Thứ Sáu, 14/08/2015, 11:28 (GMT+7)
.

Tòa đình án, luật sư chỉ trả lại 1/3 số tiền nhận bào chữa

Bà Huỳnh Thanh Diệp ngụ 1/29, đường Thái Sanh Hạnh (lộ Ma cũ), phường 8, TP. Mỹ Tho gởi đơn đến Báo Ấp Bắc phản ánh: Năm 2011, bà ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Luật sư Nguyễn Văn Dương, Trưởng Văn phòng Luật sư (số 12/314B, khu phố 5, thị trấn Cai Lậy, nay là TX. Cai Lậy).

Nội dung dịch vụ: Yêu cầu Luật sư Dương tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà (nguyên đơn) tại tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tân Phước, kiện ông Nguyễn Bá Tâm và những người có liên quan về việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Bà đã chi tiền thù lao cho ông Dương theo hợp đồng là 6 triệu đồng.

Đến ngày 25-12-2013, vụ việc tranh chấp đất của bà được UBND huyện Tân Phước và các ngành chức năng đưa ra giải quyết hành chính. Đôi bên thống nhất điều chỉnh lại diện tích, cấm mốc phân chia ranh đất xong, không phải đưa ra tòa xét xử.

Sau đó bà đặt vấn đề với Luật sư Dương xin nhận lại tiền thù lao, nhưng ông không chấp nhận giao trả lại, viện lý do không phải lỗi của bên B (Văn phòng Luật sư).

Đầu năm 2015, bà làm đơn nhờ Đoàn Luật sư tỉnh xem xét, giải quyết cho bà được nhận lại 2/3 số tiền (4 triệu đồng) để trị bệnh, nhưng mãi đến ngày 30-6 vừa qua Đoàn Luật sư tỉnh mời bà đến nhận 2 triệu đồng của Luật sư Dương đưa. Bà cho rằng, Luật sư Dương không tham gia tố tụng trong vụ kiện mà nhận 4 triệu đồng là quá thiệt thòi cho bà.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Dương: “Vụ tranh chấp và khởi kiện của bà Huỳnh Thanh Diệp đã được tòa án các cấp đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng cả 2 bên chưa thống nhất. Lần sau cùng, Tòa án nhân dân Tối cao hủy án giao về tòa sơ thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật. Bà Diệp sợ thất kiện đã nhờ tôi tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho bà.

Tôi đã ký hợp đồng dịch vụ, nhận hồ sơ của bà để nghiên cứu và đăng ký với TAND huyện Tân Phước tham gia tố tụng vụ kiện của bà Diệp, khi nào tòa thông báo triệu tập xét xử thì tôi đến bào chữa. Tuy nhiên, do không xác định được vị trí ranh giới đất của các hộ liền kề nên nội vụ kéo dài.

Sau đó được các ngành chức năng của huyện Tân Phước đưa ra giải quyết hành chính, 2 bên đã thống nhất việc phân định ranh giới nên bà Diệp rút đơn khởi kiện, tức hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa tôi và bà Diệp chấm dứt.

Về số tiền 2 triệu đồng là tôi hỗ trợ cho bà Diệp đi trị bệnh (theo đơn của bà), chứ không phải trả lại tiền do không thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý. Nếu bà Diệp xét thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì khởi kiện ra tòa về việc tranh chấp hợp đồng dịch vụ”.

Ông Nguyễn Văn Giáp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, nội dung văn bản hợp đồng soạn thảo có lợi cho bên B nhiều hơn. Lẽ ra, tiền chi phí và tiền thù lao phải tách ra 2 phần cụ thể (mỗi phần là bao nhiêu tiền) để khi thực hiện hợp đồng dễ quy trách nhiệm cho mỗi bên.

Ở đây, Luật sư Dương có nhận hợp đồng nhưng chưa thực hiện trọn vẹn do yếu tố khách quan (địa phương đã giải quyết xong), mà chỉ trả lại cho bà Diệp 2 triệu đồng là chưa hợp lý.

TỔ CTBĐ 

.
.
.