.

Tiền Giang: Xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Cập nhật: 07:14, 14/12/2024 (GMT+7)

(ABO) Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 4 khu công nghiệp (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ dầu khí Soài Rạp), 4 cụm công nghiệp (Tân Mỹ Chánh, Gia Thuận 1, An Thạnh, Trung An) đang hoạt động với khoảng 101.845 lao động. Trong đó, có 1.142 lao động nước ngoài, với 264 xe loại 50 chỗ ngồi đưa đón công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (gọi tắt là khu, cụm công nghiệp), còn lại công nhân, người lao động sử dụng xe mô tô cá nhân.

Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số nằm trên vị trí cạnh các trục đường huyết mạch nên gây áp lực lớn về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Đặc biệt, vào giờ cao điểm trên các tuyến đường có khu, cụm công nghiệp có hàng ngàn công nhân cùng đổ ra đường và tình trạng điều khiển xe ngược chiều, lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm… liên tục xảy ra.

Bên cạnh đó, các hàng quán, người bán hàng rong thường xuất hiện vào các khung giờ trên, lái xe thiếu ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, dừng đổ xe ngay trên phần đường, làn đường để mua hàng hóa khiến các tuyến đường đã mất ATGT càng trở nên phức tạp hơn.

Nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT đối với công nhân, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh, với các nội dung:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, yêu cầu và giải pháp trọng tâm tại Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; Nghị quyết 149/NQ-CP ngày 21-9-2023 của Chính phủ và Chương trình 43-CTr/TU ngày 6-7-2023 của Tỉnh ủy Tiền Giang về thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch 361/KH-UBND ngày 18-7-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị 35/CT-TTg ngày 17-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong Lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm TTATGT, kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và hạn chế ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

2. Huy động cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ tại các khu, cụm công nghiệp, trọng tâm là các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý về công tác bảo đảm TTATGT, quản lý hoạt động các khu, cụm công nghiệp, người đứng đầu chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất, thường xuyên và liên tục các giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và các quy hoạch khác có liên quan.

3. Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho cán bộ quản lý, công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu, cụm công nghiệp. Đảm bảo điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại khu, cụm công nghiệp, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ một cách bền vững tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT tại các khu, cụm công nghiệp.

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT tập trung vào các đối tượng là cán bộ quản lý, công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu, cụm công nghiệp. Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, nhất là xung quanh khu vực khu, cụm công nghiệp; kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông liên quan đến đối tượng công nhân. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tác động, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, công nhân, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của người dân.

- Nghiên cứu bố trí giờ làm việc, giờ nghỉ hợp lý, khoa học, đảm bảo công nhân lao động đi lại thuận tiện, an toàn; có phương án vận chuyển đưa đón người lao động phù hợp, hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT.

- Tăng cường tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng tổ chức tuyên truyền tập trung tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp vào thời gian hợp lý. Tổ chức cho công nhân, người lao động ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông, nhất là việc không vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về tình hình chấp hành pháp luật về TTATGT của công nhân, người lao động, lên án các hành vi vi phạm, biểu dương gương người tốt, việc tốt. Phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, xây dựng các mô hình điểm trong các khu, cụm công nghiệp.

- Các sở, ngành và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chức Công đoàn, các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu đến toàn bộ công nhân và người lao động.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo đảm TTATGT tại các khu, cụm công nghiệp đối với cán bộ quản lý thuộc Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp, Công đoàn, cán bộ phụ trách an toàn của các doanh nghiệp, các cán bộ cấp huyện, xã có khu, cụm công nghiệp đóng địa bàn; đào tạo, tập huấn mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở, Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT.

3. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giao thông tại các khu, cụm công nghiệp.

- Đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực khu, cụm công nghiệp, tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông vận tải và đảm bảo ATGT, kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng khác tại các khu, cụm công nghiệp.

- Tổ chức rà soát và có biện pháp khắc phục những điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông trên các tuyến đường trong các khu, cụm công nghiệp, nhằm phòng ngừa ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông; rà soát, điều chỉnh, đảm bảo đấu nối của các khu, cụm công nghiệp vào quốc lộ đúng quy định pháp luật. Có giải pháp bảo đảm TTATGT tại các điểm đấu nối khu, cụm công nghiệp với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị và đường huyện. Ưu tiên các giải pháp lắp đèn tín hiệu giao thông, phân làn giao thông, sơn gờ giảm tốc, bố trí lối đi bộ sang đường, đầu tư xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, xe đạp và xe máy qua đường trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông mật độ cao tại khu vực khu, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng đường gom tại các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.

