Thứ Bảy, 07/05/2016, 08:58 (GMT+7)
.

Cùng nội dung tranh chấp,2 cách giải quyết khác nhau: Đâu là tính pháp lý?

TAND huyện Chợ Gạo đưa ra xét xử vụ tranh chấp tờ giấy tay photo: “Giấy chuyển nhượng làm đường đi” (không thị thực, công chứng) thành vụ “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và cuối cùng Tòa  quyết định: Buộc chủ đất phải cắt giao đất cho người mua để mở lối đi.

Còn ở TP. Mỹ Tho thì ngược lại, vợ chồng chủ đất tự tay viết: “Tờ cho đứt đất vườn” cho người cháu từ năm 1996, đã cất nhà ở ổn định đến nay. Gần đây, con trai chủ đất tranh chấp đòi lại, chính quyền buộc người cháu phải trả lại đất. Vậy ai đúng, ai sai và đâu là tính pháp lý?

Tòa án thụ lý “nghiêng”.

Năm 2006, hai cậu cháu ông Nguyễn Văn Mót và Nguyễn Thành Dũng (ngụ ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) có hỏi anh Nguyễn Ngọc Bích cho đi nhờ qua đất vườn để vận chuyển vật tư về xây dựng nhà, vì đi theo đường cũ thì xa và xe vận chuyển vật tư không vào được.

Chỗ xóm giềng, anh Bích đồng ý, nhưng sau đó 2 bên lại thể hiện bằng tờ giấy viết tay photo: “Giấy chuyển nhượng làm đường đi 150 m đất”, không được công chứng hay thị thực của chính quyền địa phương và cũng không có chữ ký của các đồng sở hữu trong gia đình anh Bích (vì đất này cấp cho hộ).

Căn nhà bà Kết ở từ năm 1995, nay sắp phải dọn đi để trả lại đất cho ông Đằng.
Căn nhà bà Kết ở từ năm 1995, nay sắp phải dọn đi để trả lại đất cho ông Đằng.

Mãi đến năm 2014, hai bên xảy ra tranh chấp, ông Mót khởi kiện ra Tòa. Đúng lý, khi xem hồ sơ, xét thấy không đủ cơ sở pháp lý (tờ giấy photo viết tay), Tòa án giao trả đơn khiếu kiện cho nguyên đơn về địa phương hòa giải. Đằng này, Tòa án thụ lý “hồ sơ” và đi tìm chứng cứ không rõ ràng, thiếu cơ sở pháp lý để chứng minh 2 bên mua bán là có thật, để rồi buộc chủ đất phải cắt giao đất cho người mua.

Những người đồng sở hữu phần đất trong gia đình ông Bích làm đơn chống án với các lý do: Tờ giấy tay không thị thực, công chứng là do ông Dũng tự viết “…đồng ý bán 150 m đất”, (m chỉ chiều dài, rộng), sao trở thành 73,7 m2 (1,5 x 49,55) và lại là “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”;

Đất cấp cho hộ (trên 10 khẩu), nhưng tất cả các thành viên trong hộ không ai hay biết và không ai đồng thuận ký tên bán đất; 2 hộ ông Mót và ông Dũng có 2 lối hiện hữu vào nhà từ xưa tới nay được thể hiện trên bản đồ địa chính. Vậy Tòa đưa ra phán quyết buộc ông Bích và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm giao đất cho ông Mót là dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Mới đây, TAND tỉnh đưa ra xử phúc thẩm, nhưng cuối cùng Hội đồng xét xử  “đình án” để tìm chứng cứ thuyết phục trên cơ sở luật pháp quy định.

Chính quyền giải quyết “quá trán”.

Trường hợp của bà Trần Ngọc Kết (ngụ số 921 Trần Hưng Đạo, phường 5, TP. Mỹ Tho) thì có hướng giải quyết ngược lại.

Năm 1995, bà Lê Thị Hoằng bị bệnh bán thân, các con ở xa không ai nuôi dưỡng nên bà Hoằng và chồng là ông Nguyễn Quan Quản có nhờ bà Trần Ngọc Kết (cháu gọi bà Hoằng bằng dì ruột) đến phụ nuôi bà Hoằng. Đồng thời, thấy hoàn cảnh  bà Kết đang ở đậu đất người khác, việc đi lại khó khăn nên vợ chồng bà Hoằng thống nhất cho bà Kết cất 1 căn nhà trong phần đất của mình để ở và thuận tiện cho việc chăm sóc bà Hoằng.

