Công tác bạn đọc - những chuyện vui buồn
1. Anh Nguyễn Thế Truyền (ngụ xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) bị 4 thanh niên đi trên 2 mô tô dùng nón bảo hiểm đánh gây thương tích. Vụ việc xảy ra bất ngờ. May nhờ có người kịp ghi lại biển số xe của thủ phạm. Anh Truyền làm đơn gởi công an nhờ xem xét, giải quyết, nhưng chậm được làm rõ, trả lời. Sau khi báo phản ánh, sự việc mới được làm rõ, đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bà Huỳnh Thị Lùng (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) có phần đất hương quả, gia đình trực canh từ trước năm 1975, đất có bờ tre làm ranh. Gần đây, vợ chồng người em cô cậu tranh chấp, lấn chiếm trên 50m2 đất. Vụ việc được ấp và xã hòa giải, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Người em không đồng ý, đã kiện ra tòa. Tòa án nhân dân huyện ra quyết định buộc hộ bà Lùng phải giao đất bờ tre cho gia đình người em xây hàng rào…
Sau khi báo phản ánh, Chánh án TAND tỉnh ký quyết định kháng nghị: Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Tiền Giang xét xử lại theo trình tự thủ tục Giám đốc thẩm; hủy và đình chỉ thi hành quyết định của TAND huyện Gò Công Tây.
Chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường của hộ ông N.H.L ở phường 6 (TP. Mỹ Tho) kéo dài khá lâu, chưa được giải quyết rốt ráo. Báo chí phản ánh, UBND phường 6 có văn bản gởi UBND TP. Mỹ Tho, sau đó Phòng Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản, buộc chủ hộ N.H.L cam kết di dời trang trại ra khỏi khu vực dân cư theo Quyết định 17/QĐ.UBND của UBND tỉnh.
Việc Công ty sản xuất gạch ốp tường Vitaly - Bình Dương tráo hàng lẫn lộn bán cho chị Thu Nguyệt, ngụ xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) nhưng không chịu trách nhiệm bồi thường. Báo chí phản ánh, công ty mới trực tiếp xuống kiểm tra và chịu chi phí bồi thường thỏa đáng cho chị Nguyệt về việc đặt mua 167 thùng gạch men ốp tường loại I (hàng Việt Nam chất lượng cao).
DNTN Dệt len Phong Thuận (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) tuyên bố giải thể, nhưng không giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động như hợp đồng đã ký… Qua phản ánh của báo, Phòng LĐ-TB&XH TP. Mỹ Tho kết hợp với các ngành chức năng trực tiếp đến làm việc với chủ doanh nghiệp, thống nhất giải quyết cho người lao động được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định trong thời gian chờ có quyết định giải thể.
Mới đây, chồng bà Lê Thị Tuyết (ngụ xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông) làm công nhân Công ty cổ phần Muối và Thương mại Tiền Giang bị điện giật chết, nhưng công ty không có chế độ tử tuất… Qua phản ánh của báo, công ty đã phối hợp với ngành chức năng TX. Gò Công giải quyết chi phí hơn 100 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Chủ doanh nghiệp còn cam kết sẽ chi trả cho gia đình đầy đủ chế độ nạn nhân được đóng BHXH.
2. Ông N. T. T., ngụ phường 10 (TP. Mỹ Tho), ĐT số: 09444…, gởi thư đến Báo Ấp Bắc (qua email) cho biết: Ông đến Cửa hàng ĐTDĐ Phú Thịnh (đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, TP. Mỹ Tho) để phục hồi 2 sim trả trước số 0929686868 và 0924686868. Sau khi hoàn tất thủ tục, chủ cửa hàng cung cấp cho ông 2 sim (trắng) và hẹn trong vòng 1 giờ đồng hồ sẽ kích hoạt 2 số sim (nói trên) vào 2 sim trắng cho ông sử dụng. Nhưng khi về nhà đợi mãi không thấy kết quả, ông trở lại cửa hàng phản ánh, thì được cửa hàng trả lời “phải chờ 3 tháng”.
