Thứ Sáu, 16/05/2014, 09:04 (GMT+7)
.

Dân khổ do lục bình dày đặc

Hơn 1 năm nay, lục bình phát triển dày đặc trên đoạn sông dọc tỉnh lộ 847, đi qua địa bàn xã Thạnh Lộc và xã Phú Cường (huyện Cai Lậy), cản trở giao thông đường thủy, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nơi đây.

Cầu xây dựng dày đặc cản trở dòng chảy, lục bình phát triển nhanh.
Cầu xây dựng dày đặc cản trở dòng chảy, lục bình phát triển nhanh.

Trước đây, dòng nước sông thông thoáng, thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển lúa gạo của người dân, phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, người dân ven sông phải chịu cảnh sống chung với lục bình dày đặc.

Ông Lương Văn Trong, ở ấp 5A, xã Phú Cường cho biết, lục bình ở đây đầy nghẹt mặt sông. Ruộng lúa của ông chỉ cách nhà 500 m, vậy mà mỗi lần đi thăm ruộng phải mất nhiều thời gian. “Cứ mỗi lần xuống xuồng chạy máy đi thăm ruộng là vướng phải lục bình, phải tốn xăng gấp đôi so với trước đây” - ông Trong nói.

Ngoài ra, với lượng lớn lục bình phủ kín trên mặt sông sẽ làm giảm ánh sáng và nồng độ ôxy trong nước, dẫn đến giảm sản lượng cá và các loại thủy sinh. Bên cạnh đó, lục bình còn cản trở dòng chảy, vì thế rác thải cũng tích tụ lại. Nhiều đoạn sông bị ô nhiễm, nước sông đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Các hộ dân sống ven đoạn sông này không thể sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Lượm, người dân sống ven sông bức xúc: “Con sông cạn quá nên lục bình tấp lại nhiều vô số, không thể lưu thông được. Bọc ni-lông, xác động vật chết dưới sông không trôi đi được gây ô nhiễm nguồn nước. Dân ở đây không ai dám xuống sông bắt cá, nhiều khi không dám ngâm chân xuống nước nữa”.

Chu thich
 Lục bình phân hủy gây ô nhiễm nặng dòng sông.

Ông Phạm Công Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc cho biết, lục bình đã “chiếm lĩnh” gần 5 km sông, ảnh hưởng đến việc đi lại bằng đường thủy và nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của bà con.

Theo ông, nguyên nhân chính khiến lục bình sinh sôi nảy nở nhiều như hiện nay là do lục bình từ các con sông lớn trôi vào. Vì dòng sông quá cạn, dòng chảy yếu nên lục bình chỉ vào đây nhưng không trôi ra theo dòng nước được. Thêm vào đó, nhiều hộ dân sống bên kia con sông xây cầu, cắm trụ cản trở sự di chuyển của lục bình. Cá biệt có nhiều hộ dân tự khoanh vùng rồi cặm nhánh cây… làm bẫy để đánh cá. Vô tình những cái bẫy này tạo điều kiện thuận lợi cho lục bình phát triển xanh tốt.

Ông Trung cho biết, UBND xã đã nhiều lần huy động lực lượng thanh niên trong xã tiến hành trục vớt lục bình. Tuy nhiên, với lượng lớn lục bình dày đặc trên sông, việc trục vớt không mang lại kết quả khả quan. “Hướng tới, UBND xã tiếp tục vận động người dân khoanh vùng, trục vớt lục bình lên bờ. Những nơi lục bình dày đặc thì tiến hành phun thuốc hóa học nhằm diệt lục bình triệt để” - Ông Trung nói thêm.

Sản phẩm 2,4 D thường có một số lượng chất Chloro phenol không được tổng hợp hết (gọi là Phenol tự do) tạo nên mùi nặng khó chịu của 2,4 D. Trong tự nhiên, Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin.

Chất Dioxin có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng. Vì thế thuốc diệt cỏ 2,4D rất độc hại đối với con người.

Trước dây, vì nhu cầu đi lại, người dân đã phun thuốc diệt lục bình nhưng kết quả không khả quan. Loại thuốc mà người dân sử dụng diệt lục bình là thuốc trừ cỏ 2,4D (còn gọi là thuốc khai hoang). Đây là loại thuốc rất độc hại dùng để phun diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp.

Điều đáng quan ngại nhất là khi phun thuốc trừ cỏ 2,4 D, lục bình chết hàng loạt, sau 5 - 10 ngày thì thối rữa.

Do dòng chảy của con sông rất yếu, không thể đẩy xác lục bình ra ngoài nên làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Do đó, người dân thiếu nước sạch để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để sự phát tán của lục bình, người dân không nên sử dụng hóa chất vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước mà cùng với chính quyền xã thường xuyên tổ chức vớt lục bình lên bờ.

Lục bình sau khi phơi khô có thể làm phân bón, chất phủ cho cây rất tốt, cũng có thể tận dụng để phục vụ chăn nuôi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...; đồng thời, cần kết hợp với việc nạo vét dòng sông, khơi thông dòng chảy để hạn chế sự phát triển của lục bình.

LÊ LỪNG

.
.
.