Thứ Tư, 20/08/2014, 16:37 (GMT+7)
.

Cần xem xét lại 2 trường hợp bị cắt chế độ thương binh

Bà Võ Thị Kim Hường (sinh năm 1950, ngụ khu phố Mỹ Thạnh Hưng, phường 6, TP. Mỹ Tho) tham gia cách mạng từ tháng 2-1965, đến tháng 11-1992 được giải quyết chế độ nghỉ mất sức lao động. Quá trình cống hiến của bà Hường có trên 8 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (tháng 2-1965 đến ngày 30-4-1975).

Bà từng bị địch bắt giam, tra tấn nên được hưởng các chế độ như: Thương binh, mất sức lao động và chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Thế nhưng, ngày 5-10-2012, Sở LĐ-TB&XH ban hành Quyết định 692/QĐ-SLĐTBXH chấm dứt trợ cấp chế độ thương binh thường xuyên (hàng tháng) đối với bà Võ Thị Kim Hường.

Bà Võ Thị Kim Hường và ông Nguyễn Văn Dũng trình bày khiếu nại về việc bị cắt chế độ trợ cấp thương binh.
Bà Võ Thị Kim Hường và ông Nguyễn Văn Dũng trình bày khiếu nại về việc bị cắt chế độ trợ cấp thương binh.

Trao đổi vấn đề này với Sở LĐ-TB&XH, chúng tôi được ông Võ Văn Nhi, Phó Giám đốc Sở cho biết: “Thực hiện Nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 25/TT-BLĐTBXH hướng dẫn:

Công nhân viên chức có thời gian công tác thực tế từ 20 năm trở lên hoặc chưa đủ 20 năm công tác thực tế nhưng có đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an; đồng thời là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên thì được hưởng 2 chế độ trợ cấp mất sức lao động và thương tật.

Trường hợp của bà Hường, căn cứ theo hồ sơ lưu trữ, quyết định nghỉ mất sức ghi thời gian công tác thực tế chỉ có 18 năm 7 tháng nên không đủ điều kiện cùng lúc hưởng 2 chế độ mất sức lao động và thương tật.

Mặt khác, khi giám định khả năng lao động thì đã khám dồn bệnh tật và thương tật (tỷ lệ 31%) với tỷ lệ mất sức lao động chung là 61%, nên bà Hường chỉ đủ điều kiện chọn hưởng 1 trong 2 chế độ trợ cấp: mất sức lao động hoặc thương tật. Do mức trợ cấp mất sức lao động cao hơn mức trợ cấp thương binh nên chúng tôi đã thỏa thuận với bà Hường cắt chế độ thương binh theo hướng có lợi cho bà Hường”.

Mặc dù Sở LĐ-TB&XH căn cứ Thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH nhưng lại trái với Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ, vì tính đến thời điểm hiện nay, chưa có một văn bản nào của Chính phủ quy định về việc cắt chế độ thương binh (trừ trường hợp không đủ điều kiện công nhận là thương binh).

Quá trình xác minh chúng tôi thấy, Quyết định 107/QĐ-UB, ngày 11-11-1992 của UBND huyện Cai Lậy quyết định cho bà Hường nghỉ mất sức lao động đã tính chưa chính xác thời gian công tác thực tế của bà. Bà Hường tham gia cách mạng từ ngày 3-2-1965 cho đến ngày 11-11-1992, tức thời gian công tác liên tục của bà Hường là 27 năm, 9 tháng, 8 ngày.

Với thời gian công tác thực tế này, lẽ ra bà Hường được giải quyết hưởng chế độ hưu trí hoặc chờ hưu; thế nhưng trong quyết định chỉ tính thời gian công tác thực tế của bà Hường có 18 năm, 7 tháng, nên bà Hường chỉ được hưởng chế độ mất sức lao động. Dựa vào quyết định này, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định cắt chế độ thương binh của bà Hường là vấn đề cần được xem xét lại.

Tương tự là trường hợp của ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1951, ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước), nhập ngũ năm 1967, thuộc Tiểu đoàn 261, từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Mỹ Tho. Quá trình chiến đấu, ông Dũng 4 lần bị thương và được hưởng chế độ thương binh.

Năm 1977, sau 10 năm công tác trong quân đội, ông ra quân và được hưởng chế độ bệnh binh. Ông có người con sinh ra bị dị hình, dị tật, bán thân bất toại, sống cuộc đời thực vật nên được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam.

Việc ông Dũng được hưởng chế độ trợ cấp thương binh, bệnh binh và chế độ nạn nhân chất độc da cam là đúng với quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Thế nhưng, cũng như trường hợp của bà Hường, dựa vào Thông tư 25 của Bộ LĐTB&XH, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định cắt chế độ trợ cấp thương binh hàng tháng của ông Dũng.

Như đã nói ở trên, việc cắt chế độ trợ cấp thương binh đối với ông Dũng là trái với Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ nên cần phải xem xét lại.

Cũng cần phải nói thêm rằng, đối với những người tham gia kháng chiến bị thương tật, bị nhiễm chất độc hóa học hầu hết đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, bị cắt giảm một chế độ nào cũng làm cho cuộc sống của họ lâm vào cảnh túng quẫn.

Hy vọng qua bài viết này, ngành LĐ-TB&XH nên xem xét lại 2 trường hợp bị cắt chế độ trợ cấp thương binh nêu trên; đồng thời có kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH xem xét lại Thông tư 25 về hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Nhóm PV.CTXH

.
.
.