Tiếp xúc, giải quyết khiếu kiện liên quan Dự án khôi phục,mở rộng QL IA
Ngày 13-1, tại Hội trường Công an tỉnh, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cùng cán bộ các ngành có liên quan tổ chức cuộc tiếp xúc, trao đổi với 29/38 hộ dân ở huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy khiếu kiện về việc giải tỏa, đền bù Dự án khôi phục QL IA - năm 1994 và Dự án nâng cấp, mở rộng QL IA - năm 2005.
Mặc dù những vụ việc này đã được các ngành, các cấp, địa phương giải quyết nhiều lần và bộ, ngành Trung ương đã kiểm tra, kết luận, nhưng người dân cho rằng vẫn chưa thỏa đáng. Bà con khiếu nại tập trung chủ yếu 4 nội dung:
Yêu cầu bồi thường đất bị ảnh hưởng Dự án khôi phục QL IA năm 1994; bồi thường phần diện tích đất taluy, mương lộ; bồi thường đất bị ảnh hưởng Dự án nâng cấp, mở rộng QL IA năm 2005 theo giá đất ở (thổ cư) và yêu cầu được tái định cư, trợ cấp ổn định đời sống, bồi thường vật kiến trúc, hoa màu, cây cối… đúng giá trị thực tế.
Người dân trình bày bức xúc của mình trước Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành hữu quan. |
Qua rà soát, xác minh của Tổ Công tác 1966 đối với 38 trường hợp khiếu nại có liên quan các nội dung nêu trên, cho thấy: 21 trường hợp có nhà ở, sử dụng ổn định trước ngày 18-12-1980; 8 trường hợp có nhà ở, sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993; 9 trường hợp còn lại có nhà ở hoặc không có nhà ở từ cuối năm 1993 trở về sau (trong đó có 3 trường hợp đã được bồi thường đất ở không khiếu nại và 1 trường hợp không yêu cầu bồi thường đất ở).
Đối với 29 trường hợp có nhà ở ổn định trước ngày 18-12-1980 và trước ngày 15-10-1993 khiếu nại yêu cầu bồi thường đất ở là có cơ sở xem xét. Tổ Công tác đề xuất theo hướng: Công nhận hạn mức đất ở có diện tích từ 250 - 600 m2, bồi thường diện tích đất bị ảnh hưởng bởi Dự án QL IA theo giá đất ở tại thời điểm bồi thường.
Sau khi nhận được bồi thường, trừ lại diện tích đất ở đã được công nhận. Nếu muốn chuyển nhượng mục đích sử dụng đất ở ngoài hạn mức đất ở thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về việc chuyển mục đích sử dụng đất ở.
Còn các yêu cầu khác không có cơ sở xem xét, giải quyết. Cụ thể:
- Đối với Dự án khôi phục QL IA năm 1994: Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ thì trong danh sách có 1 hộ được bồi thường đất, còn 37 hộ không được bồi thường đất. Từ đó cho thấy, việc thu hồi đất Dự án khôi phục QL IA năm 1994 không ảnh hưởng đất của 37 hộ khiếu nại.
Hơn nữa, Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” và Nghị định 197/2004/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 3-12-2004 về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, do đó phương án, kế hoạch giải phóng mặt bằng QL IA giai đoạn 1 - năm 1994 đã được Chính phủ ủy nhiệm phê duyệt nên nội dung khiếu nại của các hộ nêu trên không được xem xét bồi thường theo Nghị định 197 của Chính phủ.
- Về yêu cầu bồi thường diện tích đất taluy và mương lộ: Theo Điều lệ Bảo vệ đường bộ (ban hành kèm theo Nghị định 203/HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng) quy định: “Những công trình giao thông đường bộ được bảo vệ gồm: Mái đường, lề đường, nền đường, mặt đường, hệ thống thoát nước của nền đường, mặt đường…”.
Từ những căn cứ trên, xác định mái đường (taluy) và rảnh thoát nước (mương lộ) đã hình thành từ khi có Quốc lộ. Năm 2004, Nhà nước tiến hành nâng cấp, mở rộng QL IA trên cơ sở khôi phục Quốc lộ năm 1994 nên mái đường (taluy), rảnh thoát nước (mương lộ) đã được hình thành từ trước, thuộc loại đất công cộng, không được bồi thường.
