Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
* Cử tri xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy: Kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét lập di tích tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho - Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ; đồng thời xem xét cho sử dụng tên đồng chí Phan Văn Khỏe đặt tên các tuyến đường, trường học trong xã, huyện để tưởng nhớ công lao của đồng chí đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương.
* UBND tỉnh trả lời: Ngày 8-9, UBND tỉnh có Công văn 4292/UBND-NC trả lời kiến nghị của cử tri, cụ thể như sau:
Về lập di tích tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khỏe: Căn cứ Kết luận 88-KL/TW ngày 18-2-2014 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng phim tài liệu thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu thì đồng chí Phan Văn Khỏe chưa đủ tiêu chí để lập di tích tưởng nhớ.
Về việc sử dụng tên đồng chí Phan Văn Khỏe đặt tên các tuyến đường, trường học trong xã, huyện: UBND tỉnh xin trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri xã Mỹ Hạnh Đông về việc lấy tên đồng chí Phan Văn Khỏe đặt tên đường, trường học trong xã. Hiện nay, việc lấy tên đồng chí Phan Văn Khỏe đặt tên đường đã được thực hiện tại TX. Cai Lậy và TP. Mỹ Tho; còn việc đặt tên trường học trong xã cần phải có ý kiến của ngành GD-ĐT và UBND TX. Cai Lậy.
* Cử tri xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tỉnh liên quan có biện pháp dự báo dịch và kịp thời trong điều trị bệnh; đồng thời có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người nuôi nghêu khi xảy ra dịch bệnh.
* UBND tỉnh trả lời: Ngày 8-9, UBND có Công văn 4292/UBND-NC trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, cụ thể như sau:
Hoạt động nuôi nghêu ở vùng cồn, bãi ven biển tỉnh Tiền Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện thời tiết. Trong quy trình nuôi nghêu, người nuôi chỉ chủ động trong khâu thả giống và quản lý, trong khi đó quá trình sinh trưởng của nghêu phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên. Do đó, trong những năm gần đây, do thời tiết biến động bất thường, nắng nóng kéo dài vào thời điểm mùa khô làm cho nghêu chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi nghêu.
Trong thời gian qua, để giúp người nuôi hạn chế những rủi ro trong quá trình sản xuất, công tác quan trắc môi trường nước được ngành NN-PTNT của tỉnh thực hiện thường xuyên; trong đó ở khu vực biển Tân Thành với tần suất 2 lần/tháng đã phân tích các chỉ tiêu: Nhiệt độ nước, pH, độ mặn, độ kiềm, độ trong, NH3 COD, BOD5 và coliform; đồng thời lấy mẫu giám sát sự lưu hành mầm bệnh ngoài môi trường; có thông báo khuyến cáo thả nuôi qua phương tiện truyền thông đại chúng và trên Website của Sở NN-PTNT.
Ngoài ra, khi điều kiện thời tiết diễn biến bất thường thì quan trắc các chỉ tiêu trên với tần suất 1 tuần/lần, cũng đã được chuyển tải kịp thời qua các phương tiện thông tin đại chúng để giúp người nuôi chủ động có biện pháp phòng tránh, hạn chế thiệt hại.
Ngành cũng đã phối hợp với địa phương tổ chức triển khai cấp sổ quản lý nuôi nghêu theo Quyết định 27/2013/QĐ-UBND ngày 19-6-2013 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và nuôi trồng thủy sản, nhằm theo dõi quá trình hoạt động nuôi nghêu và làm cơ sở để hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Đến nay, 100% hộ nuôi nghêu khi thả nuôi đã đăng ký với UBND xã và được cấp sổ theo dõi.
Để xác định các nguyên nhân ảnh hưởng đến sản xuất cũng như nguyên nhân gây chết nghêu, ngành còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương (Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) khảo sát, thu mẫu phân tích để kịp thời có những khuyến cáo và đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho người nuôi.
Vào đầu năm 2013, trước tình trạng nghêu nuôi chết hàng loạt, ngành và địa phương đã kịp thời thống kê, đánh giá mức độ, xác định diện tích thiệt hại để tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ người nuôi theo Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31-12-02009 của Thủ tướng Chính phủ.
Được sự thống nhất của 2 Bộ trên, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện tổ chức chi hỗ trợ kịp thời cho 128 hộ/599,09 ha nghêu nuôi với tổng số tiền 11,98 tỷ đồng. Hiện tại, ngành phối hợp với Sở Tài chính và UBND huyện Gò Công Đông hoàn tất việc rà soát, đánh giá thiệt hại và đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh tiếp tục xem xét, hỗ trợ cho các hộ nuôi nghêu bị thiệt hại còn lại (đủ điều kiện hỗ trợ) của năm 2013.