Phản hồi bài viết: Một suất học bổng "Nâng bước đến trường"...
Ban Biên tập Báo Ấp Bắc vừa nhận Văn bản số 285/PTTH - TCHC ngày 26-8-2013 do Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình Tiền Giang ký phản hồi về bài viết trên Báo Ấp Bắc. Văn bản ghi:
Báo Ấp Bắc số ra ngày 16-8-2013, trong mục “Bạn đọc phản ánh” có đăng bài “Về một suất học bổng “Nâng bước đến trường” - chuyện đã qua nhưng cần nhắc lại” của tác giả Lê Minh Hoàng. Nội dung bài báo, tác giả bày tỏ sự không đồng tình về việc em Nguyễn Trọng Khanh, học sinh Trường THPT Long Bình (Gò Công Tây) được nhận học bổng của Chương trình “Nâng bước đến trường” được ghi hình trong tháng 5-2013 và phát sóng trên Đài Truyền hình Tiền Giang vào cuối tháng 7-2013.
Trước hết, Ban Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang và các đơn vị phối hợp thực hiện Chương trình “Nâng bước đến trường” cảm ơn Báo Ấp Bắc và tác giả Lê Minh Hoàng đã quan tâm, theo dõi chương trình và có những phản ánh, góp ý cho chương trình. Sau khi báo đăng, chúng tôi đã có cuộc họp giữa các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình, tổ chức rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình xét chọn và thực hiện chương trình. Sau đây, có mấy ý xin được trao đổi với Quý Báo cùng ông Hoàng được rõ:
Chương trình truyền hình “Nâng bước đến trường” ra đời từ tháng 4-2010, do các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh & Truyền hình Tiền Giang, Hội Khuyến học tỉnh, VNPT Tiền Giang là đơn vị tài trợ thực hiện chương trình và cấp học bổng chính. Chương trình làm nhịp cầu nối để các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trao học bổng cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng quyết tâm học tập (không nhất thiết phải khá, giỏi).
Đối tượng được cấp học bổng là học sinh THCS, THPT đáp ứng tiêu chí trên, nhưng ưu tiên cho học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12). Về cách thức xét chọn học sinh để cấp học bổng: Hội Khuyến học cấp xã, huyện kết hợp với nhà trường và chính quyền địa phương phát hiện, đề nghị về chương trình (qua Hội Khuyến học tỉnh). Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo cùng Đài Phát thanh & Truyền hình thống nhất xét chọn, sau đó Đài Phát thanh & Truyền hình đi xác minh và quay video clip, nếu đủ điều kiện sẽ cấp học bổng.
Trở lại trường hợp của em Nguyễn Trọng Khanh, xét theo tiêu chí của chương trình thì em xứng đáng được nhận học bổng. Em Khanh là học sinh lớp 125 của Trường THPT Long Bình, huyện Gò Công Tây năm học 2012 - 2013. Theo sổ học bạ nhà trường cấp, em có học lực trung bình, hạnh kiểm tốt.
Về hoàn cảnh gia đình em Khanh: Cha bỏ đi từ khi em chưa sinh ra, 4 tuổi thì mẹ mất, được ông bà ngoại nuôi. Ông bà ngoại lại nghèo (nay trên 80 tuổi), Khanh phải vừa đi học, vừa đi nhổ củ cải thuê, vá xe đạp để kiếm sống, phụ giúp ông bà. Kỳ thi đại học vừa qua em dự thi vào Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường, đạt 9 điểm.
Hiện em đang chờ giấy báo kết quả của Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường để xin xét tuyển vào Trường Cao đẳng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nam bộ học hệ Cao đẳng 3,5 năm, học bổng “Nâng bước đến trường” giúp em phần nào tiếp tục học tập để có nghề nghiệp sau này.
Những điều trình bày như trên cho thấy việc chúng tôi chọn em Khanh để trao học bổng “Nâng bước đến trường” là đúng theo tiêu chí của chương trình, không có gì “khuất tất” và cách làm thì không phải “trên chọn” rồi áp đặt xuống cho trường. Bởi lẽ, trong đơn xin cấp học bổng của em đề ngày 21-11-2012 gởi Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang có sự xác nhận của ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình, huyện Gò Công Tây và thầy Châu Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Long Bình.
Như vậy, việc bình xét và trao học bổng cho em Khanh được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, dân chủ, có sự tham gia từ cơ sở và có sự thẩm định, cân nhắc kỹ lưỡng của Ban tổ chức chương trình.
Bài viết còn so sánh giữa em Khanh và một số học sinh khác xứng đáng nhận học bổng hơn, đặc biệt là đối với em học sinh nghèo vừa trúng tuyển 2 trường đại học…
Theo chúng tôi, hiện nay còn rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh gia đình thật đáng thương, cần sự quan tâm, giúp đỡ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và của cả xã hội để nâng bước, giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục việc học. Trong khi đó, với nguồn lực có hạn, chương trình không thể cùng một lúc trao học bổng cho nhiều em, mà phải xét chọn để trao học bổng cho những hoàn cảnh khó khăn, cấp bách hơn.
Phần cuối bài viết, tác giả đề cập đến vấn đề trách nhiệm của những người thực hiện chương trình. Chúng tôi thiết nghĩ, nếu không có trách nhiệm thì Ban tổ chức chương trình đã không đứng ra tổ chức thực hiện chương trình trong suốt hơn 3 năm qua.
Qua chương trình, đã có 10 doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm tham gia và đã có hàng trăm em học sinh nghèo vượt khó được hỗ trợ để tiếp tục đến trường với tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng; nếu không có trách nhiệm thì ê kíp thực hiện chương trình không vất vả lặn lội về vùng sâu để phản ánh những hoàn cảnh nghèo khó, cơ cực cần được giúp đỡ để cộng đồng cùng chia sẻ như trường hợp của em Khanh…
Với chúng tôi, em Khanh đã mất mát quá nhiều, nếu những ai có trách nhiệm thì xin đừng làm tổn thương em thêm nữa, mà hãy mở rộng vòng tay để hỗ trợ em. Việc các nhà hảo tâm trao cho em suất học bổng vừa qua là một nghĩa cử cao đẹp nhằm tiếp thêm sức mạnh để em tiếp tục đến trường. Mong rằng sẽ có thêm nhiều em được hỗ trợ thông qua chương trình này trong thời gian tới.