Thứ Sáu, 31/07/2015, 15:37 (GMT+7)
.

2 Quyết định của UBND huyện Gò Công Đông là đúng

Vừa qua, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành chức năng và chính quyền huyện Gò Công Đông tổ chức đối thoại trực tiếp, giải quyết 2 trường hợp khiếu nại của bà Đinh Thị Ngọc Anh (ngụ số 175, đường 24, phường Bình Trị Đông B, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) và bà Đinh Thị Truyền (khu phố Chợ 1, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) về việc UBND huyện Gò Công Đông ra Quyết định bác đơn của 2 bà.  

1. Bà Đinh Thị Ngọc Anh: Kiến nghị thu hồi, hủy bỏ 2 Giấy chứng nhận QSDĐ số 00058/C/QSDĐ ngày 24-3-2004 và số 00132/QSDĐ/647/QĐUB(H)8/03 ngày 16-2-2000 của UBND huyện Gò Công Đông đã cấp cho bà Bùi Thị Sáu (ngụ ấp Chợ, xã Kiểng Phước), với lý do là gốc đất của cha mẹ bà để lại.

Theo kết quả thẩm tra, xác minh của thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường: 2 thửa đất  số 71 và 72 có tổng diện tích 10.370 m2, được UBND huyện Gò Công Đông cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số 00217/QĐ.QSDĐ ngày 2-6-2000 cho hộ bà Lê Thị Kiến, là mẹ ruột bà Anh (mẹ chồng bà Sáu). Bà Sáu ở chung nhà và hộ khẩu với bà Kiến từ năm 1978 cho đến nay. Năm 2003, bà Kiến chết, bà Sáu lập thủ tục thay đổi tên chủ sử dụng là đúng theo Luật Đất đai năm 1993 quy định.

Năm 2013, bà Anh phát sinh tranh chấp, UBND huyện Gò Công Đông ban hành Quyết định 07/QĐ-UBND ngày 18-11-2013, bác một phần nội dung khiếu nại của bà Đinh Thị Ngọc Anh về việc yêu cầu thu hồi, hủy bỏ 2 giấy chứng nhận QSDĐ (nêu trên) đã cấp cho bà Bùi Thị Sáu. Bà Anh không thống nhất và  tiếp tục khiếu nại về trên.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kết luận: Giữ nguyên Quyết định 07/QĐ-UBND của UBND huyện Gò Công Đông vì quyết định này phù hợp với Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 17/1999/NĐ-CP ngày 29-3-1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất quy định: “Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản; nếu trong hộ có thành viên chết thì thành viên đó không được để thừa kế quyền sử dụng đất mà các thành viên khác trong hộ gia đình đó được quyền tiếp tục sử dụng phần diện tích đất của thành viên đó”. Do vậy, trường hợp khiếu nại của bà Đinh Thị Ngọc Anh là không có cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Bà Đinh Thị Truyền: Kiến nghị xem xét lại Quyết định 1067/QĐ-UBND ngày 22-5-2012 của UBND huyện Gò Công Đông về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Đinh Văn Sang, tọa lạc khu phố Chợ 1, thị trấn Vàm Láng.

Kết quả thẩm tra, xác minh cho thấy: Quá trình sử dụng đất và trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Sang là phù hợp theo pháp luật về đất đai quy định. Bởi vì, nguồn gốc đất là của ông Đinh Văn Bảy (ông nội ông Sang, cha bà Truyền). Ông Sang sống chung với hộ ông Bảy và sử dụng phần đất có tổng diện tích 36.291,3 m2 từ năm 1982. Sau khi ông Bảy chết (năm 1987), ông Sang sử dụng liên tục, đã đăng ký kê khai vào hồ sơ địa chính và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2008. Bà Truyền biết rõ, nhưng không có yêu cầu gì về quyền thừa kế. Nay thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự cũng đã hết.

Từ cơ sở trên, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Giữ nguyên Quyết định 1067/QĐ-UBND ngày 22-5-2012 của UBND huyện Gò Công Đông về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Đinh Thị Truyền. Lý do, đất này ông Sang sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận QSDĐ (Luật Đất đai 2003 quy định).

Hơn nữa, Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: “Việc thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 2, Điều 42, Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ được thực hiện khi có Bản án hoặc Quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành mới được thu hồi”. Do đó, yêu cầu khiếu nại của bà Đinh Thị Truyền là không có cơ sở để giải quyết.

TỔ CTBĐ

.
.
.