Đành chấp nhận xây dựng tỉnh lộ 861 theo kiểu "thắt cổ chai"
Công trình nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 861 (huyện Cái Bè) được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo thiết kế, toàn tuyến có 179 hộ bị ảnh hưởng, đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt phương án và kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tuy nhiên có 17/179 hộ chưa đồng ý.
Qua nhiều lần tổ chức vận động, đến nay vẫn còn một số hộ ngăn cản không cho đơn vị thi công và yêu cầu phải được bồi thường (kể cả mặt đường cũ ra tới mé kinh 5), dẫn đến việc thi công bị trì trệ từ năm 2012, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
Đường tỉnh 861 được hình thành từ năm 1978, có chiều dài 15,3 km, đi qua 4 xã: An Thái Trung, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B và Mỹ Trung. Điểm khởi đầu từ QL1A tại km 0 + 00 (xã An Thái Trung) và điểm cuối là km 15 + 300 (thuộc xã Mỹ Trung). Quy mô đường sỏi đỏ, nền hạ 7 m, mặt đường 4,5 m…
Đoạn còn bỏ trống do người dân ngăn cản không cho thi công. |
Năm 1980, thực hiện Chỉ thị 299/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Cái Bè tiến hành khảo sát, đo đạc, lập bản đồ, xác định diện tích đất để giao cho các hộ gia đình và cá nhân sản xuất nông nghiệp theo hiện trạng đã dành riêng cho đường tỉnh 861 dọc theo kinh 5 qua 4 xã nêu trên, tính từ mép đường ra bờ kinh để làm đường và hành lang kinh có chiều rộng từ 8 - 10 m.
Từ năm 2000 trở về sau, do ảnh hưởng nhiều cơn lũ lớn làm mặt đường trải sỏi đỏ xuống cấp, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn giao thông cũng như phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trên địa bàn toàn tuyến.
Ngày 28-10-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3897/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tỉnh 861 (đoạn từ km 4 + 775 đến km 14 + 167,7) qua địa phận 3 xã Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B và Mỹ Trung, với quy mô nền đường 7,5 m, mặt đường 5,5 m, phạm vi giải phóng mặt bằng là 7,5 m (từ tim đường ra mỗi bên).
Với phạm vi giải tỏa trên, có 179 hộ dân bị ảnh hưởng về đất gồm: Xã Mỹ Lợi A (117 hộ) và xã Mỹ Lợi B (62 hộ), được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước xuất kinh phí thi công, vận động nhân dân hiến đất để làm công trình, chỉ bồi thường cây trái, hoa màu, nhà ở và các vật kiến trúc khác).
MỘT SỐ HỘ DÂN KHÔNG THỐNG NHẤT HIẾN ĐẤT
Huyện Cái Bè: Thi công nâng cấp đường tỉnh 861 Sáng nay (ngày 1-8), UBND huyện Cái Bè tổ chức thi công nâng cấp đường tỉnh 861 trên địa bàn xã Mỹ Lợi A. Dự án có chiều dài 15,3 km, kinh phí thực hiện gần 1,5 tỷ đồng, được thực hiện theo chủ trương “vận động nhân dân hiến đất, Nhà nước đầu tư vốn để thực hiện dự án và có đền bù cây trái hoa màu, vật kiến trúc bị ảnh hưởng”. Qua vận động, hầu hết các hộ dân trên toàn tuyến đồng tình ủng hộ, tuy nhiên còn 14 hộ dân không đồng ý hiến đất, với chiều dài khoảng 450 m, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng của công trình và gây khó khăn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Ngày 28-7, Ủy ban MTTQ huyện Cái Bè phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã Mỹ Lợi A tổ chức họp dân để triển khai Thông báo số 171, ngày 11-7-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấm dứt khiếu nại yêu cầu bồi thường đất trên đường tỉnh 861 của 4 hộ dân gồm: Ông Nguyễn Thanh Hồng, bà Dương Thị Ánh, bà Lê Kim Em và ông Nguyễn Văn Tâm, cùng ngụ ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A; Đồng thời thông báo đến các hộ dân trên đường tỉnh 861 Kế hoạch của UBND huyện Cái Bè về việc tổ chức triển khai lực lượng tiến hành thi công các đoạn đường ở 14 hộ khiếu nại không đồng ý hiến đất mở rộng đường; sẽ xử lý nghiêm những ai cản trở việc thi công công trình… N.HỮU - V.NGÂN |
Qua các lần họp dân triển khai chủ trương và tổ chức vận động, đa số hộ dân bị ảnh hưởng đều thống nhất hiến đất để thi công công trình, còn lại 17/179 hộ không đồng ý, cho rằng mặt đường tỉnh 861 trước đây rộng khoảng 3 m, nay Nhà nước thi công rộng 7 m nên không thống nhất hiến đất, yêu cầu phải được bồi thường, vì vậy dự án tạm ngừng thi công.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, khi đơn vị thi công đến hộ ông Nguyễn Hùng Tiến thì xảy ra ngăn cản, yêu cầu bồi thường đất và kéo theo 16 hộ khác (đa số ngụ xã Mỹ Lợi A) cũng yêu cầu bồi thường đất mới cho thi công.
