Không thực hiện đúng hợp đồng mua bán đất
Do hoàn cảnh ngặt nghèo, bà Nguyễn Thị Thúy (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) buộc phải bán nhà và đất cho ông Phạm Văn Phong (SN 1958, ngụ cùng ấp). 2 bên làm giấy tay thỏa thuận với giá 900 triệu đồng, hợp đồng trả đủ trong 3 năm, mỗi năm 300 triệu đồng (sau 2 tháng khi ký hợp đồng trả lần đầu 300 triệu đồng).
Ông Phong đưa trước tiền đặt cọc 10 triệu đồng và cam kết nếu không thực hiện đúng hợp đồng sẽ mất số tiền này. Thế nhưng, khi biết hoàn cảnh của bà Thúy đang cần tiền để thanh toán nợ nần, ông Phong đổi ý, yêu cầu bà Thúy làm lại biên nhận với giá thỏa thuận là 700 triệu đồng, trả làm 3 lần (lần đầu trả 250 triệu đồng, số tiền còn lại trả trong 2 năm, mỗi năm 225 triệu đồng).
Ông Phong đưa thêm 20 triệu đồng tiền đặt cọc và cam kết nếu không thực hiện đúng hợp đồng sẽ mất tiền đặt cọc (thời điểm trả tiền lần đầu khi ông Phong nhận được tiền của Nhà nước bồi thường về việc giải tỏa mặt bằng để làm cầu Phú Phong).
Cam kết, thỏa thuận là vậy, nhưng khi nhận được tiền đền bù, ông Phong không thực hiện đúng hợp đồng, mà còn yêu cầu bà Thúy giảm giá xuống 500 triệu đồng mới mua. Biết mình gặp hoàn cảnh ngặt nghèo nên bị ép giá từ 900 triệu đồng xuống còn 500 triệu đồng, bà Thúy không đồng ý bán, bị ông Phong làm đơn thưa ra tòa yêu cầu hủy bỏ hợp đồng và đòi lại tiền đặt cọc.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm 362/DSST, ngày 16-9-2014, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành đã quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở giữa bà Thúy và ông Phong; đồng thời buộc bà Thúy phải trả cho ông Phong 30 triệu đồng tiền đặt cọc, trả 1 lần khi án có hiệu lực pháp luật.
Xét trên góc độ pháp luật, hợp đồng sang nhượng nhà, đất được lập chưa tuân thủ về mặt nội dung và hình thức, không có chứng thực của cấp có thẩm quyền nên tòa tuyên hủy hợp đồng là đúng luật. Tuy nhiên, khi hợp đồng bị vô hiệu, tòa chưa xem xét lỗi của mỗi bên để giải quyết hậu quả của hợp đồng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các bút lục và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì hợp đồng bị vô hiệu là do lỗi của ông Phong thất tín, không thực hiện đúng như cam kết đã thỏa thuận. Vì vậy, tòa buộc bà Thúy phải trả cho ông Phong 30 triệu đồng tiền đặt cọc là chưa hợp tình, hợp lý, bởi ông Phong đã ký cam kết nếu không thực hiện đúng hợp đồng sẽ chịu mất tiền đặt cọc. Không đồng ý với bản án của tòa, bà Thúy đã làm đơn chống án.
Vì sao hợp đồng mua bán đất lại không đưa ra chính quyền chứng thực? Bà Thúy thật thà trả lời là do tin tưởng nhau nên đợi sau khi ông Phong chồng tiền đợt đầu sẽ đi làm công chứng và chuyển quyền sử dụng cho ông Phong luôn.
Cũng cần nói thêm rằng, sau khi thỏa thuận bán nhà và đất cho ông Phong, bà Thúy cũng đã đặt tiền cọc để mua 1 căn nhà khác ở. Nay ông Phong thất tín, bà không có tiền để mua nhà nên cũng đành phải mất tiền đặt cọc để giữ lấy chữ tín với bà con.
Không chỉ xét xử thiếu khách quan, chưa hợp tình, hợp lý, tòa sơ thẩm không mời đại diện Viện KSND tham dự phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Vì vậy, ngày 3-10-2014 Viện KSND huyện Châu Thành đã ra Quyết định 03/QĐKNPTDS, quyết định kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm 362/DSST, ngày 16-9-2014 của TAND huyện Châu Thành theo thủ tục phúc thẩm; đồng thời đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
Hy vọng qua bài phản ánh này, các cấp tòa sẽ đưa vụ việc ra xét xử một cách khách quan, hợp tình hợp lý, buộc những người có hành vi bất tín, không làm đúng theo cam kết của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhằm tránh thiệt thòi cho những người nông dân thật thà, chất phác không am tường luật pháp nhưng lại rất trân trọng giữ gìn chữ tín.
ANH ĐẬU