Thứ Tư, 19/09/2012, 11:30 (GMT+7)
.

Cha già nuôi con bệnh tật

Sau bao năm tham gia kháng chiến, bây giờ sắp bước vào tuổi thất thập mà chú Võ Văn Thương ngụ ấp Mỹ Lợi (Phước Lập, Tân Phước) vẫn còn vật lộn với cuộc mưu sinh. Căn nhà không lành lặn của hai cha con chú khép nép bên dãy nhà xây kiên cố cặp con lộ 867.

Con chú là một phụ nữ tật nguyền, không đi được, không nói được. Chú như một cái bóng âm thầm, vắt từng chút sức lực cuối cùng để làm thuê nuôi con và nuôi thân.

Chú Võ Văn Thương trong  căn nhà  đơn sơ  của mình.
Chú Võ Văn Thương trong căn nhà đơn sơ của mình.

Chú Thương tham gia cách mạng từ những năm 1960. Năm 1970 - 1971 chú là Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước; năm 1972 phụ trách Tài chánh xã. Từ năm 1975 đến năm 1977 chú là Chủ tịch UBND xã; năm 1978 làm Quyền Bí thư Đảng ủy xã.

Đến năm 1979, vì gia đình quá khó khăn, chú xin nghỉ việc. Chú Thương có 7 người con - 6 trai, 1 gái. Những người con trai đã có gia đình, hầu hết đi lập nghiệp ở xa, chỉ còn người con gái tật nguyền sống với chú.

Chị Võ Thị Phượng.
Chị Võ Thị Phượng.

Có lẽ chú bị nhiễm chất độc hóa học từ những năm kháng chiến, di truyền sang con gái chú (Võ Thị Phượng, 43 tuổi) sinh ra đôi chân bị teo tóp, mềm nhũng; mắt trái bị mù; nghe được mà không nói được.

Nhà chỉ có 1,5 công ruộng, cho mướn mỗi năm được 15 giạ lúa không đủ sống, chú phải đi làm cỏ, dọn mương, vớt khóm… mướn cho người ta, mỗi ngày được trả công 100.000 đồng.

Đã 69 tuổi, chú đâu còn sức để cuốc đất, be bờ. Làm việc nhẹ nhưng cũng phải ngâm mình dưới nước, phơi nắng phơi mưa nên mỗi tuần chú chỉ làm nổi vài ngày. Khi nào “uể” quá thì chú ở nhà làm lọp bán, chỉ bán được trong tháng 8, tháng 9 âm lịch. Mỗi cái lọp bán được 50.000 đồng, trong đó tiền vốn mua vật liệu hết 15.000đồng.

Nguồn thu nhập lo cho cái ăn của hai người không đủ, những lúc ốm đau không có tiền mua thuốc uống, thì chuyện cất lại nhà với chú Thương thật quá xa xôi. Không biết căn nhà còn trụ nổi bao lâu nữa và chú Thương còn chống chọi được bao lâu với cuộc mưu sinh?

Chú đã tham gia kháng chiến nên chị Phượng và chú đều có thể được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học. Nếu có được hai khoảng trợ cấp này thì chú Thương đỡ vất vả hơn. Thế nhưng đến nay gia đình chú Thương chưa có ai được hưởng trợ cấp.

Chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của một người có nhiều đóng góp trong kháng chiến, lòng tôi quá xót xa. Hy vọng qua bài báo này, gia đình chú Thương sẽ nhận  được sự giúp đỡ thiết thực.

NGỌC THỦY

.
.
.