Thứ Tư, 28/10/2015, 16:09 (GMT+7)
.

Nạo vét, nâng cấp kinh Nguyễn văn Tiếp: Đôi điều còn đọng lại

Kinh Nguyễn Văn Tiếp đoạn từ Bà Bèo (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) đến huyện Cái Bè có chiều dài trên 45 Km, được ngành Giao thông - Vận tải khởi công nâng cấp, nạo vét từ năm 2012, nay đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, ở đoạn xã Tân Hòa Tây (huyện Tân Phước) có 2 trường hợp:

Cơ sở mua bán phân, thuốc trừ sâu của ông Trần Văn Bơ (ấp Tân Hưng Tây) và Nhà máy xay xát lúa gạo của ông Trần Tuấn Anh (ấp Tân Hưng Phú) sau khi đơn vị thi công thực hiện nạo vét mở rộng, nâng cấp xong, nhưng chỉ giới cột mốc giải tỏa, di dời của 2 hộ này vẫn còn nguyên, gây bất bình đối với người dân nơi đây.

Nhà ông Trần Văn Bơ chưa bị giải tỏa theo chỉ giới, mà còn được công nhân công trình đào đất dưới kinh đắp xung quanh nhà.
Nhà ông Trần Văn Bơ chưa bị giải tỏa theo chỉ giới, mà còn được công nhân công trình đào đất dưới kinh đắp xung quanh nhà.

PHẢN ÁNH CỦA NGƯỜI DÂN LÀ CÓ

Ông Nguyễn Văn Hiền (ấp Tân Hưng Tây) cho biết, đối với 2 hộ ông Bơ và ông Anh, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (đất, nhà cửa, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc trên đất) gia đình đã nhận đủ, nhưng khi tiến hành thi công thì đất và tài sản trên đất của 2 hộ này gần như vẫn còn nguyên. Bà con thắc mắc thì ông Bơ cho rằng: “Vậy mới hay!”.

Còn trường hợp nhà máy chà lúa của ông Trần Tuấn Anh: Đền bù đợt đầu trên 300 triệu đồng, ông ấy không chịu; sau đó Nhà nước tiếp tục đền bù hơn 200 triệu đồng để di dời nhà máy, nhưng tiền đền bù rồi, nhà máy vẫn còn y nguyên.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến gặp gia đình 2 hộ nêu trên để tìm hiểu thêm. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà (phần đất giải tỏa), chị Bảy (vợ ông Bơ) cho biết: “Theo cột mốc thì phần nhà tôi còn bỏ trống, liền kề với một ít đất sát mép kinh là diện tích giải tỏa. Công trình mới thực hiện giai đoạn 1, sang giai đoạn 2 thì gia đình tôi phải di dời để trả mặt bằng cho đơn vị thi công. Còn khi nào thi công giai đoạn 2 thì gia đình không biết”.

Đối với trường hợp Nhà máy chà lúa của ông Trần Tuấn Anh, gia đình này cho biết: “Tiền đất đền bù trước đây (trên 300 triệu đồng) là của mẹ tôi (bà Trần Thị Hồng) đứng tên nên bà ấy lãnh. Phần nhà máy chà lúa là của vợ chồng tôi. Chỉ giới cột mốc giải tỏa, di dời “chặt đứt” hơn 2 m cơ sở xay xát nên gia đình yêu cầu đền bù là đúng. Hiện nay, đơn vị thi công chưa nạo vét thì chúng tôi chưa di dời. Gia đình hỏi thăm thì được Ban Quản lý dự án cho biết phần chừa lại là hành lang kinh giới…”.

NGÀNH CHỦ QUẢN HUYỆN TÂN PHƯỚC NÓI GÌ?

Ông Huỳnh Văn Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tân Phước cho biết: Kinh Nguyễn Văn Tiếp có chiều dài trên 45 Km, từ Bà Bèo (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) đến huyện Cái Bè. Công trình nạo vét kinh do Ban Quản lý đường thủy - Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ năm 2012 (chia làm 2 giai đoạn), đến nay cơ bản hoàn thành. Khu vực thị trấn Mỹ Phước là điểm cuối của dự án cũng sắp hoàn thành để bàn giao.

Toàn huyện Tân Phước có 777 hộ bị ảnh hưởng Dự án nạo vét, mở rộng nâng cấp kinh Nguyễn Văn Tiếp, chỉ có khoảng chục hộ tranh chấp ranh đất, chia tiền đền bù trong nội bộ gia đình…, đã cơ bản giải quyết xong.

Cơ sở xay xát của ông Trần Tuấn Anh chưa bị giải tỏa, còn gần 5 m đất trống mới ra đến mép kinh.
Cơ sở xay xát của ông Trần Tuấn Anh chưa bị giải tỏa, còn gần 5 m đất trống mới ra đến mép kinh.

Về phương án giải tỏa (chỉ giới, cột mốc giải phóng mặt bằng) là do chủ đầu tư quyết định. Địa phương có trách nhiệm họp dân thông báo ranh giới giải tỏa cho bà con biết, sau đó cùng với Ban Quản lý dự án tiến hành khảo sát, đo đạc, xây dựng kế hoạch đền bù theo hạng đất, cây cối, hoa màu và vật kiến trúc của từng vùng, khu vực và từng hộ dân.

Cuối cùng là niêm yết danh sách các hộ bị ảnh hưởng tại xã, khu dân cư và gởi thông báo biên bản đo đạc, đền bù đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để bà con thông suốt; nếu có so bì, thắc mắc thì kịp thời kiểm tra, chỉnh sửa hoặc giải thích để bà con hiểu rõ.

Đối với 2 hộ ông Trần Văn Bơ và Trần Tuấn Anh, việc cắm chỉ giới cột mốc, diện tích mặt bằng bị ảnh hưởng phải giải tỏa, di dời và giá cả đền bù thì đã rõ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, diện tích đất và tài sản gắn liền trên đất bị ảnh hưởng chưa bị giải tỏa (huyện có nắm), nhưng không thuộc về chính quyền địa phương, mà là trách nhiệm của Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công và đơn vị nghiệm thu công trình của Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tân Phước sẽ báo cáo 2 trường hợp trên với Ban Quản lý Dự án để có ý kiến trả lời cho người dân bị ảnh hưởng trên toàn tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp (đoạn mở rộng, nâng cấp qua địa bàn huyện Tân Phước) được rõ.

TỔ CTBĐ

.
.
.