"Chợ cá đầu mối" tự phát: Tiếng nói từ nhiều phía &giải quyết ra sao?
Ngày 15-4-2015, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Mỹ Tho ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các hộ mua bán cá tự phát ban đêm trên đường Trưng Trắc (khu phố 2, phường 1) do gây mất an ninh trật tự, không bảo đảm vệ sinh môi trường từ nhiều năm nay. Còn các hộ tiểu thương thì cho rằng, việc thu hồi Giấy chứng nhận kinh doanh sẽ khó thu hồi vốn nợ, khó tìm địa điểm mới để kinh doanh, mà còn kéo theo hơn trăm lao động bị thất nghiệp...
Từ lá đơn “cầu cứu”
10 hộ tiểu thương kinh doanh cá nước ngọt, nước mặn tự phát tại chợ cá đêm trên đường Trưng Trắc làm đơn gởi nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh “cầu cứu”: Từ năm 2010, chúng tôi đã thuê mặt bằng của các chủ hộ tại đây để buôn bán từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau thì tổng vệ sinh trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Các tiểu thương chúng tôi đều có giấy phép kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Mỹ Tho cấp và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.
Gần đây, Công an và UBND phường 1 liên tục gây khó khăn chúng tôi bằng cách gởi văn bản lên cấp thành phố đề nghị rút giấy phép kinh doanh của chúng tôi, với lý do buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, gây ô nhiễm vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự về đêm. Trong khi đó, các hộ kinh doanh cùng mặt hàng cá với chúng tôi (cũng trên đường Trưng Trắc) phía sau nhà lồng chợ Mỹ Tho thì được phép kinh doanh?
Ngày 27-4, Công an và UBND phường 1 mời chúng tôi lên họp để phổ biến việc rút giấy phép kinh doanh và yêu cầu chúng tôi phải ngừng ngay việc mua bán tại khu vực này sau ngày 5-5-2015. Việc rút giấy phép kinh doanh không chỉ có 10 hộ chúng tôi bị phá sản vì nợ tồn đọng chưa được thu hồi, vốn liếng đầu tư vào sạp hàng, mua thiết bị, máy móc tốn rất nhiều tiền, mà còn kéo theo khoảng 200 lao động nhiều năm kiếm sống trong ngành hàng của chúng tôi cũng bị thất nghiệp, gây khó khăn cuộc sống kinh tế gia đình họ.
Nguyện vọng của chúng tôi là muốn được kinh doanh chung một đầu mối tại chợ Mỹ Tho vì: “Buôn có bạn, bán có phường”. Còn phải di dời đi nơi khác thì cũng phải xem xét và giải quyết luôn các hộ kinh doanh phía sau nhà lồng chợ Mỹ Tho (trên đường Trưng Trắc) thì mới đảm bảo tính công bằng.
Người dân nói gì?
Bà chủ nhà thuốc Tây (số 137, đường Trưng Trắc) cũng là Tổ trưởng Tổ dân phố cho biết: Năm 2010, khi “chợ cá tự phát” mới hình thành, thật tình là người dân nơi đây không ai muốn. Bởi vì, nửa đêm họ đưa ghe tàu, xe cộ chở cá, tôm tới đổ ra chợ bày bán, rồi bạn hàng các nơi tới ngả giá mua bán “ì xèo” gây náo động cả một khu vực.
Họ tự động sử dụng hành lang phía trước nhà dân của 2 dãy phố làm nơi buôn bán, nghỉ ngơi, ăn uống, nhậu nhẹt, thậm chí cả tiểu tiện, đại tiện ở những nơi trống vắng. Lúc bấy giờ, người dân trong khu vực rất bực mình, nhưng chưa dám lên tiếng. Chịu hết xiết, một số hộ làm đơn gởi chính quyền xem xét, giải quyết.
Qua nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, cho làm cam kết thì tình hình có chuyển biến, trật tự hơn. Sau đó, Ban Quản lý chợ Mỹ Tho và chính quyền phường 1 hướng dẫn các hộ kinh doanh này tự thỏa thuận với các hộ dân về việc thuê mặt bằng phía trước để có cơ sở làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh và làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Từ đó, tình hình buôn bán ổn định hơn, vệ sinh môi trường được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, tiếng của động cơ xe lạnh vào ra để vận chuyển cá, tôm; tiếng máy nổ tạo ôxy; tiếng xe máy của bạn hàng và những tiếng “lóng” của nhân công cũng như việc bày bán dưới lòng đường thì chưa khắc phục được.
Anh Ba Điệp, chủ hiệu buôn Hiệp Hòa Sanh nói: Hộ tôi không có hợp đồng cho thuê, nhưng đêm xuống đóng cửa hiệu buôn ngủ, nghỉ thì phía trước cửa nhà mình bà con bán cá tự động sử dụng, sáng ra có bữa thấy “ê hề”. Riết rồi buộc lòng tôi phải đồng ý lấy tiền thông qua thỏa thuận miệng để bà con vừa giữ vệ sinh môi trường trước nhà, vừa không gây bất lợi cho gia đình.
Theo tôi biết, cả khu vực này có chừng 5 - 7 hộ có hợp đồng cho thuê, còn lại đều “chấp nhận” bằng thỏa thuận miệng và mỗi tháng nhận từ 2 - 4 triệu đồng tùy theo diện tích phía trước nhà mình lớn hay nhỏ.
