Thứ Tư, 17/02/2016, 11:09 (GMT+7)
.

Nỗi oan của bà Phước đã được hóa giải

Báo Ấp Bắc số 2860, ra ngày 30-7-2012 có đăng bài Một vụ cưỡng chế gây bức xúc, phản ánh trường hợp bà Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1962, ngụ ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy bị cưỡng chế buộc phải di dời nhà một cách oan trái. Nội vụ tóm lược như sau:

Mẹ con bà Phước trước căn nhà bị cưỡng chế tháo dỡ, di dời vào tháng 7-2012.
Mẹ con bà Phước trước căn nhà bị cưỡng chế tháo dỡ, di dời vào tháng 7-2012.

Năm 1996, vợ chồng ông Mai Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Lê già yếu, không con cái nên có nhờ bà Nguyễn Thị Phước là cháu ruột bà Lê về ở chăm sóc cho ông bà, với lời hứa sau khi ông bà chết, phần đất có diện tích 2.328 m2 gồm 2 thửa: Thửa 100 diện tích 1.928 m2 và thửa 101 có diện tích 400 m2, tọa lạc ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy sẽ giao cho bà Phước quản lý, canh tác thu hoa lợi để lo cúng giỗ, hương khói cho ông bà.

Bà Phước ở xã Long Trung, do đã ly hôn với chồng nên quyết định bán đất, nhà cửa, đưa 2 đứa con về sống chung với vợ chồng ông Mạnh để tiện bề chăm sóc cô dượng. Số tiền bán nhà và đất, bà Phước dùng vào việc cải tạo lại 2.328 m2 đất vườn của ông Mạnh.

Suốt hơn 10 năm làm lụng, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi vợ chồng ông Mạnh qua đời (bà Lê chết năm 1996, ông Mạnh chết năm 2007), bà Phước một mình lo đám tang, xây mộ phần, lập bàn thờ và lo nhang khói, cúng giỗ cho vợ chồng ông Mạnh.

Vậy mà, khi ông Mạnh vừa chết thì những người cháu gọi ông Mạnh bằng chú ruột, cậu ruột là hàng thừa kế thứ 3 (ông Mạnh có 4 anh chị em, đều đã chết) lại làm đơn tranh chấp, khởi kiện đòi chia thừa kế. Điều đáng nói là những người cháu này chưa hề chăm sóc vợ chồng ông Mạnh.

Tranh chấp kéo dài vì khi làm giấy qua bộ đất cho cháu (di chúc), ông Mạnh nhờ người viết hộ và không chứng thực nên không có giá trị pháp lý. Đến năm 2003, ông Mạnh ký tên lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà Phước, nhưng do giấy chứng nhận QSDĐ của ông Mạnh đang thế chấp ở ngân hàng để vay vốn nên không đủ thủ tục sang tên.

Bà Phước thừa nhận: “Do hoàn cảnh nghèo (có sổ), thất học và thiếu hiểu biết về pháp luật nên sau khi chuộc sổ đỏ về, tôi không làm thủ tục sang tên, vì vậy mới xảy ra tranh chấp”.

Trải qua 4 phiên tòa, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT, ngày 29-3-2011, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã buộc mẹ con bà Phước phải tháo dỡ, di dời nhà để giao trả phần đất diện tích 2.328 m2 (đo đạc thực tế 2.077 m2 thuộc thửa mới số 46) cho những người cháu của ông Mạnh và buộc những người cháu của ông Mạnh có nghĩa vụ thanh toán lại cho bà Phước tiền chi phí di dời nhà, tiền chi phí mai táng, tiền cây trồng, tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo quản, gìn giữ di sản cộng chung là 138.240.000 đồng.

Không đồng tình với bản án phúc thẩm, vì không còn nơi nào để ở, bà Phước đã làm đơn kêu oan, khiếu nại yêu cầu TAND Tối cao xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.

