Chủ Nhật, 17/11/2024, 16:14 (GMT+7)
.

Tai nạn giao thông - Nỗi đau nhìn từ bệnh viện

(ABO) Nhân Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), nhìn những con số thống kê và câu chuyện từ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Tiền Giang, chúng ta càng đau lòng hơn về TNGT.

Một trường hợp cấp cứu tại bệnh viện.
Một trường hợp bị TNGT cấp cứu tại BVĐK tỉnh Tiền Giang.

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI TỪ TUYẾN ĐẦU CỨU NGƯỜI

Nằm trên trục Quốc lộ 1A, BVĐK tỉnh Tiền Giang là điểm đến của hàng ngàn ca cấp cứu nói chung và cấp cứu TNGT nói riêng mỗi năm. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20 - 30 ca cấp cứu do TNGT, 80% ca nhập viện liên quan đến xe máy, gần 20% nạn nhân trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi. Trong đó, tỷ lệ nạn nhân TNGT tử vong cao nhất tập trung vào các dịp lễ, tết.
 
Nữ điều dưỡng Lê Thị Hồng Phượng trực tại Khoa Hồi sức cấp cứu - BVĐK tỉnh Tiền Giang nhớ lại trong một lần cấp cứu trường hợp bị TNGT: "Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, một nam thanh niên tuổi đời còn rất trẻ được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, hôn mê sau TNGT. Qua test nhanh nạn nhân, nồng độ cồn trong máu cao gấp 3 lần mức cho phép. Dù ê-kíp trực cấp cứu đã cố gắng hết sức, nhưng cũng không thể giữ được mạng sống cho em ấy".
 
"Đó chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện đau lòng mà chúng tôi chứng kiến hằng ngày. Mỗi nạn nhân TNGT không chỉ là một con số thống kê, mà còn là một gia đình tan vỡ, những giấc mơ dang dở và những nỗi đau khó phai..." - nữ điều dưỡng Lê Thị Hồng Phượng bày tỏ.
 
Hay trường hợp em T.G.H. (ngụ TX. Cai Lậy) tử vong khi em chưa tròn 18 tuổi, em ra đi vào đêm 30 tết. Cha em H. nghẹn ngào kể lại: “H. ăn vội tô cơm thịt kho ngày 30 tết rồi xin đi chơi với bạn. Đến tối, tôi nghe tin người ta báo H. gặp TNGT gần ngã ba đường Võ Việt Tân và Mai Thị Út. Nuôi con 18 năm trời, vậy mà TNGT đã thoáng chốc làm cho con tôi ra đi mãi mãi...". 
 
Bác sĩ Chuyên khoa 1 (BSCK1) Nguyễn Bá Triệu, trưởng ca trực cấp cứu cho biết: "Mỗi ca trực tại Khoa Cấp cứu đối với chúng tôi là một cuộc chiến không hồi kết với thời gian và sự sống. Trong đó, TNGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong số các ca tai nạn vào cấp cứu tại khoa, với những con số đau lòng diễn ra hằng ngày và không ngừng gia tăng".
 
Theo thống kê của BVĐK tỉnh Tiền Giang trong 10 tháng năm 2024, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 7.025 ca cấp cứu do TNGT, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 7 - 10 ca nặng cần can thiệp chuyên sâu. Đặc biệt, số ca nghiêm trọng thường tập trung vào các khung giờ cao điểm, đêm khuya, cuối tuần và lễ, tết.
 
Theo BVĐK tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nặng là do vi phạm nồng độ cồn, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng cách, sử dụng điện thoại khi lái xe, xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật…
 
“Những bài học từ thực tế được rút ra từ những nỗi đau của TNGT chỉ vài câu đơn giản mang tính cảnh báo như “Một ly rượu - Một mạng người”, "Chạy nhanh 5 phút - Hối hận cả đời”, “Mũ bảo hiểm - Lá chắn sự sống” hay “Điện thoại có thể đợi - Mạng sống thì không” - BSCK1 Nguyễn Bá Triệu chia sẻ.
 
Một trường hợp cấp cứu chấn thương sọ não.
Một trường hợp bị TNGT cấp cứu do chấn thương sọ não tại BVĐK tỉnh Tiền Giang.

LỜI KÊU GỌI CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC

Nhân Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, thay mặt đội ngũ y, bác sĩ BVĐK tỉnh Tiền Giang, BSCK1 Nguyễn Bá Triệu tha thiết kêu gọi mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên về an toàn giao thông; mỗi gia đình là một "pháo đài" ngăn chặn tình trạng lái xe khi đã uống rượu, bia; mỗi cơ quan, đơn vị là một điểm sáng về văn hóa giao thông và mỗi học sinh, sinh viên là một tấm gương về ý thức tham gia giao thông.
 
Cũng theo khuyến nghị từ góc độ y tế là tuyệt đối không điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia, luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, tuân thủ tốc độ và quy tắc giao thông, trang bị kiến thức sơ cấp cứu cơ bản.
 
Là những người trực tiếp chứng kiến và cứu chữa các nạn nhân TNGT, Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK2) Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng khoa Cấp cứu - BVĐK tỉnh Tiền Giang kêu gọi mọi người hãy nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Mỗi quyết định của người tham gia giao thông không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn tác động đến gia đình và xã hội. "Chúng tôi không muốn phải chứng kiến thêm bất kỳ ca tử vong nào nữa vì những tai nạn đáng tiếc có thể phòng tránh được" - BSCK2 Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.
 
TNGT không chỉ là con số thống kê khô khan, mà là những mất mát không thể bù đắp với các gia đình có nạn nhân tử vong hay bị thương tật do TNGT. Từ góc độ y tế, đội ngũ y, bác sĩ BVĐK tỉnh Tiền Giang mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn giao thông, qua đó giảm thiểu những ca cấp cứu đau lòng, những ca tử vong thương tâm mà lẽ ra có thể tránh được.
 
Có thể nói, mọi sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông không chỉ đe dọa tính mạng bản thân, mà còn là nỗi đau của gia đình và gánh nặng cho xã hội. Do đó, hãy cùng chung tay vì một môi trường giao thông an toàn hơn, để không còn những giọt nước mắt đau thương, những gia đình tan vỡ vì TNGT.
 
LONG GIANG
.
.
.