Thứ Tư, 09/03/2016, 12:59 (GMT+7)
.

Phương án giải quyết khiếu kiện đông người các dự án do TW đầu tư

3. Đối  với  Dự án xây dựng đường điện 500 KV:

Năm 2006, UBND tỉnh ban hành Công văn 7548/UBND-CN bổ sung các chính sách bồi thường, hỗ trợ bao gồm:

- Đất ở dưới hành lang lưới điện được tính tối đa theo hạn mức 300 m2 ở nông thôn và 250 m2 ở thị trấn được bồi thường 100% theo đơn giá của tỉnh, nhưng không thu hồi đất (trước đây chỉ bù phần chênh lệch mục đích sử dụng đất giữa đất ở và đất nông nghiệp).

Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương do Trung ương đầu tư xây dựng.
Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương do Trung ương đầu tư xây dựng.

- Tăng thêm mức hỗ trợ cho các hộ tự tìm chỗ ở từ 10 - 30 triệu đồng/hộ tùy theo vị trí đất bị ảnh hưởng.

- Hỗ trợ thêm 75.000 đồng/m2 đối với đất ở cặp đường xi măng.

Về yêu cầu tái định cư bằng đất và hỗ trợ tái định cư cho hộ độc lập sống cùng trong 1 hộ: Do dự án không có tái định cư bằng đất nên UBND tỉnh chỉ hỗ trợ bằng tiền để các hộ tự lo chỗ ở mới. Riêng yêu cầu tái định cư cho các hộ độc lập sống trong cùng 1 hộ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3638/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí bồi thường giải tỏa xây dựng đường điện 500 KV Nhà Bè - Ô Môn đoạn qua huyện Cai Lậy (đợt 6).

Theo đó, hỗ trợ di dời cho những hộ có cùng hộ khẩu nhưng thực tế có gia đình ở riêng, sống không phụ thuộc vào chủ hộ. Quyết định trên chỉ áp dụng cho địa bàn huyện Cai Lậy mà chưa áp dụng cho toàn tuyến.

Đối với yêu cầu giải tỏa hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện đến 60 m, tỉnh không thể giải quyết do không đúng với quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Đối tượng và phạm vi giải quyết

Hỗ trợ bổ sung cho các hộ bị Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở khác để thực hiện Dự án mở rộng QL1A với mức 500.000 đồng/m2 đất ở bị thu hồi.

Hỗ trợ bổ sung cho các hộ bị Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở để thực hiện các Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường điện 500 KV Nhà Bè - Ô Môn, Khu công nghiệp Tân Hương theo định mức:

+ Đất cặp Quốc lộ: 50 triệu đồng/hộ.

+ Đất cặp tỉnh lộ: 40 triệu đồng/hộ.

+ Đất cặp huyện lộ: 30 triệu đồng/hộ.

+ Đất cặp xã lộ và vị trí khác: 20 triệu đồng/hộ.

Các mức hỗ trợ trên đây chỉ tính theo vị trí đất ở của các hộ bị giải tỏa trắng, không tính theo số m2 đất ở khu vực nông thôn theo Quyết định 39/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh quy định về hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh là 300 m2.

Hỗ trợ 20% giá đất ở đối với đất nông nghiệp bị giải tỏa mở rộng QL1A và đất ven tỉnh lộ bị giải tỏa thuộc Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương theo Nghị định 197/NĐ-CP của Chính phủ (vì mức chênh lệch giá giữa đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp quá xa). Trên thực tế, đất ven quốc lộ, tỉnh lộ không còn là đất nông nghiệp thuần túy nữa mà nhân dân đã tự ý chuyển mục đích sử dụng, đất có giá trị sinh lợi cao.

Phần diện tích sử dụng làm sân phơi, mái che… nằm cùng một thửa với đất ở, trước đây địa phương xác định là đất nông nghiệp, nay xác định lại là đất ở, nhưng phải xác định thời điểm hình thành, quá trình sử dụng và hạn mức đất ở theo quy định của Quyết định 39/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh quy định về hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Đất nông nghiệp khu 7, thị trấn Cai Lậy (cũ) bị giải tỏa mở rộng QL1A được hỗ trợ 30% giá đất ở, vì là đất thị trấn nên được hỗ trợ cao hơn đất cùng loại ở khu vực khác trên tuyến QL1A.

Hỗ trợ 30% giá đất liền kề đối với phần đất sử dụng vào việc làm cơ sở kinh doanh (hình thành trên đất nông nghiệp) nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Hộ có giấy phép kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước nếu đã hỗ trợ 20% giá đất ở liền kề, nay được bổ sung 10% giá đất ở.

Nếu các trường hợp như trên chưa thực hiện chính sách hỗ trợ thì lập hồ sơ để được hỗ trợ đủ 30% giá đất ở liền kề, vì khi thực hiện mở rộng QL1A đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhân dân nên mức hỗ trợ phải cao hơn mức hỗ trợ đất nông nghiệp bị giải tỏa cùng tuyến.

Điều chỉnh hạn mức 300 m2 đất ở trên đất nông nghiệp cho mỗi hộ bị giải tỏa thuộc Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và Khu công nghiệp Tân Hương theo Quyết định 39/QĐ-UB của UBND tỉnh, vì trước nay đất ở nông thôn hộ gia đình ít quan tâm trong việc chia cho con cái và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng.

Hơn nữa, việc quản lý đất ở nông thôn của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, việc điều chỉnh hạn mức đất ở phải xác định thời điểm hình thành, được UBND cấp xã và nhân dân xác nhận quá trình sử dụng để tính nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

TỔ CTBĐ

(còn tiếp)

.
.
.