Thứ Sáu, 08/02/2013, 10:29 (GMT+7)
.

Vợ chồng tật nguyền vượt lên số phận, vun đắp hạnh phúc gia đình

Đó là câu chuyện cảm động về anh Trần Văn Diệu sinh năm 1952 và chị Bùi Thị Gái,  sinh năm 1957, hiện cư ngụ tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo.

Năm 1974 anh được cha đưa đến trường phục hồi khuyết tật ở TP. Hồ Chí Minh điều trị đôi chân bại liệt. Còn chị cũng được cha đưa từ Thái Bình vào  trung tâm phẩu thuật đôi chân đang ngày càng teo tóp.

Thời gian ở trung tâm, anh chị có sự đồng cảm sâu sắc. Những buổi luyện tập gặp gỡ nhau tại đây anh chị trở thành đôi bạn thân thiết. Gia đình hai bên nhận biết, nên đã ủng hộ đôi trẻ hết mình.

Từ sự quan tâm của cha mẹ,  anh chị nên duyên vợ chồng 2 năm sau đó. Sau phẩu thuật đôi chân anh đỡ co quắp hơn; chị có thể tự đi lại được dù bước chân chậm chạp, còn anh vẫn làm bạn với cây nạng gỗ cho đến bây giờ.

Sau 30-4-1975, anh  chị trở về xã Quơn Long (Chợ Gạo)  trong sự cưu mang của gia đình bên chồng. Bà con xóm giềng ai cũng động viên, càng giúp anh chị thêm tự tin bước vào cuộc sống mới. Ít năm sau đó, anh chị ra riêng, sống trong căn nhà nhỏ tạm bợ, dù đôi chân tật nguyền, song anh chị không đầu hàng số phận. Từ nghề sửa đồng hồ học ở trường Bách Nghệ, anh nhận sửa chữa đồng hồ tại nhà, còn chị lo việc nội trợ trong gia đình và nuôi dạy 2 đứa con một trai một gái.

Cuộc sống những năm 1980 quá khó khăn, có lúc cả gia đình 4 người phải ăn cao lương, ăn cháo thay cơm, những lúc như vậy anh chị lại càng động viên nhau cùng cố gắng hơn nữa. “Kiến tha lâu đầy tổ”, sau nhiều năm dành dụm, cách nay 5 năm anh chị đã xây dựng được ngôi nhà tươm tất và dựng vợ gả chồng cho các con.

Giờ đây niềm hạnh phúc tuổi già của anh chị là những buổi quây quần bên 2 con và 4 đứa cháu ngoan. Khi đã lo cho các con có mái ấm riêng, anh chị không ngừng nghỉ mà tiếp tục vươn lên bằng đôi chân “tàn nhưng không phế”. Khi Chợ Quơn Long mở rộng anh thuê địa điểm sửa đồng hồ, còn chị bán chè, nước giải khát….

Anh tâm sự : “ Giờ các con đã lớn có gia đình riêng, anh chị càng tích cực làm việc hơn, vừa có tiền lo cho tuổi già, vừa đỡ hiu quạnh. Ngoài công việc sửa đồng hồ, dạo này anh còn nhận mài dao, kéo cho bà con trong và ngoài xã. Có thể kiếm thêm chút tiền, anh vui lắm”. Giản dị là vậy, nhưng để có cơ ngơi ổn định như hôm nay, anh chị đã vất vả nỗ lực hơn những lao động bình thường khác.

Những ngày đồng hồ nhiều anh làm cả đêm, sửa chữa đồng hồ với giá rẻ nên bà con đến sữa ngày càng đông.  Cái tên Bảy Lếch sửa đồng hồ ở xã Quơn Long không còn xa lạ với bà con trong vùng. Nhìn bóng dáng của đôi vợ chồng tật nguyền trong phiên chợ những ngày cuối năm càng quý mến vợ chồng anh chị. Bởi trong họ vẫn còn sự tin yêu, sự cảm thông, đồng cảm và một mái ấm thật viên mãn. Dù khó khăn đến mấy họ vẫn sẵn sàng vượt qua, bằng ý chí và nghị lực.

BÌNH YÊN

.
.
.