Ngày 20-7-1996, bà Hoằng đứng tên trên “Tờ cho đứt đất vườn”, nội dung nêu rõ: “… nguyên tôi có một khu vườn trồng cây tạp diện tích 1.800 m2, thuộc đất nông nghiệp ở phường 5. Nay tôi trích ra 300 m2 giao đứt cho cháu kêu tôi bằng dì ruột là Trần Ngọc Kết nhận lãnh số đất diện tích ngang 05 m x dài 60 m (300 m2) để cất nhà ở, trồng tỉa sinh sống nhưng không được chuyển nhượng cho ai cả. Bắt đầu từ ngày làm giấy tờ này, bà Trần Ngọc Kết được tùy nghi sử dụng phần đất này và từ đây về sau con cháu trong gia đình tôi không ai được tranh chấp với bà Trần Ngọc Kết”. Tờ giấy còn ghi thêm: “Người viết tờ Nguyễn Quan Quản. Người cho đất Lê Thị Hoằng” và được bà Phan Thị Liên, Tổ trưởng Tổ NDTQ số 10 (nay là Tổ NDTQ số 20), khu phố 3, phường 5 xác nhận.

Năm 1998, bà Kết làm hồ sơ xin tách chủ quyền đất, địa chính phường 5 đi thẩm tra, xác minh thì ông Nguyễn Quan Đằng (con trai bà Hoằng) không đồng ý và phát sinh tranh chấp.

Ngày 14-8-2000, UBND TP. Mỹ Tho ra Quyết định 622/QĐ-UB: Chia đôi 300 m2 đất vườn và thổ cư đang tranh chấp cho mỗi bên sử dụng ½ diện tích. Ông Đằng không đồng ý, tiếp tục khiếu nại. Ngày 24-5-2001, UBND TP. Mỹ Tho ban hành Quyết định 417/QĐ-UB tiếp tục giao 20 m2 đất sau nhà bà Kết cho bà Hoằng sử dụng và “Tạm giữ cho bà Kết tạm sử dụng nền nhà đến khi con út bà Kết 18 tuổi (năm 1999 con út bà Kết 6 tuổi) phải giao trả 130 m2 đất còn lại cho bà Hoằng”.

Nội dung 2 Quyết định này còn được UBND tỉnh chuẩn y bằng 2 Quyết định 5235/QĐ-UB ngày 15-11-2001 và Quyết định 2061/QĐ-UB ngày 5-9-2012, buộc bà Kết phải giao trả đất đến khi con út bà 18 tuổi. Về tài sản gắn liền trên đất, nếu 2 bên không thương lượng được thì khởi kiện ra Tòa án xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, bà Kết khởi kiện ra Tòa, nhưng cả 3 cấp Tòa án sơ, phúc thẩm và Tối cao đều không thụ lý và Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. (Trong khi đó, TAND huyện Chợ Gạo lại thụ lý và giải quyết trường hợp như đã nêu trên).

Cũng cần nói rõ thêm, việc ông Nguyễn Quan Đằng được ủy quyền tranh chấp và khiếu kiện là chưa đủ cơ sở pháp lý. Bởi vì, bà Hoằng (mẹ ông) bị bệnh bán thân từ năm 1995, làm sao bà Hoằng viết được giấy ủy quyền cho ông Đằng đi kiện mà đưa ra giải quyết.

Trong khi đó, “Tờ cho đứt đất vườn” ông Quản viết (bà Hoằng cho đất) vẫn có giá trị pháp lý, vì ông Quản là hàng thừa kế thứ nhất trong 1.800 m2 đất bà Hoằng (vợ) đứng chủ quyền; do vậy, ông Quản được quyền cho (tặng) một phần đất thừa kế của ông cho bà Kết sử dụng là phù hợp theo pháp luật quy định.

Hơn nữa, bà Kết cũng đã đồng ý và giao trả 170/300 m2 đất cho ông Đằng theo 2 Quyết định của UBND TP. Mỹ Tho từ năm 2000, nay còn lại 130 m2 không thể “gỡ tay” giao trả hết, trong khi gia đình bà Kết không còn đất hay chỗ ở nào khác.

Điều đáng lưu ý hơn nữa là cả ông Nguyễn Quan Đằng và bà Trần Ngọc Kết đều là cháu ngoại của chủ đất Lê Văn Chẩn, bà Hoằng mới đăng ký vào bộ 299 phần đất trên năm 1984. Như vậy, mẹ bà Kết (con gái ông Chẩn) vẫn được thừa kế một phần trên diện tích 1.800 m2, nếu ông Chẩn không để lại di chúc cho bà Hoằng. Xét thấy, việc bà Kết được thừa hưởng 130 m2 đất của ông ngoại (ông Chẩn) để lại là điều không quá đáng cả tình và lý.

Thiết nghĩ, cả 2 vụ việc trên ngành chức năng và chính quyền địa phương cần cân nhắc, xem xét để có cách giải quyết thấu lý, đạt tình.

                                                                                                            TỔ CTBĐ

.
.
.