Bà chủ tiệm tạp hóa (số 132, đường Trưng Trắc) thì cho biết, gia đình bà có thỏa thuận cho thuê, người bán có chừa một lối nhỏ trước cửa để người nhà thuận tiện ra vào khi cần thiết. Bà bức xúc, hiện nay đường cống thoát nước trước dãy nhà bà bị ứ đọng nên nước thải của những người mua bán cá không thoát hết được, khi trời nắng lên thì bốc mùi tanh suốt cả ngày rất khó chịu.
Bà chủ tiệm vàng Hoàng Nam dè dặt hơn: Ngày bà con đến bán, gia đình tôi lo lắng về tình hình an ninh trật tự sẽ phức tạp, ban đêm phải thức canh chừng nhưng không dám ra. Khi được gợi ý hợp đồng cho thuê hành lang phía trước (có sự ràng buộc trong hợp đồng), gia đình yên tâm hơn vì được bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trước cửa nhà.
Về tiếng ồn của xe cộ, người mua - người bán ở riết rồi cũng quen. Còn việc buôn bán dưới lòng đường (nếu vi phạm) thì thuộc các ngành chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chính quyền giải quyết ra sao?
Ông Lê Phước Hiển, Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết: Chợ cá tự phát về đêm trên đường Trưng Trắc (thuộc khu phố 2) có từ năm 2010. Lúc đầu do hộ Tăng Mỹ Hồng (quê xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đưa ghe đến cắm cọc neo đậu dưới sông Bảo Định vào ban đêm và đem cá lên đường Trưng Trắc bày bán. Sự việc được chính quyền giải quyết, xử phạt nhiều lần nhưng hộ này vẫn tái phạm và sau đó nhiều hộ khác cùng đến đây bày bán gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Tình trạng này không chỉ có người dân nơi đây phản ánh, mà cả Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân TP. Mỹ Tho cũng đề nghị UBND TP. Mỹ Tho sớm chỉ đạo các ngành chức năng kết hợp với chính quyền cơ sở đưa ra giải pháp tốt nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, sự việc còn tồn đọng và kéo dài là do chưa tìm được địa điểm thích hợp để di dời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ này tiếp tục kinh doanh ổn định lâu dài.
Ngày 29-12-2014, UBND TP. Mỹ Tho có Công văn 5707/UBND-VP gởi Ban Quản lý (BQL) Cảng Cá tỉnh đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc sắp xếp, bố trí cho 12 hộ buôn bán cá trên đường Trưng Trắc (diện giải tỏa) có nơi buôn bán mới ổn định tại Cảng cá Mỹ Tho.
Ngày 12-1-2015, BQL Cảng Cá tỉnh đã mời 12 hộ đến để thống nhất vị trí, diện tích mặt bằng hiện có tại khu vực Cảng Cá Mỹ Tho và bố trí mỗi hộ kinh doanh cá nước ngọt là 15 m2, ở vị trí cầu cảng 600CV. Nhưng các hộ cho rằng, với diện tích như trên không đủ để buôn bán và BQL Cảng Cá tỉnh cho các hộ cân nhắc lại, nếu hộ nào đồng ý với diện tích trên thì làm đơn xin đăng ký để BQL Cảng Cá tỉnh xem xét, bố trí.
Đến ngày 19-1-2015, chỉ có 2 hộ là bà Lê Thị Thanh và Đinh Thị Thu Thủy có đơn xin đăng ký, còn lại 10 hộ thì không làm đơn đăng ký mặt bằng kinh doanh nên BQL không có cơ sở xem xét, sắp xếp bố trí mặt bằng buôn bán. Hiện 2 hộ (đăng ký) được BQL Cảng Cá tỉnh bố trí mặt bằng, đầu tư xây dựng mái che, tạo điều kiện buôn bán ổn định.
Về trường hợp so bì: “Vì sao UBND TP. Mỹ Tho thống nhất cho 6 hộ kinh doanh cá bán sỉ phía sau nhà lồng chợ vẫn được buôn bán tạm phía trước nhà cá do Ban Quản lý chợ Mỹ Tho bố trí, sắp xếp mà không di dời?”.
Ông Lê Phước Hiển đã giải thích: 6 hộ này đăng ký kinh doanh mua bán cá sỉ ổn định tại chợ cá Mỹ Tho từ rất lâu. Nay nhà lồng chợ cá xuống cấp nặng cần phải sửa chữa lại nên BQL Chợ Mỹ Tho cho di dời và bố trí cho bà con bán tạm phần sân trước chợ. Các hộ này không liên quan gì đến số hộ mua bán tự phát gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trên đường Trưng Trắc mà người dân phản ánh.
Tại Công văn 453/UBND-VP ngày 23-1-2015 của UBND TP. Mỹ Tho về việc giải tỏa, di dời các hộ buôn bán cá tự phát lấn chiếm lòng đường Trưng Trắc nêu rõ: Qua quá trình giải quyết đối với các hộ nêu trên, UBND TP. Mỹ Tho đã rất quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá nước ngọt tự phát tại khu vực đường Trưng Trắc có địa điểm di dời, ổn định kinh doanh (tại Cảng Cá Mỹ Tho) nhằm giải quyết tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường, gây mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường ở khu vực đường Trưng Trắc. Tuy nhiên, các hộ vẫn thiếu thiện chí, không hợp tác…
Từ những lý do trên, UBND TP. Mỹ Tho giao cho Phòng Quản lý đô thị (cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông) chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế, BQL Chợ thành phố, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an thành phố, UBND phường 1 tổ chức thực hiện đúng theo nội dung chỉ đạo của UBND TP. Mỹ Tho tại Công văn 5707/UBND-VP ngày 29-12-2014.
TỔ CTBĐ