- Thực hiện các giải pháp phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện bên ngoài khu, cụm công nghiệp lưu thông qua khu, cụm công nghiệp vào giờ cao điểm để tránh gây ùn tắc giao thông. Cải tạo điều kiện đảm bảo ATGT tại các nút giao đấu nối vào khu vực khu, cụm công nghiệp; cải tạo hạ tầng xung quanh đảm bảo tầm nhìn, bán kính cong tại các đoạn rẽ.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống giám sát giao thông ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ tốt công tác giữ gìn an ninh, TTATGT khu vực có khu, cụm công nghiệp; thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.

4. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp giữa các ngành, các lực lượng bảo đảm TTATGT tại các khu, cụm công nghiệp.

- Tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước về TTATGT; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ban quản lý khu, cụm công nghiệp, chủ doanh nghiệp nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Đồng thời, tiếp tục quán triệt đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động cam kết chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia; không can thiệp, tiếp nhận can thiệp vào công tác xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng chức năng.

- Rà soát, bố trí các tuyến xe buýt có điểm dừng đón, trả khách trong các khu, cụm công nghiệp có nhu cầu. Nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm thời gian phù hợp với giờ hoạt động của khu, cụm công nghiệp để giảm phương tiện cá nhân.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm TTATGT, xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của cán bộ quản lý, công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, người dân sống xung quanh các khu, cụm công nghiệp và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra xử lý nghiêm, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

- Thay đổi tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT. Xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

- Siết chặt công tác quản lý đối với phương tiện, nhất là xe ôtô đưa đón công nhân phải đảm bảo điều kiện về an toàn kỹ thuật, các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và bảo vệ môi trường theo quy định. Khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp bố trí xe ô tô đưa đón công nhân, có phương án hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải hành khách để hỗ trợ đưa đón cán bộ, công nhân về quê trong các đợt cao điểm như ngày lễ, tết.

- Thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang ATGT; kiên quyết thiết lập trật tự hành lang ATGT đường bộ và chống tái lấn chiếm vi phạm phần đất dành cho đường bộ, nhất là phần đất đã được đền bù, giải phóng mặt bằng trên tất cả các tuyến giao thông khu vực khu, cụm công nghiệp. Thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông, “điểm đen” trên các tuyến giao thông.

- Các khu, cụm công nghiệp cần xây dựng và ban hành quy chế riêng về giao thông vận tải trong khu vực, phù hợp với từng điều kiện thực tế, bao gồm cả giao thông nội bộ và vận tải ra, vào khu, cụm công nghiệp.

- Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân trong tỉnh và các vùng lân cận, góp phần phát triển vận tải, kiềm giảm tai nạn giao thông.

- Quy hoạch khu, cụm công nghiệp phải gắn với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về bến bãi, điểm đỗ phương tiện giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông. Tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế, nhất là các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, các tuyến giao thông kết nối tuyến cao tốc, khu, cụm công nghiệp, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giải quyết, khắc phục ùn tắc giao thông; thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế, nhất là các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt việc hướng dẫn, điều hòa giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp giữa các đơn vị, các lực lượng trong công tác bảo đảm TTATGT tại các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TTATGT hoặc không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo đảm TTATGT; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công nhân, người lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, lái xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách, chở công nhân. Tiếp tục tham mưu, kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục ngay những điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, “điểm đen”, “điểm tiềm ấn” tai nạn giao thông.

- Làm tốt công tác nắm tình hình; kiểm tra, kiểm soát ngay tại nơi xuất phát đối với các phương tiện vận chuyển, đưa đón công nhân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Tập trung xử lý tình trạng xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông, không có phù hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp, không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định... nhất là đối với các xe ô tô đưa, rước công nhân.