- Đối với yêu cầu được tái định cư, trợ cấp ổn định đời sống, vật kiến trúc, cây cối hoa màu: Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, Hội đồng Bồi thường đã kê biên, áp giá tất cả các công trình, cây cối, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng đã được các hộ thống nhất ký tên và đồng ý nhận tiền bồi thường xong. Do đó, nội dung khiếu nại này không có cơ sở xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, qua đối thoại trực tiếp, người dân nêu lên nhiều bất cập mà lâu nay các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa xem xét, giải quyết thỏa đáng. Đó là: Đất người dân định canh, định cư đã lâu, hàng năm đóng thuế đầy đủ, không vi phạm quy định về lộ giới, nhưng khi có chủ trương của Nhà nước khôi phục Dự án QL IA (giai đoạn 1 - năm 1994), cán bộ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đến cắm cột mốc, yêu cầu người dân di dời.
Trong quá trình thực hiện chỉ kê biên bồi thường tiền tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu, cây trái…, mà chưa tính toán giá trị của đất. Hơn nữa, đất tại thị trấn, thị tứ thì làm gì có taluy, mương lộ mà trừ. Còn mái che, hệ thống thoát nước, vỉa hè không liên quan gì đến đất của người dân đang sử dụng tại thời điểm.
Đến năm 2005, tiếp tục thực hiện nâng cấp, mở rộng QL IA (giai đoạn 2), người dân một lần nữa bị thiệt hại cả đất lẫn tài sản gắn liền trên đất, nhưng chỉ bồi thường và hỗ trợ giá trị “xen canh đất ở ”, chứ không tính giá trị đất ở, làm cho người dân bức xúc hơn.
Đối với yêu cầu được tái định cư, trợ cấp ổn định đời sống, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu..., người dân cho biết: Là do bồi thường thiếu công bằng, không đúng với ba-rem quy định nên mới có chuyện bà con khiếu nại kéo dài cho đến nay để đòi lại sự công bằng do cán bộ làm sai.
Sau một ngày làm việc, lắng nghe nhiều ý kiến của người dân nêu lên những bức xúc, bất cập trong quá trình giải phóng mặt bằng thu hồi đất, chính sách bồi thường chưa thỏa đáng và nhất là những sai sót của cán bộ các cấp trong quá trình thực hiện công tác giải tỏa, bồi thường trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh xin nhận khuyết điểm về mình vì đã chậm xem xét, giải quyết để người dân khiếu nại kéo dài.
Ông nói: Nguyên nhân dẫn đến thiếu sót có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là cơ bản. Do nóng vội nên công tác nghiên cứu và chấp hành pháp luật chưa tốt. Nhận thức sự phức tạp của dự án chưa đầy đủ, chưa xem xét đến tính công bằng trong cộng đồng nên khi thực hiện có nhiều vấn đề bất cập xảy ra, dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ chưa thống nhất giữa khung giá quy định của Chính phủ và thị trường.
Việc triển khai thực hiện chưa kịp thời, dân chủ nên chưa được sự đồng thuận cao của người dân, gây nghi ngờ, thắc mắc dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Quá trình giải quyết khiếu nại thiếu tính thuyết phục dẫn đến việc giải quyết không có điểm dừng, tạo tâm lý cho người đi khiếu nại sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.
Từ những cơ sở trên, ông Nguyễn Văn Khang kết luận: Thống nhất đề xuất của Tổ Công tác 1966 về việc bồi thường giá trị đất ở theo thời điểm 2014 đối với các trường hợp khiếu nại có nhà ở, sử dụng ổn định trước ngày 18-12-1980 và trước ngày 15-10-1993. “Vấn đề này, tôi sẽ ban hành văn bản trước Tết Nguyên Đán Ất Mùi năm 2015 để bà con yên tâm vui Xuân đón Tết” - ông khẳng định.
Đối với các yêu cầu còn lại của người dân, ông Nguyễn Văn Khang giao Tổ Công tác 1966 thẩm tra, xác minh từng trường hợp cụ thể, nếu vụ việc nào sai thì phải khắc phục, sửa chữa và xác định đúng loại đất để bồi thường; còn đã giải quyết đúng theo pháp luật quy định thì mong bà con thông cảm, chấp hành.
Đối với những trường hợp mà trước đây cán bộ làm thiếu trách nhiệm, Chủ tịch tỉnh xin nhận khuyết điểm và hứa sẽ cho thẩm tra lại để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
TỔ CTBĐ