Giải quyết khiếu nại, phản ánh ở Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho
Vừa qua, một số công nhân của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho (gọi tắt là công ty) bị tai nạn lao động (TNLĐ) trong lúc làm việc, nhưng lãnh đạo công ty chỉ giải quyết chế độ nghỉ ốm và có người do tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã tự nghỉ việc cũng chưa được lãnh đạo công ty xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
Nhà ông Lâm Thiện Tất trên đất của công ty từ năm 1999. |
BỨC XÚC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Anh Nguyễn Văn Minh (ngụ 605C, đường Ấp Bắc, phường 5, TP. Mỹ Tho) là công nhân Đội Cầu đường - Thoát nước của công ty cho biết, tháng 10-2013 anh được phân công leo lên nóc nhà của Văn phòng Đội (tọa lạc xã Tân Mỹ Chánh) để tháo bạt. Trong lúc làm việc, chẳng may anh bị rơi từ nóc nhà xuống gãy đầu dưới xương quay (P) và xây xát má phải.
Sau khi điều trị lành bệnh, anh Minh đem toàn bộ hồ sơ bệnh án, hóa đơn tiền thuốc nộp cho lãnh đạo công ty để xin được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn, nhưng anh chỉ được giải quyết chế độ bảo hiểm y tế và không được xét thi đua cuối năm.
Anh Phạm Long Hải, công nhân Đội Công viên cây xanh bức xúc: Cuối năm 2013, trong lúc đang làm nhiệm vụ mé cành cây ở đường Nguyễn Tri Phương (phường 7, TP. Mỹ Tho) thì bất ngờ thùng xe cẩu lật úp, anh té từ độ cao 6 m xuống đường, bị gãy kín đầu dưới xương quay cả 2 tay.
Sau khi lành bệnh, anh đi làm việc trở lại nhưng chỉ được trả lương 4.000.000 đồng với lời giải thích “nghỉ bệnh hưởng 75% lương”, còn chế độ bảo hiểm tai nạn thì chưa được xem xét giải quyết và cuối năm cũng không được xét thi đua.
Ngoài ra, ở công ty còn 7 trường hợp khác (5 người của Đội Vệ sinh môi trường) bị tai nạn trong quá trình lao động: Anh Đỗ Văn Long trong lúc đào gốc cây bị đứt lìa ngón chân; anh Nguyễn Văn Tươi bị điện giật do chạm vào máy trộn bê tông… cũng chưa được lãnh đạo công ty xem xét, giải quyết chế độ tai nạn lao động theo quy định.
Ông Lâm Thiện Tất, Đội phó Đội Xây dựng Cầu đường - Thoát nước được công ty cất nhà cho ở trên đất vườn ươm (phường 9, TP. Mỹ Tho) do công ty quản lý và sử dụng điện từ năm 1999 nhưng chưa trả tiền điện, hàng tháng công ty phải thanh toán tiền điện của gia đình ông Tất (4 khẩu) cho ngành Điện lực, bị tập thể công nhân đề nghị lãnh đạo công ty sớm có biện pháp thu hồi tiền điện của gia đình ông Tất đã sử dụng gần 20 năm qua cho công ty…
CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG ĐÃ GIẢI QUYẾT
Ông Nguyễn Thanh Tăng, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP. Mỹ Tho cho biết, đối với 2 công nhân bị tai nạn lao động là anh Phạm Long Hải và anh Nguyễn Văn Minh, không thể đổ lỗi do Đội trưởng không báo cáo khi xảy ra tai nạn lao động nên lãnh đạo công ty không nắm để cùng với Thanh tra lao động cơ quan xem xét, giải quyết chế độ tai nạn lao động là vi phạm Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10-5-2013 của Chính phủ, được quy định tại Điều 12 về “Tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng”.
Các ngành chức năng của TP. Mỹ Tho thống nhất đề nghị công ty có trách nhiệm chi trả cho ông Phạm Long Hải 1 tháng 14 ngày lương với số tiền 10.273.000 đồng (theo khoản 1 và 2, Điều 144, Luật Lao động) và bồi thường 1,5 tháng lương theo hợp đồng lao động bị suy giảm khả năng lao động theo thỏa thuận với số tiền 10.050.000 đồng (theo khoản a, mục 3, Điều 145, Luật Lao động hiện hành).
Đối với ông Nguyễn Văn Minh, công ty phải trả 2 tháng lương với số tiền 12.480.000 đồng (ông Minh đã nhận 75% lương là 9.375.000 đồng), còn lại 3.105.000 đồng công ty phải chi trả tiếp và bồi thường 1,5 tháng lương theo hợp đồng bị suy giảm khả năng lao động với số tiền 9.360.000 đồng theo Luật Lao động.
Đối với 7 trường hợp đứng đơn tập thể nhưng không ký tên, ông Nguyễn Minh Trị, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Tại cuộc họp ngày 7-9-2015, tất cả những người này đều khẳng định không có viết đơn phản ánh hay thắc mắc, khiếu nại gì cả, do đó lãnh đạo công ty không có cơ sở để xem xét, giải quyết, mà chỉ lập biên bản để làm cơ sở về sau.
Riêng trường hợp của ông Lâm Thiện Tất sử dụng điện nhiều năm chưa trả tiền, được ông Nguyễn Công Khanh, Phó Giám đốc công ty xác nhận là có. Trước năm 2008, do hộ ông Tất sử dụng chung điện kế của đơn vị nên có khó khăn trong việc chiết tính tiền điện. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã tách điện kế riêng nhưng hàng tháng gia đình ông vẫn không thanh toán tiền điện với ngành Điện lực.
Qua phản ánh của tập thể công nhân, lãnh đạo công ty đã nhiều lần mời ông Tất đến làm việc, yêu cầu ông thanh toán tiền điện, nhưng ông chưa tự giác thực hiện mà còn thách thức tại Hội nghị cán bộ, viên chức công ty năm 2015.
“Sắp tới, nếu ông Tất không tự nguyện chi trả tiền điện, lãnh đạo công ty sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp, kể cả căn nhà mà gia đình ông Tất đang sử dụng trên đất của công ty” - ông Khanh khẳng định.
TỔ CTBĐ