Thứ Sáu, 06/09/2013, 09:27 (GMT+7)
.

Hãy mở rộng vòng tay giúp 2 gia đình nạn nhân

Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau còn đọng lại. Có những người sinh ra nhưng không được sống như một con người vì thân hình dị dạng, chợt cười chợt khóc, chợt ré lên, ra ngẩn vào ngơ. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, người nghèo nhất trong những người nghèo. Hãy mở rộng vòng tay đến với họ, đó là thông điệp của lương tri, của tình thương và lòng nhân ái.

Ông  Kim Hùng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc  da cam  xã Lương Hòa Lạc thăm và tặng quà  cho mẹ con bà Bửu.
Ông Kim Hùng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Lương Hòa Lạc thăm và tặng quà cho mẹ con bà Bửu.

Căn nhà của mẹ con bà Đoàn Thị Ngọc Bửu nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo ở ấp Lương Phú B (Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo).

Mẹ con bà Bửu đều mang trong mình di chứng bệnh tâm thần vì bị phơi nhiễm chất độc da cam. Cả mẹ và con đều ngơ ngơ, lúc tỉnh lúc không, nói năng ngọng nghịu, hỏi câu gì cũng chỉ cười thay cho câu trả lời.

Sinh năm 1965, trong một gia đình nông dân nghèo, sống trong vùng căn cứ kháng chiến, thường xuyên tiếp xúc với chất độc hóa học khai hoang, ngay từ nhỏ bà Bửu đã bị phơi nhiễm chất độc da cam với triệu chứng của một người bị bệnh tâm thần.

Lớn lên, bị kẻ xấu hãm hại, bà mang bầu và sinh ra cháu Đoàn Văn Toàn. Đau lòng thay, cháu Toàn sinh ra đã có dấu hiệu giống mẹ về di chứng của bệnh tâm thần, lớn lên chỉ biết cười, ra ngẩn vào ngơ. Khi cha mẹ bà Bửu còn sống, mẹ con bà Bửu được cưu mang, đùm bọc, mỗi lần lên cơn còn có thuốc thang chữa trị.

Cha mẹ qua đời, mẹ con bà Bửu không còn nơi nương tựa, bữa đói bữa no, bệnh tình không ai chăm sóc. Ngoài 2 suất trợ cấp xã hội hàng tháng với số tiền 540 ngàn đồng, cuộc sống của mẹ con bà Bửu chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của bà con xóm giềng. Có bữa hai mẹ con đều bị bệnh không nấu ăn được, mấy ngày liền chỉ ăn mì tôm.

Hiện tại, cuộc sống của mẹ con bà Bửu đang lâm vào cảnh bế tắc, rất mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Bình thăm và tặng quà cho cháu Lê Thị Thu Thủy.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Bình thăm và tặng quà cho cháu Lê Thị Thu Thủy.

Trên mảnh đất xóm Ao, ấp Thanh Đăng  (Thanh Bình, Chợ Gạo), nơi in dấu chiến công lừng lẫy của bảy dũng sĩ từng diệt hơn 100 tên địch trong một trận càn, có một trường hợp thương tâm, đó là hoàn cảnh khốn khó của gia đình ông Lê Văn Nhơn.

Từng là chiến sĩ ngành Hậu cần của Tỉnh đội Mỹ Tho trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau giải phóng do có một người con bán thân bất toại, sống cuộc đời thực vật, ông Nhơn xin chuyển về địa phương công tác để có điều kiện phụ giúp vợ, chăm sóc con.

Từ lúc sinh ra (năm 1971), Lê Thị Thu Thủy đã mang trên người di chứng tật nguyền, chi dưới teo cơ, thiểu năng trí tuệ, nằm một chỗ, nay hơn 40 tuổi mà chưa biết nói, chỉ hềnh hệch cười và không tự chủ được trong sinh hoạt hàng ngày.

Từ ngày vợ mất, nhà chỉ còn hai cha con, ông Nhơn không còn làm được việc gì ngoài việc lo chăm sóc cho con. Tham gia công tác chưa đủ năm, nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình, hiện ông Nhơn không còn hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh túng quẫn.

Nhìn cảnh người cha già hàng ngày phải tắm rửa, giặt giũ quần áo, đút cơm, cháo cho đứa con ngoài 40 tuổi nằm ngồi một chỗ khiến ai cũng chạnh lòng. Nói với chúng tôi trong nước mắt, ông Nhơn ước ao: “Giá như cha con tôi được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam thì mừng biết dường nào!”.

ANH ĐẬU

.
.
.