Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị TNLĐ
Bạn Huỳnh Quang Hà, ngụ huyện Châu Thành hỏi: Em tôi có hợp đồng lao động tại công ty, có xác định thời hạn, nhưng không có tham gia đóng bảo hiểm y tế. Vừa qua, em tôi đang làm việc, bị tai nạn lao động, phải nằm điều trị tại bệnh viện. Vậy công ty có trách nhiệm về chi phí y tế như thế nào trong thời gian em tôi phải nghỉ điều trị bệnh đến khi sức khỏe được ổn định?
* Luật gia trả lời:
Theo Khoản 2, Điều 5, Nghị định 44/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định: Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động, người sử dụng lao động đó có trách nhiệm:
- Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 144 của Bộ luật Lao động;
- Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị;
- Bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4, Điều 145 của Bộ luật Lao động.
Theo thư của bạn Huỳnh Quang Hà hỏi, do bạn không nêu rõ chi tiết tình trạng em của bạn bị tai nạn lao động nặng hay nhẹ, đã điều trị ra khỏi bệnh viện chưa và có khám sức khỏe xác định bị suy giảm khả năng lao động là bao nhiêu % chưa…, do vậy chỉ trao đổi với bạn Hà một số ý kiến chung như sau:
- Em của bạn Hà hợp đồng lao động, không có tham gia bảo hiểm y tế, nhưng bị tai nạn lao động trong khi đang làm nhiệm vụ theo hợp đồng nên công ty (người sử dụng lao động) có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người bị tai nạn lao động. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị bệnh (theo quy định tại Điều 144 của Bộ luật Lao động).
- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động đang điều trị, điều dưỡng thì người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (theo Điều 39 của Bộ luật Lao động).
Một số ý kiến trao đổi để bạn Hà nghiên cứu và giúp cho em của bạn được giải quyết hưởng đầy đủ quyền lợi khi xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
TRẦN BÌNH
(Hội Luật gia tỉnh)