Ngày 19-7-2012, mặc dù mẹ con bà Phước không còn nơi nào ở khác và TAND Tối cao đã có thông báo đơn của bà Phước đang được tòa xem xét giải quyết, nhưng cơ quan Thi hành án huyện Cai Lậy vẫn tiến hành cưỡng chế.

Thấu hiểu nỗi oan của mẹ con bà Phước, ngày 22-2-2014, Chánh án TAND Tối cao đã Kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT, ngày 29-3-2011 của TAND tỉnh Tiền Giang, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân dự nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 243/DSST, ngày 24-12-2010 của TAND huyện Cai Lậy.

Ngày 18-4-2014, TAND Tối cao đã đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm và quyết định: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT, ngày 29-3-2011 của TAND tỉnh Tiền Giang và Bản án dân sự sơ thẩm số 243/DSST, ngày 24-12-2010 của TAND huyện Cai Lậy. Giao hồ sơ vụ án về cho TAND huyện Cai Lậy xét xử sơ thẩm lại từ đầu theo đúng quy định của pháp luật.

Gần 2 năm sau - ngày 26-11-2015, TAND huyện Cai Lậy mới đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 3, do bà Phước không còn đất ở nên cả hai bên đều thống nhất chia di sản là đất. Mặc dù bà Phước là cháu ruột bà Lê, nhưng bà Lê chết năm 1996 nên hàng thừa kế thứ nhất của bà Lê là ông Mạnh. Vì vậy, khi ông Mạnh chết, bà Phước không được hưởng thừa kế phần di sản của ông Mạnh để lại.

Trước tòa, phía nguyên đơn đồng ý chia cho bà Phước một kỷ phần bằng nhau theo hàng thừa kế và chấp nhận bồi hoàn tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng ông Mạnh và bà Lê lúc tuổi già, tiền lo đám tang, xây mộ và công sức gìn giữ phần đất di sản, tổng cộng là 138.240.000 đồng. Cả hai bên đều thống nhất giá đất theo Quyết định số 41/2014/QĐ-UBND, ngày 19-12-2014 của UBND tỉnh Tiền Giang là 80.000 đồng/m2.

Xét thấy sự thỏa thuận của cả hai bên đều phù hợp với quy định của pháp luật nên tòa chấp nhận và tại Bản án dân sự sơ thẩm số 146/DSST, ngày 26-11-2015, HĐXX đã quyết định: Chia cho bà Nguyễn Thị Phước 1.728 m2 đất (138.240.000 đồng: 80.000 đồng/m2 = 1.728 m2) trong tổng diện tích 2.077 m2 thuộc thửa số 46. Buộc mẹ con bà Phước giao lại cho bà Xinh, bà Đẹt, ông Tốt và ông Viễn (là 4 người cháu của ông Mạnh) diện tích 349 m2 còn lại.

Ông Chế Văn Sáu, Trưởng ấp Hòa Thinh phấn khởi cho biết: “Từng chứng kiến mẹ con bà Phước bị cưỡng chế di dời nhà ở trong cơn mưa tầm tã, bà con trong ấp vô cùng bức xúc. Nay công lý đã được làm sáng tỏ, chúng tôi thực sự vui mừng cho nỗi oan của bà Phước đã được hóa giải!”.

Mặc dù trước tòa hai bên đã cam kết đồng ý chia di sản bằng đất và thỏa thuận giá đất theo quyết định của UBND tỉnh là 80.000 đồng/m2, nhưng do trước đây được chia toàn bộ diện tích 2.077 m2 đất, nay chỉ được chia 349 m2, nên phía nguyên đơn đã làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Trong khi đó, trong số 349 m2 đất còn lại, phía nguyên đơn đã đồng ý chia cho mẹ con bà Phước một kỷ phần, nhưng tòa đã “quên chia”. Hy vọng trong phiên tòa phúc thẩm, quyền lợi chính đáng của mẹ con bà Phước sẽ được HĐXX bảo vệ.

Báo Ấp Bắc sẽ tiếp tục thông tin khi có kết quả của phiên tòa này.

ANH ĐẬU

.
.
.