Bộ NN&PTNT trả lời về việc thi công kinh Hốc Lựu,...
* Cử tri kiến nghị: Bộ NN&PTNT sớm thi công kinh Hốc Lựu (thuộc Dự án Thủy lợi Bảo Định giai đoạn 2, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư), nếu chưa nạo vét thì nên cắm mốc phạm vi nạo vét để dân an tâm đầu tư sản xuất.
* Bộ NN&PTNT trả lời: Dự án Thủy lợi Bảo Định giai đoạn 2 được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định 597/QĐ-BNN-XD, ngày 10-3-2009. Trong đó, kinh Hốc Lựu là một đoạn trong tuyến kinh trục Gò Cát - Hốc Lựu - Rạch Tràm thuộc dự án này. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư là 982 tỷ đồng và hoàn thành trước ngày 31-12-2012.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, dự án được dãn tiến độ thi công đến hết ngày 31-12-2015. Do khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai thi công tuyến kinh Gò Cát - Hốc Lựu - Rạch Tràm rất lớn (khi áp dụng Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ, chi phí đền bù sẽ lên đến 377 tỷ đồng, trong khi chi phí xây lắp là 31 tỷ đồng) và nhu cầu dùng nước đã có sự thay đổi (chuyển diện tích 2.600 ha đất trồng lúa sang trồng thanh long).
Hạng mục công trình này được dãn tiến độ để có thời gian xem xét điều chỉnh lại thiết kế và phù hợp với tiến độ cấp vốn cho dự án. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với địa phương, đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với yêu cầu dùng nước và giảm thiểu tối đa khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, hồ sơ điều chỉnh thiết kế tuyến kinh Gò Cát - Hốc Lựu - Rạch Tràm đã cơ bản hoàn thành. Theo dự kiến, hạng mục công trình này sẽ được triển khai thi công vào quý II - năm 2015.
* Cử tri kiến nghị: Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng hoàn chỉnh đê bao và trồng rừng phòng hộ cặp theo đê xung yếu ven biển tại huyện Tân Phú Đông nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của khu dân cư bên trong và hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu làm nước biển xâm thực đang ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
* Bộ NN&PTNT trả lời:
1. Về việc đầu tư kinh phí xây dựng đê bao: Thực hiện Quyết định 1397/QĐ-TTg ngày 15-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bộ NN&PTNT đã giao Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam triển khai thực hiện Dự án quy hoạch phòng chống lũ và đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL tại Quyết định 397/QĐ-TCTL-QLNN ngày 19-6-2013, dự kiến hoàn thành tháng 12-2014, làm cơ sở để xây dựng, củng cố và hỗ trợ đầu tư hệ thống đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL nói chung, đê bao, bờ bao khu vực huyện Tân Phú Đông nói riêng theo kiến nghị của cử tri.
2. Về việc trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27-5-2009 phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (Chương trình 667), trong đó xác định việc trồng cây chắn sóng ven biển là giải pháp bắt buộc để bảo vệ đê biển.
Do vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị UBND tỉnh tổ chức lập, phê duyệt Dự án trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí hàng năm theo Chương trình 667; đồng thời kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí lồng ghép với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 9-12-2012 để thực hiện.