Ông T. bức xúc: “Tôi làm nghề cứu hộ, cứu nạn, cần số điện thoại trên để hành nghề được thuận tiện...”. Liên hệ với Cửa hàng ĐTDĐ Phú Thịnh về nỗi bức xúc của ông N.T.T, chúng tôi được ông Trương Thanh Lâm, Giám sát bán hàng khu vực của Vietnammobile cho biết: Trường hợp đi làm hồ sơ, thủ tục để được kích hoạt, phục hồi sim (đã qua sử dụng) là khá mới đối với người sử dụng ĐTDĐ, nhưng không lạ gì trong quản lý hệ thống viễn thông. Bình thường, nếu người bị mất ĐTDĐ muốn sử dụng lại số cũ (sau khi làm thủ tục xong), chỉ cần kiểm tra lại trùng khớp là khách hàng được bảo lưu số cũ.
Đằng này, ông N.T.T khai báo 2 số sim xin kích hoạt, thế nhưng 2 số này Vietnamobile chưa xuất kho thì có đâu ông T. sử dụng mà đi phục hồi. Hơn nữa, serial 686868 (lộc phát, lộc phát) cũng không có bán đại trà ra ngoài, mà thường các đơn vị kinh doanh, dịch vụ đăng ký hết… Cửa hàng đã gặp gỡ, trao đổi và trả lời tế nhị trường hợp của ông là không thể giải quyết được, nhưng ông T. tưởng việc làm của ông là “danh chánh ngôn thuận” nên đã nhờ cơ quan báo chí lên tiếng.
Đối với vụ “Cán bộ giúp vợ tẩu tán tài sản để quỵt nợ” của ông phó giám đốc kiêm bí thư chi bộ trung tâm văn hóa huyện đã tham gia ký tên vào hồ sơ để giúp vợ tẩu tán tài sản, làm Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang khá “đau đầu”, vì một bản án có hiệu lực pháp luật hơn 2 năm nay vẫn chưa thể thi hành. Người thua kiện dù rất giàu có, nhưng toàn bộ tài sản đã chuyển sang tên con ngay trước khi phiên tòa diễn ra.
Báo chí phản ánh, ông này đã bị cách chức bí thư chi bộ, cảnh cáo về mặt Đảng, cách chức phó giám đốc trung tâm, nhưng toàn bộ số nợ trên 400 triệu đồng thì cơ quan thi hành án không thể thực thi được, vì tài sản của người bị thi hành đã sang tay cho con gái.
Đáng buồn hơn là chuyện của gia đình bà Đoàn Thị Huệ (ngụ xã Long Định, huyện Châu Thành). Bà có 26.000m2 đất ở huyện Tân Phước, bị chồng làm giấy ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (ký khống tên bà và các con) gởi UBND xã Long Định (nơi gia đình cư trú) nhờ xác nhận đồng ý giao toàn bộ phần đất trên cho ông Phước được quyền định đoạt, sang bán, tặng cho…
Tờ ủy quyền được ông Nguyễn Văn Đợt, Phó Chủ tịch UBND xã Long Định xác nhận: “Chữ ký các đương sự ký tên là đúng”. Từ cơ sở này, ông Phước đã âm thầm chuyển nhượng toàn bộ số đất trên cho người khác mà bà Huệ và các con không hề hay biết. Ông Đợt thừa nhận, vì thấy ông Phước năn nỉ quá và đang lúc gặp khó khăn nên ký đại.
Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Long Định đã xem xét và có hình thức kỷ luật Đảng đối với ông Nguyễn Văn Đợt. Nhưng giờ đây làm sao gia đình bà Huệ lấy đất lại được, khi toàn bộ 26.000m2 đất ông Phước đã chuyển nhượng cho người khác. Đúng là “Bút sa, dân chết”.
* * *
Trên đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” mà người làm công tác bạn đọc nhớ và ghi lại để bạn đọc cùng suy gẫm. Qua đó, hy vọng rằng, sang năm Giáp Ngọ 2014, mọi người đều “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, để không còn những vụ việc khiếu nại “cười ra nước mắt”.
TỔ CTBĐ