Một vụ tranh chấp đất, cần xem xét lại kết quả xét xử
Vụ đòi lại lối đi giữa nguyên đơn Huỳnh Văn Sấm (SN 1939) và bị đơn Phạm Linh Vũ (SN 1954), cùng ngụ tại tổ 23, khu 3, thị trấn Cái Bè đã trải qua 6 phiên tòa, trong đó có 1 bản án sơ thẩm và 1 quyết định đình chỉ vụ án bị hủy.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm 193/DSST ngày 25-10-2012 và Bản án dân sự phúc thẩm 395/DSPT ngày 3-9-2013, Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận yêu cầu của ông Sấm đòi ông Vũ phải trả lại lối đi có diện tích 100,6m2. Trong khi đó, gần 20 hộ dân trong tổ 23 đều xác nhận đây là lối đi chung, bị ông Vũ lấn chiếm.
Đường đi trước đây, tính từ gốc cây dừa ước khoảng gần 4m. |
Xác minh đơn khiếu nại của ông Sấm, chúng tôi tóm lược sự việc như sau: Nguồn gốc đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông Huỳnh Văn Sấm, với diện tích khoảng 1 công, nằm cặp lộ Cái Bè (nay là tỉnh lộ 875). Năm 1985, ông Sấm nhượng lại cho ông Phạm Linh Vũ 800m2 đất (có làm giấy tay), phần còn lại ông dùng làm đường đi ra lộ Cái Bè, vì ông lùi ra phía sau ở.
Con đường này rộng khoảng 4m, dài gần 60m, sau trở thành lối đi chung cho gần 20 hộ dân thuộc tổ 23, khu 3, thị trấn Cái Bè. Trong quá trình sử dụng, ông Vũ đã có hành vi lấn chiếm lối đi. Để hợp thức hóa hành vi lấn chiếm này, ông Vũ đã giả mạo chữ ký của ông Sấm, làm giấy tờ giả, ghi diện tích sang nhượng từ 800m2 lên 1.200m2.
Điều đáng nói là giấy tờ sang nhượng giả đề ngày 18-8-1985, gần 3 năm sau (vào ngày 13-1-1988) mới được UBND thị trấn Cái Bè ký chấp thuận cho ông Sấm sang nhượng cho ông Vũ!? Giấy sang nhượng này phần ranh tứ cận ghi không đúng với thực tế, phía Đông giáp hộ ông Ngươn, lại ghi giáp Trường Tiểu học Cái Bè (có lối đi chung giáp UBND thị trấn hiện nay); phía Bắc giáp trường học, lại ghi giáp lộ Cái Bè nhằm ý đồ xóa bỏ lối đi chung.
Căn cứ vào giấy tờ sang nhượng giả này, UBND huyện Cái Bè đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho ông Vũ trùm lên lối đi chung (ông Vũ được UBND huyện Cái Bè cấp Giấy chứng nhận QSDĐ qua 2 lần, năm 1995 và năm 2004 thì phần diện tích lối đi nằm trong QSDĐ của ông Vũ).
Trước tòa, ông Vũ dựa vào Giấy chứng nhận QSDĐ được cấp, khai không có đường đi, mà lối đi này do ông chừa lại diện tích ngang từ 1,6m đến 2m, dài khoảng 50m cho các hộ phía sau đi nhờ ra tỉnh lộ 865. Trong khi đó, tại Văn bản 355/TN&MT-TN ngày 5-5-2011, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cái Bè gửi cơ quan tòa án lại xác định:
“Năm 1997, Đoàn đo đạc 364 tiến hành đo đạc và thành lập bản đồ Địa chính tỷ lệ 1/5000 của thị trấn Cái Bè, con hẻm này có kích thước nhỏ hơn 5m nên không thể hiện được trên bản đồ. Nhưng thực tế con hẻm này có từ trước năm 1993 để phục vụ cho người dân có đất nằm trong mặt hậu đường tỉnh 875 đi lại thuận lợi”.
Mặt khác, tại Bản án sơ thẩm 240/DSST ngày 6-9-2010, HĐXX xét thấy: “Phần đường đi chung này trước đây có chiều rộng trên 3m. Do ông Vũ xây dựng hàng rào kiên cố nên dẫn đến tranh chấp và đường đi chung bị thu hẹp chỉ còn rộng 2m”.
Một chi tiết để xác định ông Vũ lấn chiếm lối đi đó là: Khi tòa án tổ chức xác minh, đào dưới nền nhà của gia đình ông Vũ xây dựng lấn chiếm trái phép (bị phạt 12,5 triệu đồng), đã phát hiện đường ống dẫn nước phi 34 của gia đình ông Sấm nằm phía dưới và đường dây điện, trụ điện của gia đình ông Sấm đều nằm trong hàng rào của ông Vũ lấn chiếm.
Đại diện bà con tổ 23, ông Bùi Quang Trọng (SN 1934), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cái Bè, nguyên Bí thư chi bộ khu 3 khẳng định với chúng tôi: “Con đường này do ông Sấm mở. Tôi từng mỗi ngày 4 lượt đi - về nên biết rất rõ.
Ranh giới đường đi được xác định: Phía trước có cột bê tông, phía sau có 2 cây dừa, rộng trên 3m, dài gần 60m. Đất thuộc quyền sử dụng của ông Sấm, nhưng ông dùng để mở đường làm lối đi chung để các hộ tổ 23 ở phía sau thuận tiện đi ra tỉnh lộ 875…”.
Không kém phần bức xúc, Luật sư Nguyễn Văn Dương, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Sấm thẳng thắn trao đổi với chúng tôi: Tòa chỉ dựa vào Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Vũ mà không xem xét đến tính bất hợp pháp của nó.
Bởi Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Vũ cấp không đúng pháp luật, đó là chưa nói đến dấu hiệu giả mạo giấy sang nhượng do ông Vũ tự lập. Kế đến là tính tất yếu và hợp lý của vụ việc, do hoàn cảnh khó khăn, ông Sấm sang nhượng đất mặt tiền phía trước, lùi ra sau ở, tất yếu phải chừa lại một phần đất để làm lối đi, nhưng tính tất yếu này không được tòa chấp nhận.
Tòa xét thấy ông Sấm không có giấy tờ gì để chứng minh diện tích lối đi là của mình, nhưng lại không xét đến tấm lòng vì mọi người, vì cộng đồng của ông Sấm.
Chừa lại một phần đất làm lối đi trên tinh thần tự nguyện, tự giác, ông Sấm đơn giản nghĩ rằng đây là lối đi chung, nên không kê khai đăng ký cho riêng mình. Để chứng minh cho yêu cầu chính đáng của ông Sấm đòi lại lối đi chung, gần 20 hộ dân trong tổ 23 đã tự nguyện làm đơn gởi tòa phúc thẩm xin được làm nhân chứng.
Đây là những nhân chứng từng đi lại trên lối đi này hơn 20 năm qua, trước tòa đều khẳng định lối đi do ông Sấm mở trên phần diện tích đất chừa lại, có chiều rộng hơn 3m, chiều dài gần 60m. Thế nhưng, những ý kiến của các nhân chứng không được tòa chấp thuận vì trái với nhận định của HĐXX. Vì vậy, thiết nghĩ, vụ án cần được xem xét lại.
NHÓM PV. CTXH