Thứ Tư, 23/01/2013, 09:47 (GMT+7)
.

Cuộc mưu sinh của 2 hoàn cảnh khuyết tật

* Đi bộ quãng đường gần chục cây số mỗi ngày với người bình thường đã vất vả, với một người khuyết tật như chị Nguyễn Thị Bé Năm (ngụ ấp Thanh Bình, xã Thanh Hòa, Cai Lậy) càng khó khăn gấp nhiều lần.

Di chuyển khó nhọc với chân trái co rút - di chứng của cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi, công việc mưu sinh mỗi ngày của chị là hành trình của nghị lực.

Chị chia sẻ: “Ba mất sớm nên lúc mẹ tôi còn sống, bà luôn mong tôi có thể tự chăm sóc mình”. Cứ thế suốt 10 năm rong ruổi trên chặng đường mưu sinh, chị không chỉ nuôi sống bản thân mà còn chăm lo cho mẹ đến khi bà qua đời.

Gần chục cây số ngày hai lượt từ nhà ra thị trấn Cai Lậy rồi dạo quanh nội ô thị trấn, chị phải vượt qua bằng những bước chân khó nhọc.

Người bán vé số dạo ngày một nhiều nên hôm nào may mắn chị bán được 60 tờ, đủ lo sinh hoạt cho bản thân. Những hôm bán chậm, đôi chân không lành lặn của chị lại tất tả hơn cùng nỗi lo cơm áo ngày thường.

* Với anh Huỳnh Văn Na ở xã Bình Phú, Cai Lậy con đường mưu sinh càng vất vả khi anh còn có một gia đình để lo toan. Lúc lên 3 tuổi, từ một cậu bé khỏe mạnh và hiếu động, anh trở nên rụt rè, nhút nhát khi đôi mắt cứ mờ dần, chạy chữa khắp nơi nhưng vô hiệu. Lớn lên, anh  sống trong mặc cảm, ngại tiếp xúc với thế giới xung quanh.

Bước ngoặt cuộc đời là khi anh gặp chị Đặng Ngọc Hà - một người cùng cảnh ngộ tại lớp chữ Braille do Hội Người mù huyện Cai Lậy tổ chức. Từ chia sẻ, động viên nhau, họ đến với nhau bằng một tình yêu đẹp và mái ấm hạnh phúc với hai đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Phải tự lực chăm lo cuộc sống khi ra riêng, nuôi sống gia đình với bốn nhân khẩu là điều không dễ dàng với người khiếm thị như anh Na.

Tuy vất vả nhưng hơn mười năm qua, chưa bao giờ anh nản lòng dù gặp nhiều chuyện không vui: bị lừa mất sạch vé số, nghe những lời không hay khi lỡ va chạm vào đồ đạc của người khác, bị từ chối thẳng thừng khi đón những phương tiện giao thông công cộng… Hôm nào may mắn, anh bán được 100 tờ vé số, đủ để gia đình có được bữa cơm đầm ấm, sum vầy.

Bên cạnh nỗi buồn, anh Na cũng có những niềm vui khi nỗ lực mưu sinh nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều người. Cách đây không lâu, anh là nhân vật của Chương trình “Thần Tài gõ cửa” - một chương trình trợ vốn dành cho người khuyết tật của Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Long. May mắn này đã tiếp thêm cho anh động lực để tiếp tục chặng đường vượt khó phía trước.

Còn bao cảnh đời nữa như chị Bé Năm, anh Na, song họ cố mưu sinh, không chịu đầu hàng số phận, không còn là gánh nặng cho người thân và xã hội, mỗi người là một câu chuyện vượt khó đáng trân trọng. 

QUẾ NGÂN

.
.
.