Thứ Sáu, 13/11/2015, 11:03 (GMT+7)
.

Ủy ban QP-AN của QH trả lời về việc tuyển chọn&gọi công dân nhập ngũ

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trước và sau các Kỳ họp thứ 8 và thứ 9 - Quốc hội Khóa XIII, cử tri các xã: Hòa Hưng (huyện Cái Bè); Phú Cường và Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy); Mỹ Đức Tây và phường 5 (TX. Cai Lậy); Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) và xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) kiến nghị: Bộ Quốc phòng xem xét, sửa đổi Thông tư 167/2010/TT-BQP ngày 19-11-2010 về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm theo hướng sửa đổi điểm d, khoản 2, Điều 4 của Thông tư này cho phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận thanh niên lợi dụng quy định để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự ngay từ giai đoạn sơ tuyển. Bởi theo quy định trên, thời gian qua, các đơn vị nhận quân không nhận các thanh niên có “xăm hình” trên cơ thể, mặc dù những thanh niên này cơ bản hội đủ những điều kiện về sức khỏe, tác phong, đạo đức, trình độ học vấn… để tuyển chọn và gọi nhập ngũ.

Ngày 31-8-2015, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) của Quốc hội Khóa XIII có Công văn 2133/UBQPAN13 trả lời kiến nghị của cử tri, nội dung cụ thể như sau:

Ủy ban QP-AN là cơ quan được phân công chủ trì thẩm tra dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014). Trong quá trình thẩm tra giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban QP-AN đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo (Bộ Quốc phòng) và các cơ quan hữu quan tổ chức 3 cuộc hội thảo tại 3 miền và tọa đàm với học sinh, sinh viên một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp; nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri về các nội dung còn có ý kiến khác nhau đã được cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu và có tính khả thi cao.

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã xem xét và biểu quyết thông qua dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành. Theo đó, luật quy định: Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình là 24 tháng; độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; đối với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Để góp phần bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân và công bằng xã hội, ngoài việc kế thừa 2 hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự hiện hành (gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân), tại khoản 3 và khoản 4, Điều 4 của Luật Nghĩa vụ quân sự đã bổ sung quy định các trường hợp được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ hoặc được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.

Để khắc phục những vướng mắc trong việc tổ chức riêng hội đồng nghĩa vụ quân sự và hội đồng tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân như ý kiến cử tri phản ánh, theo quy định tại khoản 2, Điều 8 của Luật Công an nhân dân năm 2014, Luật Nghĩa vụ quân sự đã bổ sung quy định thống nhất một hội đồng nghĩa vụ quân sự để thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn về kinh tế cho công dân, luật đã bổ sung chính sách quy định “Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật” (tại điểm k, khoản 1, Điều 50).

Về ý kiến đề nghị nâng mức hình phạt hoặc không áp dụng hình phạt tiền đối với hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự mà thay bằng lao động công ích bằng với thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự để thể hiện tính răn đe, cũng như bảo đảm sự thiêng liêng của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, Thường trực Ủy ban QP-AN trả lời như sau:

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) không quy định cụ thể về hình phạt nhưng đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc đăng ký, quản lý nghĩa vụ quân sự và tuyển chọn công dân nhập ngũ, cũng như quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10) để khắc phục hiện tượng trốn tránh và vi phạm trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc xử lý các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự.

Trên thực tế, việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ quân sự được thực hiện theo Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày
9-10-2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu) và Thông tư 95/2014/TT-BQP ngày 7-7-2014 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Nghị định 120 đã bổ sung nhiều hành vi vi phạm; đồng thời nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn nhiều lần so với quy định tại Nghị định 151/2003/NĐ-CP ngày 9-12-2003 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng). Việc sửa đổi, bổ sung mức hình phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được Chính phủ nghiên cứu và quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với những hành vi vi phạm phải xử lý bằng hình sự đã được quy định cụ thể từ Điều 259 đến Điều 262 của Bộ luật Hình sự hiện hành. Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, đang được Chính phủ tổ chức xin ý kiến của nhân dân. Thường trực Ủy ban QP-AN đã tổ chức tọa đàm phục vụ công tác tham gia thẩm tra, phục vụ Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).

Về quy định nghĩa vụ lao động công ích, trước đây được thực hiện theo Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích ngày 3-9-1999 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết quốc tế về chống áp dụng lao động cưỡng bức, ngày 5-4-2006 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI đã ban hành Nghị quyết 1014/2006/NQ-UBTVQH11 về việc chấm dứt hiệu lực của Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích từ ngày 1-1-2007.

Về ý kiến cho rằng tiêu chuẩn xét tuyển nghĩa vụ quân sự quá cao nên đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng quy định tiêu chuẩn xét tuyển phù hợp với điều kiện của vùng cao để con em các dân tộc có cơ hội được tham gia nghĩa vụ quân sự; đồng thời góp phần tạo nguồn cán bộ cho cơ sở, Thường trực Ủy ban QP-AN trả lời như sau:

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ (Điều 31). Các tiêu chuẩn cụ thể được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội nói chung, cũng như đối với mỗi loại hình đơn vị trong từng thời kỳ.

Thực tiễn cho thấy, các quy định về tiêu chuẩn, nhất là về tiêu chuẩn học vấn đã chú ý đến điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn các xã biên giới để công dân vừa học tập nâng cao trình độ học vấn trong thời gian phục vụ tại ngũ, vừa góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở cho địa phương sau khi xuất ngũ.

.
.
.