Thứ Tư, 17/02/2016, 11:05 (GMT+7)
.

Chánh Thanh tra Sở Công thương có thực hiện hành vi cố ý làm trái?

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có thông tin về việc ông Nguyễn Thanh Vân, Chánh Thanh tra Sở Công thương có hành vi cố ý làm trái trong thực thi công vụ, bị cơ quan chức năng đề nghị xem xét khởi tố hình sự. Vậy đâu là sự thật?

Năm 2015, thực hiện nhiệm vụ được giao, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh phối hợp với một số ngành chức năng của tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực phân bón nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên một số nhãn hiệu phân bón vô cơ tại các điểm kinh doanh phân bón vật tư nông nghiệp để gửi đến Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 tại TP. Hồ Chí Minh (TT3) kiểm nghiệm.

Theo kết quả kiểm nghiệm của TT3, các mẫu phân hóa học của QLTT tỉnh gửi đi kiểm nghiệm đều có một số thành phần hóa chất không phù hợp với hàm lượng mà nhà sản xuất công bố trên nhãn hiệu sản phẩm. Do đó, QLTT tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Thanh tra Sở Công thương để xử lý theo thẩm quyền.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ông Nguyễn Thanh Vân, Chánh Thanh tra Sở Công thương đã phân công ông Nguyễn Hoàng Thống, Phó Chánh Thanh tra sở trực tiếp thụ lý, giải quyết vụ việc. Để có cơ sở giải quyết, ông Thống đã mời 9 công ty sản xuất có liên quan đến làm việc để làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc sản phẩm của họ không đúng chất lượng như đã công bố.

Qua làm việc, các nhà sản xuất đều thừa nhận các mặt hàng được kiểm nghiệm đều do họ sản xuất, nhưng họ không thừa nhận hành vi vi phạm như kết luận của QLTT tỉnh cũng như của TT3. Theo các nhà sản xuất, việc sản phẩm của họ được TT3 xác định không đúng chất lượng như đã công bố là do một phần sản phẩm của họ đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm và cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy trình bảo quản sản phẩm theo quy định của nhà sản xuất...

Ngay sau đó, để vụ việc được giải quyết đúng pháp luật, tránh khiếu nại về sau, Thanh tra Sở Công thương đã tiến hành xác minh, làm việc với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được QLTT tỉnh lấy mẫu đi kiểm nghiệm.

Kết quả, các cơ sở kinh doanh này đều thừa nhận trong quá trình kinh doanh phân bón họ đã không tuân theo quy định về bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất, bán hàng thử nghiệm nhưng không thông báo cho nhà sản xuất... là nguyên nhân chính dẫn đến sản phẩm bị giảm chất lượng so với tiêu chuẩn đã công bố, chứ lỗi để sản phẩm không đúng chất lượng không thuộc về những nhà sản xuất.

Vì vậy, Thanh tra Sở Công thương đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa để ra quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Công thương cũng đã ra thông báo gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương nơi có nhà sản xuất có hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh của Thanh tra Sở Công thương đã được những người bị xử phạt chấp hành xong, không có ai khiếu nại hay thắc mắc.

Riêng đối với việc xử lý các cơ sở sản xuất được cho là có sản phẩm kém chất lượng, mặc dù phía nhà sản xuất đang khiếu nại về quy trình lấy mẫu để kiểm nghiệm không đúng quy định pháp luật của QLTT tỉnh Tiền Giang chưa được xem xét giải quyết nhưng Sở Công thương vẫn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng chất lượng đã công bố đối với Công ty TNHH Nhật Nông và Công ty phân bón Bình Điền Mekong, với mức phạt là 160.000.000 đồng cho mỗi đơn vị.

Ngay sau khi nhận quyết định xử phạt, 2 công ty này đã làm đơn khiếu nại và UBND tỉnh đã chuyển đơn của họ trở về Sở Công thương tham mưu giải quyết. Với tư cách là Chánh Thanh tra sở, ông Nguyễn Thanh Vân đã kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ sự việc và đã báo cáo Giám đốc Sở Công thương về việc khiếu nại của các nhà sản xuất đối với hành vi lấy mẫu phân bón đi kiểm nghiệm không đúng quy định của QLTT tỉnh, nhưng chưa được xem xét giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, mà Sở Công thương vẫn tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính là không đảm bảo về mặt pháp luật.

