Thứ Sáu, 18/01/2013, 12:30 (GMT+7)
.

Hai chị em đến trường trên cùng một đôi chân

Bao năm nay, ở ấp Bình Thới B (Bình Trưng, Châu Thành), hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn “đèo” một cậu bé tật nguyền trên chiếc xe đạp đến trường đã trở nên quen thuộc với mọi người. Đó là hai chị em Nguyễn Thị Cẩm  (sinh năm 1995) và Nguyễn Hữu Lai (sinh năm 1996), học chung lớp 8A9 trường THCS Dưỡng Điềm (Châu Thành).

Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, sinh ra được vài tháng, chị Lâm Thị Rơn phát hiện hai chân của con trai (bé Lai) không bình thường, bàn chân thường bị co giật, run rẩy và cứ teo dần… Các bác sĩ cho biết, nếu không chữa trị tích cực, cháu Lai bị bại liệt.

Hai chị em Nguyễn Thị Cẩm và Nguyễn Hữu Lai cùng người bạn thân Phạm Minh Tuấn giúp Lai vào lớp.
Hai chị em Nguyễn Thị Cẩm và Nguyễn Hữu Lai cùng người bạn thân Phạm Minh Tuấn giúp Lai vào lớp.

Hoàn cảnh gia đình nghèo, thương con, nghe đâu có thầy thuốc hay là cha mẹ em cố chạy vạy tiền tìm đến. Cuộc sống ở Tây Ninh (quê ngoại) quá khó khăn, ba mẹ em bồng bế các con về quê nội ở xã Bình Trưng với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn. Anh chị lại tiếp tục làm thuê để nuôi 3 đứa con nhỏ mà cơm không đủ no, áo chưa được lành nên việc chữa bệnh cho Lai đành… buông xuôi.

Lớn lên, đôi chân em cứ teo dần, khi di chuyển phải lết bằng đôi đầu gối và đôi tay hay sự giúp đỡ của người khác. Nhìn đôi đầu gối và bàn tay của con chai cứng, nhiều khi phải tóe máu vì phải bò lết nhiều, anh chị đau lòng lắm, song “lực bất tòng tâm”…

Còn Lai thì đòi bằng được đến lớp. Để chiều lòng, gia đình đưa em đến lớp nhưng chẳng hy vọng Lai bám trụ được. Thế nhưng ở bậc tiểu học, năm nào Lai cũng được xếp loại học sinh giỏi. Ba mẹ Lai suốt ngày bận rộn với công việc làm thuê nên việc đưa đón Lai đi học phải nhờ chị của Lai. Lúc Lai học bậc tiểu học, trường học gần nhà nên hàng ngày Cẩm thay cha mẹ cõng em đến trường.

Lẽ ra, Cẩm học trước Lai hai lớp. Mặc dù học rất giỏi nhưng Cẩm xin thầy cô và nhà trường được “ở lại lớp” học cùng lớp với em để có điều kiện chăm sóc em.  Đến khi lên lớp 6, trường học cách xa nhà, việc đến trường của hai chị em ngày càng vất vả hơn, mỗi ngày cõng em trên lưng cả đi và về hơn 10km, có khi đến lớp mồ hôi của Cẩm vả ra như tắm.

Thấy vậy, một cô giáo dạy kỹ thuật tặng chiếc xe đạp để Cẩm chở em đi học, đỡ phần vất vả. Ban Giám hiệu nhà trường còn đặc cách cho Cẩm mặc áo ngắn để thuận lợi hơn trong việc chở em đến trường.

Từ cổng trường đến lớp một quãng khá xa, Lai thì ngày một lớn, vóc dáng con gái nhỏ bé của Cẩm như càng bé nhỏ hơn khi bị bóng của Lai trên lưng che khuất. Có một người bạn rất thân là Phạm Minh Tuấn học chung lớp giúp Cẩm cõng Lai mỗi khi Cẩm mệt. Cả 3 người bạn gắn bó với nhau như anh em ruột thịt.

Lai tâm sự: Nhìn các bạn tung tăng chạy nhảy trong sân trường, còn em thì chỉ lủi thủi một mình trong lớp làm bạn với bàn cờ vua nên em buồn lắm… Cha em có đóng cho em hai cây sắt để hàng ngày em tập đi. Em cố gắng tập luyện, nhưng bác sĩ bảo đến bệnh viện tập vật lý trị liệu thường xuyên thì mới có cơ hội đi được. Em cầu mong có một điều kỳ diệu được đi trên đôi chân của mình để chị đỡ vất vả.

Hiện tại, hoàn cảnh của gia đình em gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn sống của gia đình 7 người gồm bà nội già yếu, một người bác bị bệnh tâm thần, cha mẹ và 3 chị em Lai đi học phụ thuộc vào số tiền lời từ công việc bán vé số bấp bênh của mẹ các em.

Mẹ em là người dân tộc thiểu số, tiếng Việt nói cưng cứng nên việc giao tiếp với mọi người rất khó khăn, nhưng vì biết hoàn cảnh của gia đình em nên nhiều người thường ủng hộ mua vé số. Cha em chỉ nhận làm các công việc nhẹ nhàng như xịt thuốc, nhổ cỏ… cho hàng xóm, do căn bệnh khớp hành hạ, không thể làm nổi những công việc nặng nhọc.

Ngoài giờ học, dù bị căn bệnh viêm xoang nặng, phải uống thuốc thường xuyên, nhưng Cẩm cùng em gái út là Nguyễn Thị Uyên (đang học lớp 7) vẫn miệt mài đan lục bình gia công kiếm tiền phụ mẹ mua gạo. Mặc dù sống trong túng thiếu nhưng 3 chị em Lai rất chăm học. Suốt những năm đi học các em luôn được xếp loại học sinh giỏi, điểm bình quân lúc nào cũng trên 9. Lai có năng khiếu về môn Tin học, em ước ao trở thành kỹ sư tin học.

Biết hoàn cảnh của em, một phật tử ở Tịnh xá Ngọc Hiệp đã tặng cho em chiếc máy tính, giúp em thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư Tin học. Còn Cẩm có năng khiếu về văn chương và hội họa.

Cô Nguyễn Thị Lan, chủ nhiệm lớp 8A9 nhận xét: Hai chị em Cẩm và Lai rất chăm ngoan. Đặc biệt là Lai rất lạc quan, biết vượt lên bệnh tật để học tốt. Hai chị em này là tấm gương điển hình về sự chở che nhau!

MỸ PHƯƠNG

.
.
.