Thứ Hai, 09/11/2015, 10:33 (GMT+7)
.

Một bản án chưa thấu tình, đạt lý

Trong khi di sản thừa kế đang bị tranh chấp nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn cho sang tên, đổi chủ. Sau hơn 5 năm kiện tụng, qua 4 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, người khởi kiện không những bị tòa án tước quyền sở hữu về tài sản trái pháp luật, mà còn có nguy cơ đẩy nhiều người lâm vào tình cảnh vô gia cư khi tuổi tác đã “xế chiều”. Sự thật trớ trêu, đắng cay này đã xảy ra bởi 1 bản án do Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa xét xử.

Ngôi nhà tọa lạc tại số 82, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 9, TP. Mỹ Tho có nguồn gốc của cụ Nguyễn Công Đức và cụ Trương Thị Vàng. Sau khi cụ Đức và cụ Vàng mất, các con của 2 cụ họp bàn thống nhất giao ngôi nhà cho người em út là ông Nguyễn Công Liêm tạm thời quản lý, sử dụng.
 
Năm 2004, do nợ nần, vợ của ông Liêm là bà Thạch Thúy Phương đã bàn bạc với ông Liêm xin các anh chị trong gia đình ông Liêm cho ông Liêm đứng tên có điều kiện đối với ngôi nhà này. Lợi dụng việc thiếu hiểu biết về pháp luật của bên chồng, bà Phương đã câu kết với một số cán bộ của UBND phường 9, TP. Mỹ Tho lập thủ tục sang tên ngôi nhà cho ông Liêm đứng tên một mình mà không có điều kiện ràng buộc nào đối với ông Liêm.
 
Sau khi ông Liêm được đứng tên, bà Phương được ông Liêm ủy quyền bán ngôi nhà cho bà Tạ Thị Kim Chi. Nhận của bà Chi một số tiền bán nhà, bà Phương bỏ ông Liêm đi từ đó đến nay. Việc bà Phương bán nhà, đất cho bà Chi nhưng anh chị ông Liêm không biết, mãi đến khi bà Chi đến yêu cầu anh chị ông Liêm dọn đồ dùng sinh hoạt cá nhân để giao nhà thì mọi người mới biết nhà của mình đã bị sang tên, đổi chủ. 
 
Việc bà Phương sang tên, đổi chủ căn nhà diễn ra như vừa nêu thì không có gì phải bàn cãi, rắc rối và trái pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là: Vào ngày 12-12-2006, trong khi các đồng thừa kế khác của ông Liêm đã đến UBND phường 9 để ký vào tờ từ chối thừa kế để lập thủ tục cho ông Liêm đứng tên có điều kiện đối với ngôi nhà của cụ Đức và cụ Vàng như đã thỏa thuận thì bà Nguyễn Thụy Vinh (là chị ruột ông Liêm) đã không những không đồng ý ký vào văn bản từ chối thừa kế, mà còn gửi đơn khiếu nại gửi UBND phường 9 để ngăn cản việc ông Liêm đứng tên quyền sở hữu đối với ngôi nhà mà bà có một phần quyền sở hữu trong đó. 
 
Mặt khác, qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, tại thời điểm UBND phường 9 tiến hành lập thủ tục cấp giấy tờ nhà cho ông Liêm đối với ngôi nhà này thì trong số anh, chị của ông Liêm có ông Nguyễn Công Môn (chết năm 2002), có người con duy nhất là anh Nguyễn Công Bình.
 
Theo quy định của pháp luật về thừa kế thì anh Bình là người thừa hưởng di sản của cha mình để lại, lẽ ra khi định đoạt di sản này anh Bình phải tham gia và thể hiện ý chí, nhưng UBND phường 9 lại không yêu cầu anh Bình thể hiện ý chí là chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của anh Bình. 
 
Với những tình tiết như vừa nêu cho thấy, trong khi nhà, đất đang bị tranh chấp, đồng sở hữu di sản thừa kế không tham gia đầy đủ… nhưng UBND TP. Mỹ Tho vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất nêu trên cho ông Liêm đứng tên mà không có điều kiện ràng buộc nào đi kèm là hoàn toàn trái ý nguyện của các đồng thừa kế khác và trái pháp luật.
 
Điều đáng nói ở đây là, sau khi vụ việc được đưa đến Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Tiền Giang giải quyết theo thẩm quyền, thì lẽ ra TAND tỉnh Tiền Giang phải nhận ra những bất cập, trái pháp luật nêu trên của UBND TP. Mỹ Tho để hủy quyết định cấp quyền sở hữu nhà, đất cho ông Liêm đối với ngôi nhà số 82, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 9, TP. Mỹ Tho.
 
Thế nhưng, không hiểu do trình độ chuyên môn có hạn, hay vì lý do nào khác mà tại Bản án dân sự phúc thẩm số 227/2015/DS-PT, ngày 10-6-2015 của TAND tỉnh Tiền Giang, Thẩm phán Nguyễn Văn Minh đã cố tình né tránh sự thật, đánh giá, nhận định vụ án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án để công nhận 1 hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất trái pháp luật.
 
Việc làm vừa nêu của Thẩm phán Nguyễn Văn Minh không những đã xem thường, tước đoạt quyền sở hữu tài sản của công dân, mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
 
Điều đau lòng nhất trong vụ án này là, nếu bản án nêu trên được thi hành, đồng nghĩa với việc hơn chục con người đang sống trong ngôi nhà này phải khăn gói ra đi. Họ biết đi đâu, về đâu khi tuổi đời của họ đều thuộc hàng “xưa nay hiếm” và cuộc sống chính của họ chỉ phụ thuộc vào việc buôn bán nhỏ tại ngôi nhà này.
 
CẢNH HƯNG
.
.
.