Thứ Bảy, 12/07/2014, 06:54 (GMT+7)
.

Công ty CP vận tải ôtô Tiền Giang: Có đẩy cổ đông vào ngõ cụt?

Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang có phương án thu hồi số xe buýt chạy tuyến Gò Công - Vàm Láng (không hiệu quả) để sửa chữa nâng cấp, chuẩn bị thay thế cho 8/9 xe khách chạy tuyến Mỹ Tho - Bến xe miền Tây và Cần Thơ sắp hết đời vào cuối năm nay. Các cổ đông nhận xe phải nộp tiền ký quỹ và tiền khoán cho mỗi xe. Ngoài ra, cổ đông tự mua sắm vỏ ruột, bình ắc-qui, hộp số, làm máy… trong quá trình hoạt động. Việc làm này đã gây bức xúc đối với các cổ đông.

BỨC XÚC CỦA CỔ ĐÔNG

Tập thể cổ đông xe khách chạy tuyến Mỹ Tho - Bến xe miền Tây gởi đơn tới các cơ quan chức năng trình bày: Đến cuối năm 2014, đoàn xe 8/9 chiếc đang hoạt động trên tuyến đường này hết niên hạn sử dụng. Anh em nhà xe chờ sự quyết định hướng đầu tư mới của Ban Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang, nhưng công ty không tổ chức họp mà phát “tờ rơi” thông báo:

Công ty sẽ lấy đoàn xe buýt Gò Công - Vàm Láng (đã ngưng hoạt động) sửa chữa lại đưa vào thay thế cho các xe tuyến này, mỗi cổ đông nhận xe phải đóng tiền ký quỹ 100 triệu đồng. Đến ngày 30-6-2014 anh em nào không đăng ký nhận xe, công ty sẽ giao xe cho người khác nhận quản lý và sẽ không giải quyết khiếu nại về sau…

Ảnh: Vân Anh
Hành khách tuyến Mỹ Tho - Bến xe miền Tây xuống xe tại Bến xe Tiền Giang. Ảnh: Vân Anh

Anh Nguyễn Minh Hoàng bức xúc, trước nay số xe khách hoạt động tuyến Mỹ Tho - Bến xe miền Tây là loại xe 46 ghế, mức khoán 6 triệu đồng/tháng; nay công ty cho đổi xe buýt 30 chỗ ngồi nhưng vẫn giữ mức khoán 6 triệu đồng là chưa hợp lý. Hơn nữa, số xe buýt chuẩn bị thay thế là loại xe do Trung Quốc sản xuất, trước đây công ty mua ở Hà Nội giá 180 triệu đồng/chiếc, đem về sửa lại đội giá lên 288 triệu đồng/chiếc.

Sau thời gian đưa vào hoạt động tuyến xe buýt Gò Công - Vàm Láng không hiệu quả, xe bị xuống cấp, nhà xe gở lấy nhiều phụ tùng, nay công ty đem về định giá mỗi xác xe là 220 triệu đồng và tiền “đại tu” thùng xe, dàn băng ghế ngồi là 160 triệu đồng/xe. Như vậy, 1 chiếc xe khi giao cho cổ đông có giá 380 triệu đồng. Đó là chưa kể khi nhận xe, người quản lý phải chi thêm khoảng 60 triệu đồng để làm máy, vỏ ruột, bình điện, hộp số…

Qua khảo giá thực tế toàn bộ chi phí cho 1 xe khi công ty giao cho cổ đông có giá khoảng 200 triệu đồng/xe là cao, anh em đề nghị công ty mời Sở Tài chính - Vật giá thẩm định giá xác xe và mời các đơn vị sửa chữa đấu thầu công khai để xác định giá trị thực tế của xe trước khi giao cho cổ đông nhưng công ty không thực hiện.

Về phần tiền ký quỹ 100 triệu đồng, cổ đông Phạm Ngọc Long nói: Đối với người ngoài khi nhận xe phải nộp tiền ký quỹ là đúng, vì họ là người mới. Còn anh em cổ đông chúng tôi trước đây mỗi người đã góp cổ phiếu từ 120 - 150 triệu đồng. Số tiền này công ty đang quản lý, nay buộc cổ đông phải đóng tiếp 100 triệu đồng tiền ký quỹ để nhận xe là không thỏa đáng.

