Bồi dưỡng hè cho giáo viên - đôi điều trăn trở
Bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho giáo viên (GV) là một khâu quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục. Tuy nhiên, người được bồi dưỡng (BD) cảm thấy còn nhiều trăn trở, nhất là trong đợt hè năm nay.
LTS: Là người trong cuộc, song vì lý do tế nhị, tác giả bài viết này ký bút danh “Giáo viên” và nêu những chuyện “mắt thấy - tai nghe” về bồi dưỡng hè cho giáo viên. Đến thời điểm này, vấn đề vẫn còn nóng hổi. BBT |
Trước hết là về thời gian tổ chức các lớp BD. Vì sao phải đến nửa cuối tháng 9, Sở GD&ĐT mới bắt đầu mở các lớp bồi dưỡng giáo viên (BDGV) trong khi toàn ngành đã bắt đầu vào học từ đầu tháng 8?
Việc soạn thảo và ban hành kế hoạch tổ chức các lớp học theo từng nội dung và đối tượng thì “tiền hậu bất nhất”, cứ thay đổi xoành xoạch. Bố trí địa điểm tập trung cũng có nhiều điểm không hợp lý. Ví dụ: Một số GV của các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, TX. Gò Công, Gò Công Đông và Tân Phú Đông phải học ở điểm trường THCS Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo), vì điểm này gần nhà… báo cáo viên (!).
Trong thực tế, kế hoạch BDGV hè năm nay của Sở đã làm cho kế hoạch hoạt động của từng trường, của từng GV rơi vào thế bị động, nhưng điều trăn trở nhất là nội dung của các lớp bồi dưỡng. Ở rất nhiều lớp BDGV, báo cáo viên (BCV) đọc lại tài liệu, thực tế cũng không đọc hết. Mặt khác, còn bị rút ngắn thời gian rất nhiều, vì vậy nội dung phổ biến bị cắt xén, thậm chí chỉ còn phân nửa theo kế hoạch.
Điển hình như lớp BD về công tác tư vấn tâm lý học đường được tổ chức vào 2 ngày 6 và 7-9 vừa qua. Thư triệu tập ghi là học 2 ngày, nhưng lên lớp chỉ trong ngày 6-9, ngày hôm sau GV tự nghiên cứu “tại nhà”.
Sự trăn trở còn thể hiện kỹ năng và cả phẩm hạnh của BCV. Tất cả BCV là chuyên viên Sở hoặc cán bộ quản lý (CBQL), GV các trường được cử đi tập huấn trước rồi về báo cáo lại. Trong chừng mực nào đó, các BCV là “thầy của thầy” thì công tác BDGV mới mang lại hiệu quả, nhưng rất tiếc nhiều trường hợp không phải như vậy.
Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hè cho giáo viên phổ thông. |
Mỗi năm ngân sách Nhà nước chi bao nhiêu cho công tác BDGV? Thiết nghĩ sẽ không nhỏ. Với cách tổ chức BDGV như nêu trên thì quả là một sự lãng phí lớn.
Bởi vì, không chỉ tính chi phí in ấn tài liệu, thuê hội trường, mua nước uống, chi bồi dưỡng cho BCV... mà phía người học cũng tốn không kém về thời gian, sức lực và tiền bạc.
GV rất cần được bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ để nâng cao về nhận thức và kỹ năng, nghiệp vụ. Vì lẽ đó, mong rằng lãnh đạo Sở GD&ĐT nghiêm túc đánh giá việc thực hiện công tác BDGV trong thời gian qua để tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hạn chế… nhằm nâng hiệu quả trong những năm tới.
GIÁO VIÊN