Mượn sổ đỏ của dân làm hồ sơ giả để vợ vay nợ ngân hàng
Anh Phạm Văn Hiệp (ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) gởi đơn trình bày:
Năm 2008, bà Lê Thị Biền (mẹ ruột anh, sinh năm 1925) ở nhà một mình. Lúc này, ông Cao Văn Thê, đương chức Chủ tịch UBND xã Bình Ninh đến hỏi mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 01931/GCNQSDĐ, được UBND huyện Chợ Gạo cấp ngày 14-1-1997, diện tích 5.738 m2 đất, số thửa 708, tờ bản đồ số 10, loại đất vườn cây lâu năm + thổ cư, tọa lạc tại ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, do mẹ anh đứng tên, đem thế chấp ngân hàng lấy tiền mua thức ăn chăn nuôi heo.
Nhưng do “sổ đỏ” không được sự đồng ý ủy quyền của người thân trong gia đình (vì mẹ anh ngoài 80 tuổi, quá tuổi vay vốn lại không biết chữ) và không được công chứng hợp đồng thế chấp tài sản nên ngân hàng không cho vay.
Từ đó, rất nhiều lần mẹ anh cùng gia đình đến nhà đòi lại, nhưng ông Thê cứ hẹn lần, hẹn lựa và sau đó tránh mặt.
Cho đến tháng 8-2010, lúc này ông Cao Văn Thê chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã, đã “phù phép” giấy tờ bằng bộ hồ sơ “thế chấp tài sản của bên thứ ba”, được UBND xã Bình Ninh, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chợ Gạo chứng nhận và được Ngân hàng NN&PTNN huyện Chợ Gạo (bên nhận thế chấp - bên A) đồng ý cho bà Trần Thị Kim Hoàng - vợ ông Thê (đại diện bên vay vốn - bên C) vay 400 triệu đồng, nhận tiền theo “Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba số 6904.LGA, ngày 23-8-2010”.
Sau khi biết được việc làm sai trái của vợ chồng ông Thê - bà Hoàng, gia đình anh Hiệp làm đơn gởi Huyện ủy Chợ Gạo nhờ can thiệp, vì ông Thê đương chức Bí thư Đảng ủy xã Bình Ninh. Ngày 29-4-2014, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Chợ Gạo, Đảng ủy xã Bình Ninh đưa vụ việc ra hòa giải, ông Thê thừa nhận đã tự làm hồ sơ và giả chữ ký của bà Lê Thị Biền để bảo lãnh cho vợ ông vay 400 triệu đồng tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Chợ Gạo.
Ông hứa đến ngày 20-5-2014 sẽ đem tiền trả ngân hàng và lấy “sổ đỏ” về trả lại cho bà Biền, nhưng từ đó đến nay chưa thực hiện. Nhiều lần gia đình anh Hiệp nhờ chính quyền và Công an xã Bình Ninh can thiệp, nhưng ông Thê cố tình tránh né và vắng mặt không lý do.
“Mẹ tôi đã mất (tháng 8-2014), tôi muốn làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất, nhưng “sổ đỏ” bị ngân hàng cất giữ do vợ chồng ông Thê thế chấp sai quy định. Tôi làm đơn gởi TAND huyện Chợ Gạo nhờ giải quyết. Tòa án yêu cầu tôi cung cấp văn bản công chứng hợp đồng thế chấp; hợp đồng thế chấp tài sản kèm theo hợp đồng tín dụng của ngân hàng.
Nhiều lần tôi đến gặp Ban Giám đốc Ngân hàng NN&PTNN huyện Chợ Gạo nhờ trích lục (bản sao) các văn bản trên để nộp cho tòa án nhưng ở đây từ chối. Tôi đề nghị, nếu không cung cấp thì trả lời bằng văn bản để tôi yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Chợ Gạo thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật, nhưng ngân hàng cũng không chấp nhận, mà đề nghị tôi về xã trích lục, nhưng ở xã làm gì có chuyện quản lý hồ sơ vay vốn của ngân hàng” - anh Hiệp bức xúc.
