Thứ Hai, 30/11/2015, 09:33 (GMT+7)
.

Bộ Tư pháp: Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

* Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trước Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội Khóa XIII, cử tri xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy có ý kiến: Không đồng tình với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng quy định việc người phạm tội tham nhũng có thể nộp tiền để thay án phạt tù. Kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi cho phù hợp để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với loại tội phạm này.

Bộ Tư pháp có Công văn 3222/BTP-VP trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội Khóa XIII như sau: Một trong những quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự lần này là quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác phòng, chống tội phạm. Do đó, đối với tội phạm về chức vụ, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương: “Xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”. Vì vậy, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã không quy định áp dụng hình phạt tiền đối với tội phạm chức vụ, mà chủ yếu quy định hình phạt tù đối với tội phạm này, đặc biệt đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ vẫn giữ nguyên mức hình phạt cao nhất được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 là hình phạt tử hình. Dự thảo Bộ luật Hình sự cũng không quy định về việc áp dụng hình phạt tiền để thay thế hình phạt tù.

* Cử tri các xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè), Phú Mỹ (huyện Tân Phước), Điềm Hy (huyện Châu Thành) và cử tri ngành Ngân hàng kiến nghị: Quốc hội sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự và pháp luật có liên quan theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt nhằm xử lý nghiêm khắc và mang tính răn đe hơn, nhất là đối với tội phạm vị thành niên.

Mặt khác, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng: Hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống còn 16 tuổi nhằm xử lý hình sự thật nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là đối với các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của các đối tượng vị thành niên.

Bộ Tư pháp có Công văn 3222/BTP-VP trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội Khóa XIII như sau: Mặc dù tình hình tội phạm do người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện đã xảy ra trong thời gian vừa qua đã gây bức xúc trong nhân dân; tuy nhiên hiện tượng này chưa mang tính phổ biến.

Mặt khác, việc thay đổi độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên là một vấn đề lớn, có thể làm thay đổi chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước về người chưa thành niên.

Hơn nữa, giải pháp tăng nặng hình phạt chỉ là giải pháp để thỏa mãn sự bức xúc về tâm lý, việc tăng nặng hình phạt chưa chắc đã làm giảm tình trạng tội phạm của người chưa thành niên, mà cần có giải pháp tổng thể. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới và Công ước về quyền trẻ em.

Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng thuận với chủ trương tăng cường các biện pháp giáo dục, phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm vị thành niên nói riêng. Theo đó, giữ nguyên độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và giữ nguyên các mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành.

Mặt khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định trách nhiệm pháp lý đối với người chưa thành niên phạm tội, cụ thể: Đối tượng từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi nếu thực hiện hành vi cấu thành tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi cấu thành tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc tội nghiêm trọng do cố ý thì đã có những biện pháp khác để xử lý như: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã (phường, thị trấn) hoặc biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

.
.
.