Thứ Sáu, 13/12/2013, 06:52 (GMT+7)
.

Kết quả giải quyết đơn (thư) khiếu nại của công dân

Trường hợp của ông Liên Đức Trung (ngụ ấp Khu phố, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành)

Ông Trung khiếu nại việc đo đạc diện tích nhà, đất bị giải tỏa, thu hồi để xây dựng đường cao tốc chưa chính xác và áp giá đền bù chưa thỏa đáng.

Ngày 2-10-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2347/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại của ông Liên Đức Trung, thống nhất nhận định như sau:

Năm 2005, thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, hộ ông Liên Đức Trung bị ảnh hưởng diện tích đất là 115,9m2  (trong đó có nhà ở, cây cối, hoa màu và tài sản khác trên đất), kinh phí bồi thường là 132.131.855 đồng.

Ngoài ra, hộ ông Trung còn được hưởng hỗ trợ khả năng sinh lợi từ vị trí đất, với số tiền là 104.310.000 đồng; nâng tổng kinh phí bồi thường là 236.441.855 đồng. Ông Trung không đồng ý với mức bồi thường trên, mà đòi bồi thường hết diện tích nhà ở phía sau, với lý do giải tỏa nhà trước ảnh hưởng nhà sau, không còn phù hợp việc sử dụng và bồi thường thêm diện tích đất, với lý do đo đạc, kiểm kê chưa chính xác.

Ngày 2-6-2008, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban MTTQ tỉnh và UBND huyện Châu Thành làm việc trực tiếp với gia đình ông, xác định không thể bồi thường hết nhà cho hộ ông Trung được, vì căn nhà liền kế nằm ngoài phạm vi giải tỏa, không đúng theo quy định của pháp luật.

Ngày 5-8-2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2284/QĐ-UBND, bác đơn khiếu nại của ông Trung và chuẩn y Quyết định 2893/QĐ-UB ngày 24-10-2007 của UBND huyện Châu Thành.

Qua nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng hộ ông Trung chưa đồng ý giao mặt bằng thi công, nên UBND huyện Châu Thành ra Quyết định 9028/QĐ-UB ngày 22-10-2008 và Quyết định 1748/QĐ-UB ngày 20-5-2009 của UBND tỉnh, cưỡng chế thu hồi 115,9m2 đất của hộ ông Trung giao cho đơn vị thi công.

Ngày 23-5-2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp xúc với hộ ông Trung, xác định: Về giá bồi thường đã thực hiện đúng quy định, bà Nguyễn Thị Phượng (vợ ông Trung) xin rút lại nội dung khiếu nại về giá bồi thường. Đối với nhà số 156, ngụ ấp Khu Phố, xã Tam Hiệp của ông Trung được xây dựng 2 lần. Gian nhà phía sau có chung cột và đà với gian nhà phía trước, nếu phá dỡ gian nhà trước thì nhà sau bị ảnh hưởng, không thể sử dụng được.

Mặt khác, theo diện tích đo đạc thể hiện phần nhà bị giải tỏa chiếm 50% diện tích. Do đó, căn cứ vào phương án được duyệt thì yêu cầu đền bù của ông Trung là có cơ sở.

Bởi các lẽ trên, ngày 2-10-2013, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 2347/QĐ-UBND, điều chỉnh một phần Quyết định 2893/QĐ-UBND ngày 24-10-2007 của UBND huyện Châu Thành và Quyết định 2284/QĐ-UBND ngày 5-8-2008 của UBND tỉnh.

Cụ thể là: Bác đơn khiếu nại của hộ ông Liên Đức Trung về yêu cầu bồi thường thêm phần đất chênh lệch 3,43m2. Chấp nhận yêu cầu về bồi thường toàn bộ căn nhà số 156 của ông Liên Đức Trung. Giao Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chỉ đạo ngành chức năng lập thủ tục đền bù toàn bộ căn nhà số 156 cho ông Trung theo đúng quy định pháp luật.

Trường hợp của bà Võ Thị Xuân (ngụ số 308/9/4, đường Trần Hưng Đạo, phường 4, TP. Mỹ Tho)

Bà Xuân khiếu nại các nội dung: Không ra Quyết định thi hành án; chậm chấp hành bản án; áp dụng hình thức hạ tầng công tác là chưa phù hợp và yêu cầu giải quyết chế độ, chính sách từ ngày bản án có hiệu lực đến nay.

Trên cơ sở khiếu nại của bà Xuân, Tổ Công tác 2866 của UBND tỉnh đã thẩm tra, rà soát, tổ chức đối thoại và kết luận các nội dung khiếu nại của bà là không có cơ sở, bởi vì:

Cơ quan Thi hành án đã thực hiện đúng quy trình Pháp lệnh Thi hành án Dân sự năm 1993. Sau khi bản án có hiệu lực, Cơ quan Thi hành án đã ra Quyết định 01/THA ngày 22-1-1996. Bên phải thi hành án cũng đã chấp hành xong (ra quyết định kỷ luật với hình thức nhẹ hơn).

Sau khi án có hiệu lực, bên phải thi hành án ra quyết định chậm do có một số vướng mắc cần giải thích của tòa án (Bản án 265/DSPT không có tuyên quyền lợi được hưởng của người được thi hành). Khi được hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vướng mắc thì bên phải thi hành án đã có quyết định để thực hiện theo bản án đã tuyên.

Về các chế độ của bà Xuân đã được cơ quan chức năng xem xét nhiều lần, có kết luận của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh đã có quyết định giải quyết chi trả quyền lợi vật chất cho bà Xuân trong thời gian bị buộc thôi việc (từ tháng 1-1988 đến tháng 12-1996, có tính chế độ nâng lương theo quy định). Thời gian từ tháng 10-1996 đến nay, bà Xuân không làm việc là do lỗi của bà nên không được hưởng lương.

Trong quá trình giảng dạy, bà Xuân vi phạm quy chế chuyên môn. Trong thời gian chấp hành kỷ luật, bà Xuân vẫn tiếp tục vi phạm, ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công của Ban Giám hiệu nhà trường. Việc ban hành Quyết định xử lý kỷ luật với hình thức hạ tầng công tác là đúng quy định, đúng Bản án 265/DSPT yêu cầu hủy Quyết định buộc thôi việc để xử lý với hình thức nhẹ hơn.

Bà Võ Thị Xuân không làm công tác giảng dạy trong suốt một thời gian dài, không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nghiệp vụ chuyên môn và trình độ chính trị theo quy định của ngành nên không đủ chuẩn đứng lớp giảng dạy. Mặt khác, quyết định phân công nêu rõ: “Võ Thị Xuân đến nhận công tác tại Trường THCS Học Lạc. Chức danh: Nhân viên văn phòng”, nên BGH Trường THCS Học Lạc không bố trí giảng dạy là đúng.

UBND tỉnh yêu cầu bà Võ Thị Xuân không tiếp tục khiếu nại kéo dài.

TỔ CTBĐ

.
.
.