Điều đáng nói là, để được ngân hàng cho vay, ông Thê hợp thức hóa giấy tờ bằng 2 văn bản chính, đó là: Lời chứng của UBND xã Bình Ninh trong “Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba số 6904 LGA, do ông Phạm Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận như sau: Ngày 23-8-2010, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Bình Ninh.
Bên nhận thế chấp (bên A): Ông Lê Văn Danh, chức vụ Giám đốc Ngân hàng NN&PTNN huyện Chợ Gạo; Bên thế chấp (bên B): Bà Lê Thị Biền, thường trú ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo; Bên vay vốn (bên C): Bà Trần Thị Kim Hoàng cùng chồng là ông Cao Văn Thê, thường trú ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo. Nội dung chứng thực:
- Các bên đã tự nguyện thỏa thuận giao kết hợp đồng và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung hợp đồng.
- Tại thời điểm chứng thực các bên giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật.
- Nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội.
- Các bên giao kết đã đọc lại hợp đồng này, đã hiểu và đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng và đã ký vào hợp đồng này trước sự có mặt của tôi. P. Chủ tịch, Phạm Văn Tám đóng dấu và ký tên.
Nội dung trên không nằm trong cuộc họp nào cả và cũng không có mặt ai cả, mà chỉ có một tờ văn bản (được đánh máy sẵn) do bộ phận Văn phòng UBND xã trình ký mà thôi - ông Tám đã thừa nhận với chúng tôi.
Văn bản thứ 2 là “Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” của bà Lê Thị Biền do ông Cao Văn Thê giả chữ ký để được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chợ Gạo chứng nhận: Việc thế chấp QSDĐ của bà Lê Thị Biền - 1 GCNQSDĐ số 1931 đã được đăng ký theo những nội dung kê khai tại đơn này.
Chính 2 văn bản trên là cơ sở pháp lý để ngân hàng đồng ý cho bà Trần Thị Kim Hoàng (vợ ông Thê) vay 400 triệu đồng từ “sổ đỏ” của bà Lê Thị Biền, trong khi đó gia đình chủ sở hữu tài sản không hề hay biết.
Ông Nguyễn Phú Quý, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNN huyện Chợ Gạo cho biết, về nguyên tắc “vay vốn thế chấp tài sản” thì người có tài sản là người trực tiếp đứng vay và chịu mọi trách nhiệm theo quy định.
Tuy nhiên, cũng có một loại hình “vay vốn thế chấp tài sản của bên thứ ba”. Nghĩa là tài sản của bất kỳ ai đó đồng ý thế chấp cho bên thứ ba (bên C) vay vốn cũng được chấp nhận. Loại hình này, ngân hàng cung cấp mẫu hồ sơ cho bên vay vốn (bên C) đem về tự thỏa thuận với bên có tài sản (bên B) đồng ý thế chấp tài sản thì điền vào mẫu và ký tên trong hồ sơ, được chính quyền cấp cơ sở xác nhận đầy đủ theo yêu cầu của bên nhận thế chấp (bên A).
Ngoài ra, ngân hàng cũng yêu cầu bên thế chấp tài sản (bên B) phải nộp “Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện xác nhận và cung cấp.
Đối với trường hợp của bà Trần Thị Kim Hoàng (vợ ông Cao Văn Thê) là bên vay vốn (bên C), còn bên thế chấp (bên B) là bà Lê Thị Biền đã thực hiện đúng theo quy định. Tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận QSDĐ do bà Biền đứng tên đồng ý thế chấp 5.738 m2 đất thổ + quả tại Ngân hàng NN&PTNN huyện Chợ Gạo để vay 400 triệu đồng, thời hạn 36 tháng (kể từ ngày 23-8-2010 đến 23-8-2013).
Thời gian qua, bà Trần Thị Kim Hoàng trả được 100 triệu đồng cho ngân hàng rồi ngưng luôn. Số tiền vốn + lãi hiện được chuyển sang nợ xấu và ngân hàng có hướng giải quyết theo quy định của pháp luật để có cơ sở phát mãi tài sản thu nợ về cho đơn vị.
TỔ CTBĐ