Thứ Ba, 10/12/2024, 19:48 (GMT+7)
.

Ứng xử ra sao khi va chạm giao thông?

Khi tham gia giao thông, việc va chạm xảy ra là điều không ai mong muốn và mỗi người lại có cách hành xử khác nhau. Không ít các vụ ẩu đả nghiêm trọng đã xảy ra dù va chạm chẳng đáng gì. Văn hóa giao thông - có lẽ là vấn đề mà mỗi chúng ta cần phải suy nghĩ.

Người đàn ông đạp mạnh vào mặt nam thanh niên sau va chạm giao thông tại quận 4 ngày 9/12- Ảnh: Cắt từ clip
Người đàn ông đạp mạnh vào mặt nam thanh niên sau va chạm giao thông tại quận 4 ngày 9/12- Ảnh: Cắt từ clip

Mạng xã hội lan truyền một clip camera hành trình của ô tô ghi lại cảnh người đàn ông đánh người sau khi va quẹt giao thông. Vụ việc xảy ra khoảng 7h sáng ngày 9/12 trên đường Khánh Hội, quận 4. Theo clip được ghi lại, trong lúc nhiều xe đang di chuyển trên đường Khánh Hội, hướng từ cầu Kênh Tẻ qua quận 4, có một người đàn ông chạy xe tay ga tìm cách vượt lên và va quẹt với nam thanh niên đi xe máy cùng chiều. Dù va chạm nhẹ nhưng người đàn ông tiến tới to tiếng, rồi dùng tay đấm thẳng vào mặt người vừa va chạm với mình. Bị đấm, nạn nhân ngã xuống đường thì tiếp tục bị người đàn ông đạp thẳng vào mặt.

Bị tấn công liên tục, nạn nhân chỉ biết cách chống đỡ và đứng dậy. Thấy vậy, một tài xế ô tô đi hướng ngược lại đã tìm cách can ngăn. Vụ việc khiến giao thông ùn ứ.

Cũng theo tài xế có camera ghi lại vụ việc, nam thanh niên bị đánh sau đó dựng xe, xin lỗi người đi đường vì đã gây ùn ứ rồi mới rời đi.

Sau khi tiếp nhận thông tin lan truyền trên mạng xã hội, Công an quận 4 (TP Hồ Chí Minh) đã nhanh chóng truy xét, đưa được người đàn ông đấm đá tới tấp nam thanh niên sau va quẹt giao thông về trụ sở làm việc. Hiện Công an quận 4 đang lấy lời khai của người đàn ông này để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật. Nam thanh niên bịđánh cũng được công an mời về trụ sở và đưa đi giám định thương tích.

Trên thực tế, hàng ngày xảy ra không ít các vụ va chạm khi tham gia giao thông như thế. Dù tai nạn giao thông xảy ra do lỗi của mình hay người khác, việc đánh người như vậy là vi phạm pháp luật, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặc dù nguyên nhân dẫn đến các vụ va chạm giao thông thường chỉ do vô ý, nhưng chính cách ứng xử của những người liên quan lại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn. Chính sự thiếu kiểm soát của con người mà đẩy sự việc đi xa hơn, phải trả giá đắt bằng những thương tích trên người, thậm chí cả tính mạng và tù tội.

Hàng ngày trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông và trong số đó cũng có không ít vụ ẩu đả từ sau va chạm.
Hàng ngày trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông và trong số đó cũng có không ít vụ ẩu đả từ sau va chạm.

Cục Cảnh sát Giao thông khuyến cáo, va chạm giao thông là điều không ai mong muốn; do đó khi xảy ra va chạm, các tài xế cần bình tĩnh để giải quyết sự việc, tránh tranh cãi gây mâu thuẫn dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ngay sau khi va chạm giao thông, người dân cần gọi ngay cho cơ quan công an để đến giải quyết sự việc, nếu có người bị thương thì cần liên lạc với cơ quan y tế để cấp cứu.

Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng đến giải quyết, nếu nhận thấy người xung quanh có thái độ hung hãn, sử dụng bạo lực thì tài xế cần giữ khoảng cách an toàn, hô hoán người xung quanh giúp đỡ hoặc có thể sử dụng điện thoại để ghi lại hành vi gây hấn để làm bằng chứng tại cơ quan chức năng.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì va chạm giao thông nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do ý thức của một số người dân về văn hóa tham gia giao thông còn khá hạn chế nên họ không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả ra sao.

Từ cách hành xử của con người khi không may xảy ra va chạm giao thông, chúng ta thấy vấn đề “văn hóa giao thông” cần phải bàn tới. Khi một cộng đồng cùng tham gia lưu thông trên đường, rất cần ý thức tự giác, chấp hành nghiêm luật lệ quy định. Chính cách hành xử có văn hóa của mỗi người sẽ giúp cho trật tự giao thông luôn được duy trì, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của mỗi cá nhân.

Thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cộng đồng và Nhà trường về ý thức văn hóa khi tham gia giao thông. Tuy nhiên,  dù có đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động tới đâu thì ý thức tự giác của mỗi người vẫn là quan trọng nhất. Bản thân mỗi chúng ta cần phải tự nâng cao ý thức và trách nhiệm cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông. Bởi, nếu người trong cuộc biết “hạ hỏa” đúng lúc, biết kiềm chế cảm xúc,  biết giải quyết sự việc một cách có văn hóa, có thiện chí, hợp tình, hợp lý thì chắc chắn sẽ khiến mọi việc trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn rất nhiều.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông, đặc biệt là các trường hợp vì va chạm giao thông mà hành hung người khác để có tính răn đe trong xã hội.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.