- Chủ trì tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành giám sát, thanh tra và xử lý các vi phạm hành chính việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT tại các khu, cụm công nghiệp.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương, UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; trong đó, nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm TTATGT, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, tuần tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Vận động công nhân, người lao động trong và ngoài khu, cụm công nghiệp sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

- Vận động các doanh nghiệp nghiêm cấm người quản lý, công nhân, người lao động uống rượu, bia, chất kích thích trước, trong giờ làm việc; có biện pháp tăng cường kiểm tra nồng độ cồn trước khi vào nhà máy, xí nghiệp làm việc; trang bị áo phản quang cho công nhân, người lao động mặc khi đi làm vào ban đêm, trời tối, sương mù đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; tổ chức công tác sắp xếp trật tự, an toàn giao thông trước cổng khu, cụm công nghiệp.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thàm mưu, đề xuất UBND tỉnh đầu tư, mở rộng hệ thống giám sát giao thông ứng dụng công nghệ thông minh trên các tuyến đường trọng điểm và vị trí phức tạp về TTATGT, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, xử lý ùn tắc giao thông.

2. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan biên soạn tài liệu và thực hiện tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về TTATGT bằng các hình thức phù hợp. Vận động công nhân, người lao động xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn và thân thiện môi trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng kỹ thuật số, các ứng dụng trên các thiết bị thông minh, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, các ứng dụng trò chơi về ATGT.

- Phối hợp với các đoàn thể, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành không phải là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tiến hành xây dựng và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình về truyền thông chính sách, pháp luật bảo đảm TTATGT trong công nhân, người lao động.

- Phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành, thị xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo TTATGT ại các khu vực có khu, cụm công nghiệp.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho công nhân, người lao động trong các chương trình phối hợp hàng năm giữa Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh.

3. Sở Giao thông Vận tải

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông trong các khu vực có khu, cụm công nghiệp.

- Rà soát, cải tạo điều kiện an toàn giao thông tại các điểm đấu nối khu, cụm công nghiệp với hệ thống đường bộ trong tỉnh. Tiến hành cải tạo, xóa bỏ các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông trên hệ thống đường tỉnh, đường đô thị khu vực xung quanh các khu, cụm công nghiệp. Kiến nghị, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam xóa bỏ các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông, khắc phục kịp thời các bất hợp lý trong tổ chức giao thông do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đi qua địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở chủ trương, hướng dẫn của Trung ương và các quy định có liên quan, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm trong đầu tư xây dựng, phát triến kết cấu hạ tầng giao thông giữa cấp tỉnh, cấp huyện. Phân định rõ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, các luật chuyên ngành và các quy định khác của pháp luật để quy định rõ trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trong việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm, thông báo cho chính quyền địa phương các vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Trước mắt rà soát các tuyến đường địa phương tại các khu vực có khu, cụm công nghiệp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phân cấp.

- Tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống xe buýt của tỉnh, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến các khu, cụm công nghiệp; bố trí các điểm đón, trả cán bộ, công nhân, người lao động tại các khu vực có khu, cụm công nghiệp.

- Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng cầu vượt trên Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực Khu công nghiệp Tân Hương. Phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các tuyến đường địa phương tại các khu vực có khu, cụm công nghiệp, nơi có nhu cầu người sang đường cao và tổ chức giao thông phức tạp để đề xuất xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, xe đạp và xe máy.

4. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan thường xuyên làm việc và đề nghị các tổ chức công đoàn, các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu đến toàn bộ công nhân, người lao động nắm rõ và tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông”, nhằm đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động của công nhân, người lao động, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực khi tham gia giao thông.

- Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu, tham mưu phát động, triển khai xây dựng mô hình “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp văn hóa, an toàn giao thông”. Qua đó, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT, xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.

- Phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh nghiên cứu bố trí giờ làm việc, giờ nghỉ hợp lý đảm bảo công nhân lao động đi lại thuận tiện, an toàn; có phương án vận chuyển đưa đón người lao động phù hợp, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường. Nghiên cứu bố trí các khu dịch vụ thiết yếu đi kèm như bãi đỗ xe, bãi trông giữ xe, nơi mua sắm... để tạo thuận lợi cho nhu cầu sinh hoạt của công nhân, người lao động, góp phần tránh tình trạng họp chợ cóc tự phát ngay trước cổng các khu, cụm công nghiệp, nhà máy lấn chiếm lòng, lề đường gây mất ATGT.

5. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải rà soát và báo cáo đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch giao thông của tỉnh (nếu không phù hợp). Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cải tạo các điều kiện bảo đảm ATGT đối với các tuyến đường từ khu công nghiệp đấu nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Nghiên cứu thiết kế xây dựng đường gom, bãi đỗ xe và các công trình, hệ thống ATGT trong các khu công nghiệp, rà soát thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ trong khu công nghiệp (nếu không phù hợp).

- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến đảm bảo TTATGT; đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào cùng với các hoạt động tập huấn về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy hằng năm của các doanh nghiệp. Lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào các buổi sinh hoạt công đoàn, cuộc họp giữa công nhân với chủ doanh nghiệp.

- Yêu cầu các nhà đầu tư, nhà khai thác và các doanh nghiệp phải bố trí bộ phận làm đầu mối hoặc người phụ trách theo dõi, quản lý về công tác đảm bảo ATGT; bổ sung tiêu chí về ATGT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại khen thưởng hàng năm đối với doanh nghiệp, công nhân và người lao động.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bố trí xe ôtô đưa đón cán bộ, công nhân. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh có giải pháp phân luồng, hạn chế phương tiện bên ngoài khu công nghiệp tham gia giao thông trên hệ thống đường giao thông đi ngang qua khu công nghiệp vào giờ cao điểm. Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện ngay trong khu công nghiệp, siết chặt quản lý xe đưa đón công nhân đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, các điều kiện kinh doanh vận tải theo chức năng và theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng và ban hành quy chế riêng về giao thông vận tải trong khu vực đơn vị quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng khu công nghiệp.

6. Sở Công thương

- Thực hiện các nhiệm vụ tương tự của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đối với các cụm công nghiệp.

­- Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, xóa bỏ các chợ tạm, chợ tự phát tại các cụm công nghiệp để chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường xung quanh cụm công nghiệp.

- Thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các cụm công nghiệp (tên, vị trí, tổ chức, cá nhân đại diện theo pháp luật) cung cấp cho Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh tổng hợp, theo dõi.

7. UBND các huyện, thành, thị

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác  bảo đảm TTATGT, tập trung các đối tượng là cán bộ quản lý, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu, cụm công nghiệp và công nhân trên địa bàn. Có biện pháp đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên các tuyến đường ra, vào khu, cụm công nghiệp. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tác động, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, công nhân, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của người dân.

- Tăng cường tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng tổ chức tuyên truyền tập trung tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp vào thời gian hợp lý. Phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Công thương tổ chức cho công nhân ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông, nhất là việc ký cam kết với công nhân, người lao động không vi phạm nồng độ cồn khi điều khiến phương tiện giao thông.

- Tổ chức rà soát, đánh giá việc tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn nhất là khu vực xung quanh khu, cụm công nghiệp. Chấn chỉnh những nội dung còn hạn chế, chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp lập lại trật tự đô thị, trật tự hành lang an toàn giao thông, giải tỏa lấn, chiếm lòng, lề đường, hè phố trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc khác ra khỏi lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT, không xây dựng, bày bán hàng hóa, hàng ăn uống, hàng rong, không tổ chức họp chợ trái phép trên các tuyến đường nói chung và các tuyến đường ra, vào khu, cụm công nghiệp. Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, TTATGT, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa giao thông trong cộng đồng gắn với chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Xử lý dứt điểm các điểm trông, giữ xe tự phát, các hàng quán, hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông.

- Cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác ưu tiên đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý triệt để “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông trên từng tuyến do địa phương quản lý như: Bổ sung hệ thống biển báo đúng quy chuẩn, hộ lan, phân làn đường, vạch sơn kẻ đường, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang. Khắc phục  những điểm cong gấp, che khuất tầm nhìn tiềm ẩn tai nạn giao thông, tình trạng mặt đường, điểm giao cắt nguy hiểm, lắp 100% gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội thành, nội thị, giao thông nông thôn; phát quan cây xanh, bụi rậm che khuất tầm nhìn…

- Giao UBND huyện Châu Thành chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan phát động, triển khai xây dựng mô hình “Khu công nghiệp Tân Hương văn hóa, ATGT”; qua đó, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT, xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông (hoàn thành trong quý I/2025). Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh hướng dẫn tiêu chí mô hình “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp văn hóa, ATGT”.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý; đồng thời, gửi kế hoạch về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh theo dõi) trước ngày 31-12-2024.

Định kỳ 6 tháng (trước ngày 14-6), năm (trước ngày 14-12) báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh tổng hợp).

2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Thuờng trực Ban An toàn giao thông tỉnh và các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình, tham mưu UBND tỉnh sơ, tổng kết, báo cáo kết quả theo quy định.

P.V

 



     
 

 

 

 

 

 
    

 

 
    

 

 







 

 

 

 

 

 

 

 

.
.
.