Một hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ
Nhà ông chưa có lối đi, phải đi men cặp theo 2, 3 vuông vườn của nhà hàng xóm mới vào tới nhà ông. Gọi là nhà, nhưng chỉ có mấy cái cột chỏng chơ nâng đỡ mấy tấm tol xập xệ, chung quanh trống huơ trống hoác, vách phên tuềnh toàng, nền đất lởm chởm. Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá ngoài mấy tấm ván kê tạm làm giường và 1 chiếc tủ thờ đã bị mối mọt ăn gần sụp.
Ông sống một mình, không còn ai để nương tựa. Sáng, ông đi rảo một vòng khắp xóm xem có ai thuê gì làm nấy, chủ yếu kiếm được ngày 2 bữa cơm cho khỏi đói lòng. Chiều về, ông uể oải thả tấm thân ê ẩm trên bộ ván ọp ẹp, cố dỗ giấc ngủ lúc nào cũng chập chờn để quên đi nỗi buồn quạnh hiu. Đêm, căn nhà tối thui, không có một chút ánh sáng của đèn dầu chứ đừng nói tới đèn điện. Đó là cuộc sống hiện tại của ông Đoàn Văn Tươi, sinh năm 1962, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành.
Ông kiệm lời lại mắc chứng bệ̉̀nh tâm thần, nói năng hơi nghểnh ngãng nên không muốn nói chuyện đời mình. Bà con làng xóm thì kể rằng: Gia đình ông là gia đình cách mạng. Căn nhà này của cha mẹ ông để lại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn nhà của cha mẹ ông là cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ và du kích vùng vành đai Bình Đức. Mẹ ông - bà Lê Thị Trà, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Cảnh nghèo, nghèo đến nỗi vợ ông không chịu nổi đã bỏ đi khi 2 đứa con còn nhỏ. Ông một mình lam lũ, cặm cụi cảnh “gà trống nuôi con”. Lớn lên, chúng đi làm ăn kiếm sống, để lại ông một mình. Buồn cảnh nghèo, vợ con ly tán, ông mang chứng trầm uất lâu ngày, không tiền thuốc thang chữa trị nên có dấu hiệu bị bệnh tâm thần.
Bà Tám Thu (Trung tá Nguyễn Thị Ánh Thu, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Châu Thành) biết rất rõ hoàn cảnh của ông Tươi, đã phản ánh với chúng tôi như vậy. Xác minh sự việc, chúng tôi thấy hoàn cảnh của ông Tươi rất đáng thương tâm.
Hy vọng các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện - xã hội dang rộng vòng tay nhân ái hỗ trợ, giúp đỡ ông Tươi 1 “Mái ấm nghĩa tình” để ông có nơi thờ cúng cha mẹ, che nắng che mưa, vơi bớt nỗi buồn trong cảnh xế chiều, một mình hiu quạnh.
ANH ĐẬU