Hơn nữa, pháp luật hiện hành quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của nhà sản xuất không đóng trên địa bàn nơi cơ quan có thẩm quyền xử phạt quy định chưa cụ thể, rõ ràng, nên rất khó khăn trong việc ban hành quyết định xử phạt đối với các công ty này.

Từ thực tế này, ngày 11-9-2015, Sở Công thương đã ban hành Công văn 1636/SCT-TTr, đề xuất UBND tỉnh thu hồi các quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Nhật Nông và Công ty Bình Điền Mekong. Trong khi chờ đợi UBND tỉnh trả lời chấp thuận hay không chấp thuận đề xuất thu hồi quyết định xử phạt hành chính, Thanh tra Sở Công thương vẫn tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính đối với các nhà sản xuất còn lại để xử lý theo quy định của pháp luật, thì Thanh tra Nhà nước tỉnh Tiền Giang lại tiến hành thanh tra việc này và ra kết luận ông Nguyễn Thanh Vân có dấu hiệu cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong thi hành công vụ.

Trong bài viết này, chúng tôi không có ý khẳng định về việc ông Nguyễn Thanh Vân có hành vi cố ý làm trái trong thực thi công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng hay không, mà chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong lĩnh vực này để đối chiếu với những thao tác nghiệp vụ mà ông Nguyễn Thanh Vân đã thực hiện để dư luận có cái nhìn khách quan, toàn diện xung quanh vấn đề này.

Trước hết, cần phải khẳng định việc Thanh tra Sở Công thương ra các quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, đối với việc Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ra các quyết định xử phạt hành chính đối với nhà sản xuất là chưa đảm bảo về mặt pháp lý, bởi lẽ:

Tại khoản 1, Điều 10, Quyết định 36/2010/QĐ-TTg, ngày 15-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: "Khi phát hiện hàng hóa lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền...

Trong trường hợp hàng hóa đó được sản xuất tại địa phương khác... thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra tương ứng tại địa phương nơi sản xuất hàng hóa đó biết" và tại Điều 9, Thông tư 26/2012/TT-BKHCN, ngày 12-12-2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng quy định: "Khi phát hiện hàng hóa kém chất lượng phải xử phạt nhà kinh doanh. Đối với nhà sản xuất nếu ở khác tỉnh thì có văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nơi nhà sản xuất đó biết xử lý".

Mặt khác, theo Báo cáo số 1953/QLTT, ngày 10-12-2015 của Cục Quản lý thị trường cũng đã nêu khó khăn, vướng mắc trong việc xử phạt nhà sản xuất hàng kém chất lượng ngoài tỉnh như sau: "Trong hoạt động kiểm tra, xử lý phân bón khó khăn vướng lớn nhất hiện nay chính là công tác xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng có sự bất cập...

Khi lực lượng kiểm tra phát hiện phân bón kém chất lượng của các đơn vị ngoài tỉnh sản xuất thì chỉ có thể xử phạt hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng, còn hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng thì không thể xử lý mà chỉ dừng lại ở việc thông báo cho địa phương có đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng đó biết".

Để làm rõ thực trạng vừa nêu trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã tìm hiểu một số hoạt động của các cơ quan Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực này như: Thanh tra Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Long An, Trà Vinh và Thanh tra Sở Công thương tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, thì được biết các đơn vị này khi kiểm tra, phát hiện phân bón kém chất lượng do các đơn vị ngoài tỉnh sản xuất thì cũng chỉ dừng lại ở việc xử phạt nhà kinh doanh, không xử phạt nhà sản xuất ngoài tỉnh.

Với các quy định của pháp luật, kết hợp với thực tiễn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, đối chiếu với những thao tác nghiệp vụ mà ông Nguyễn Thanh Vân đã thực hiện trong khi thi hành công vụ thì cần phải xác định ông Nguyễn Thanh Vân không thực hiện hành vi cố ý làm trái trong thực thi công vụ.

CẢNH HƯNG

.
.
.