Thứ Tư, 18/03/2015, 13:37 (GMT+7)
.
ÔNG NGUYỄN VĂN KHANG, CHỦ TỊCH UBND TỈNH:

Tổ công tác 1966 tiếp tục rà soát, đề xuất hướng giải quyết khiếu nại...

Chiều 12-3, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành có liên quan tổ chức cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp 2 trường hợp khiếu nại kéo dài:

Bà Trần Thị Bạch (ngụ ấp Thạnh Hòa Tây, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) yêu cầu giải quyết trả lại 8.000 m2 đất gốc của gia đình bà bị điều hòa cho người khác năm 1977 và trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhân (ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) yêu cầu bồi thường việc trưng dụng 2.200 m2 đất để mở rộng Trường THPT Vĩnh Bình năm 1984.

Qua thẩm tra, rà soát vụ việc khiếu nại của bà Trần Thị Bạch, Tổ Công tác 1966 nhận xét và đề xuất: Căn cứ Điểm a, Khoản 2, Phần IV, Quyết định 188/CP ngày 25-9-1976 của Hội đồng Chính phủ quy định việc chia cấp ruộng đất như sau: “…Liệt sĩ và tử sĩ trong 2 cuộc kháng chiến - nếu gia đình không đủ sức làm hết thì vận động nhường bớt để chia cấp cho người khác”.

Năm 1977 (tại thời điểm đó), gia đình bà Bạch có 40.000 m2 đất ruộng, nên chính quyền vận động và được gia đình bà thống nhất chia cho ông Tùng và ông Thăng là người thân trong gia đình bà Bạch 8.000/40.000 m2 là phù hợp. Hiện bà còn 4.360 m2 đất ruộng (trong đó có một phần của người em trai Trần Văn Việt) đang cho người khác thuê và 2.270 m2 đất vườn dừa.

Tổ Công tác 1966 đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản trả lời nội dung khiếu nại của bà Trần Thị Bạch là không có cơ sở; nên có chính sách hỗ trợ đối với gia đình bà Bạch để ổn định cuộc sống vì bà hiện đang sống độc thân, kinh tế khó khăn, nhà thô sơ, sức khỏe kém do bệnh tim và khớp.

Tại buổi tiếp xúc, bà Bạch trình bày nội dung bức xúc mà hơn 20 năm nay mẹ bà và bà liên tục khiếu nại, với các lý do: Thứ nhất, gia đình bà là gia đình chính sách (có 1 anh trai là liệt sĩ), lẽ ra không phải điều hòa ruộng đất. Khi Nhà nước có chủ trương trả đất về “chân ruộng gốc” thì ai cũng được trả, còn gia đình bà thì không.

Thứ hai, đất “nhường cơm xẻ áo” là trang trải cho những hộ ít đất, nhân khẩu đông, cần đất sản xuất để nuôi sống gia đình, trong khi đó ông Tùng và ông Thăng được giao đất sản xuất thì đem chuyển nhượng lại cho người khác.

Thứ ba, hơn 20 năm gia đình bà liên tục đi khiếu nại nhưng chính quyền, các ngành, các cấp từ địa phương đến Trung ương chưa ban hành một Quyết định chính thức nào giải quyết trường hợp của bà, mà chỉ có công văn trả lời và hướng dẫn mà thôi. Bà đề nghị UBND tỉnh xem xét và giải quyết trên tinh thần luật pháp quy định.

Đối với trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhân khiếu nại Quyết định 1587/QĐ-UBND ngày 22-5-2002 của UBND tỉnh, đòi đền bù 2.200 m2 đất do UBND huyện Gò Công Tây thu hồi sử dụng làm trường học vào năm 1984.

Qua rà soát của Tổ Công tác 1966 cho thấy: Nguồn gốc đất là của ông Nguyễn Văn Xuân (cha chị Nhân) quản lý, sử dụng và cất nhà ở ổn định trên phần đất này (tọa lạc tại ấp Bắc, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) từ năm 1956.

Năm 1984, UBND huyện Gò Công Tây trưng dụng toàn bộ 2.200 m2 đất này để mở rộng Trường THPT Vĩnh Bình, có hỗ trợ 12.000 đồng tiền di dời nhà cửa; đồng thời cho phép gia đình ông Xuân được lấy đất lúa của gia đình (tọa lạc tại ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh) lên nền cất nhà ở cho đến nay.

Từ năm 1995 đến nay, gia đình ông Xuân liên tiếp gửi đơn khiếu nại yêu cầu được bồi thường 2.200 m2 đất trưng dụng làm trường học từ năm 1984.

Hiện tại, gia đình chị Nguyễn Thị Nhân có 11 nhân khẩu, sử dụng 5.143 m2 đất trồng cây lâu năm. Bản thân chị Nhân bị suy tim, cha mẹ già yếu, bệnh đau nằm một chỗ, có 3 người em là bộ đội xuất ngũ. Tổ Công tác 1966 đề nghị nên xem xét có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đối với gia đình chị Nhân.

Tại buổi tiếp xúc, chị Nhân cho biết, phần đất 2.200 m2 bị trưng dụng là đất mặt tiền QL50, gia đình đang ở ổn định thì bị buộc “dỡ nhà ra đi” với hơn 10 nhân khẩu phải tự tìm chỗ ở mới chỉ được hỗ trợ 12.000 đồng. Khi về đất gốc tại xã Đồng Thạnh, gia đình lên nền cất nhà ở thì một lần nữa bị cắt 300 m2 cho người khác sử dụng.

Hiện tại, chị khiếu nại không yêu cầu đòi lại đất gốc (vì làm công trình phúc lợi công cộng), nhưng yêu cầu Nhà nước nên xem xét lại, có hướng giải quyết đền bù thỏa đáng vì đây là đất gia đình sử dụng ổn định hợp pháp từ trước năm 1975; hơn nữa là đất mặt tiền QL50, có giá trị sinh lợi rất cao.

Sau khi lắng nghe báo cáo kết quả thẩm tra, rà soát của Tổ Công tác 1966; ý kiến trình bày của chính quyền địa phương huyện Gò Công Tây, các ngành chức năng và phần trình bày của người khiếu nại, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh chưa kết luận vụ việc, mà chỉ đạo Tổ Công tác 1966 tiếp tục thẩm tra xác minh, rà soát lại cụ thể những vấn đề mà 2 hộ còn thắc mắc và đề xuất hướng giải quyết theo đúng pháp luật quy định.

TỔ CTBĐ

.
.
.