Nếu công ty thanh lý xe hết đời thì thanh toán luôn số tiền cổ phiếu mà trước đây cổ đông đã góp thì hợp tình hợp lý hơn. Còn không thì để cho các cổ đông tự đầu tư vốn mua xe mới, như anh Quy, chủ xe 63L-0534 đã thực hiện và hoạt động theo hình thức liên doanh để đủ sức cạnh tranh với xe đời mới, kỹ thuật cao.

CÔNG TY KHÔNG ĐẨY CỔ ĐÔNG VÀO NGÕ  CỤT

Thắc mắc cũng như kiến nghị của các cổ đông được ông Lê Tấn Nẫm, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang giải đáp: Thực hiện Nghị quyết của HĐQT công ty tại các kỳ họp ngày 14-3, 17-4 và 21-5-2014, HĐQT giao cho Ban Giám đốc công ty tiếp tục triển khai kế hoạch về việc đầu tư thay xe khách gần hết niên hạn sử dụng vào cuối năm 2014 tuyến cố định Mỹ  Tho - Bến xe miền Tây và tuyến Mỹ Tho - Cần Thơ để đưa ô tô buýt sản xuất năm 2008 có máy lạnh đang hoạt động tuyến Gò Công - Vàm Láng không hiệu quả vào thay thế.

Công ty sẽ cho đại tu mới toàn bộ thùng xe, lắp bộ băng, nệm từ 30 ghế lên 35 ghế (băng bật kiểu đời mới), làm các bộ phận như cản trước - sau, thay bộ đèn pha - cốt, khung kính hông, gắn kết mui trước, sau và sơn toàn bộ thùng xe, dự kiến chi phí sửa chữa khoảng 160 triệu đồng. Các bộ phận còn lại như săm, lốp, bình điện… anh em quản lý xe sửa chữa, tu bổ thêm cho xe hoàn chỉnh để đưa vào hoạt động.

Mỗi người quản lý xe có nhu cầu nhận xe tiếp tục hợp tác cùng với công ty thực hiện tái đầu tư xe phải nộp tiền ký quỹ là 100 triệu đồng/xe. Số tiền ký quỹ này nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng (thế chấp tài sản để nhận quản lý xe khoán).

Nếu người quản lý xe thực hiện tốt hợp đồng, không thiếu nợ khoán doanh thu, bảo quản xe tốt, sau khi thanh lý hợp đồng công ty hoàn trả 100% tiền ký quỹ cho người quản lý xe khi chấm dứt hợp đồng. Người nhận quản lý xe tái đầu tư phải thanh toán dứt điểm các khoản nợ xe cũ với công ty.

Qua cuộc họp ngày 5-6-2014 giữa Ban Giám đốc công ty với nhóm cổ đông quản lý xe, anh em không đồng ý đóng tiền ký quỹ vì đã góp cổ phiếu từ 120 - 150 triệu đồng trước đây, đã được ông Lê Tấn Nẫm giải thích rõ: Lần đầu tư này không có liên quan đến cổ phiếu trước đây (vì cổ phiếu hàng năm anh em sẽ được lãnh cổ tức nếu công ty hoạt động hiệu quả). Tiền đầu tư này là tiền ký quỹ để làm nguồn dự phòng rủi ro khi hoạt động. Nếu anh em có khó khăn thì làm đơn gởi công ty xem xét, giải quyết.

Vấn đề cổ đông đề nghị góp vốn mua xe với công ty không thể giải quyết, vì đây là tuyến đường chiến lược, công ty phải có tuyến và có xe để điều động khi có trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan lãnh đạo. Công ty không thể giảm khoán khi xe không có hợp đồng như đề nghị vì thực tế nếu xe không có hợp đồng thì cũng được chạy tăng chuyến, thế tài cho xe đi hợp đồng.

Ngày 30-6-2014 (cuộc họp cuối cùng), anh em cổ đông cùng công ty đã thống nhất giảm số tiền ký quỹ từ 100 triệu đồng xuống còn 70 triệu đồng/xe. Các anh em nhận xe đã nộp xong 50% tiền ký quỹ, số còn lại sẽ nộp trong thời gian sửa chữa đến ngày xe xuất xưởng. Đối với hợp đồng giao nhận khoán doanh thu, tạm thời giữ nguyên mức khoán 6 triệu đồng/xe/tháng (kèm bảng chiết tính). Khi đi vào hoạt động thực tế nếu có phát sinh thì công ty sẽ tính lại.

TỔ CTBĐ

.
.
.