trong những tiêu chí xét thi đua.
Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, điển hình tiên tiến về an ninh, trật tự; phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT” cho các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.
Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp do thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.
Ngành Giáo dục và Đào tạo nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT cho học sinh; kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT trong nhà trường; tổ chức cho giáo viên, học sinh ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT…
HÀ NAM - T.T