Sau đó, các hộ này làm đơn khiếu nại gởi UBND huyện Cái Bè yêu cầu Nhà nước bồi thường về đất theo Nghị định 69/CP của Chính phủ và Quyết định 15/QĐ-UB của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Họ còn yêu cầu phải bồi thường luôn phần lộ cũ, cho rằng đất này được Nhà nước cấp chủ quyền cho họ trước đây.
Qua đo đạc thực tế theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) được cấp của 17 hộ thì có 12 hộ (ấp Mỹ Trường, xã Mỹ Lợi A) diện tích không chênh lệch, 4 hộ có giảm so với diện tích trong giấy chủ quyền gồm:
Hộ ông Trần Văn Đèo giảm 284,9/1.450 m2 và hộ bà Trần Thị Đức giảm 300,5/1.307 m2, nguyên nhân là do đăng ký kê khai đo đạc bao trùm cả phần kinh thủy lợi Tiền Duyên phía sau đất của họ; hộ bà Phạm Thị Quý giảm 535,5/1.760 m2, nguyên nhân do đăng ký chồng lên một phần thửa đất liền kề của bà Trần Thị Diệu và hộ ông Lê Văn Mãnh giảm 327,8/1.000 m2 (theo đo đạc thực tế).
Riêng hộ ông Lê Văn Màng tăng 403/934 m2 là do 2 thửa giáp ranh cùng, nhận tặng (cho) của bà Lê Thị Thứ khi xác định ranh cấp giấy chứng nhận không chính xác, dẫn đến diện tích tăng. Từ những cơ sở trên khẳng định, đất của các hộ dân chỉ được cấp chủ quyền đến lề đường tỉnh 861, chứ không cấp chồng lên mặt đường như các hộ dân đã khiếu nại.
Hiện có 2 trường hợp ngăn cản gay gắt là hộ bà Trần Kim Em và Hồ Thị Ba - vợ ông Nguyễn Thanh Hồng (cùng ngụ ấp Mỹ Trường, xã Mỹ Lợi A). Bà Kim Em nại lý do diện tích đất của bà trước đây ông bà sang nhượng ra tới nửa kinh 5 (bao trùm toàn bộ đường 861), nay bà yêu cầu bồi thường không chỉ riêng phần đất mở rộng, mà bồi thường luôn cả con lộ cũ ra tới mé kinh 5 và một số hoa màu, cây trái, vật kiến trúc mới phát sinh.
Còn bà Hồ Thị Ba thì không cho thi công trên nền đường cũ nếu Nhà nước không bồi thường. Thấy vậy, các trường hợp khác cùng đứng đơn khiếu nại gửi đến Trụ sở tiếp công dân Văn phòng Trung ương Đảng và Nhà nước (Hà Nội) và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
CHẤP NHẬN XÂY DỰNG MẶT ĐƯỜNG KIỂU “THẮT CỔ CHAI”
Do còn một số hộ không đồng ý hiến đất nên địa phương đã điều chỉnh lại thiết kế. Cụ thể, chỉ thi công trên những đoạn mà nhân dân đã hiến đất, những đoạn dân không hiến đất thì giữ nguyên hiện trạng 3,5 m, không mở rộng mặt đường.
Tuy nhiên, các hộ không thống nhất hiến đất vẫn tiếp tục khiếu nại, đã được UBND huyện Cái Bè có quyết định giải quyết lần đầu và UBND tỉnh có quyết định giải quyết lần thứ hai.
Nội dung quyết định giải quyết đã khẳng định: Diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận QSDĐ so với diện tích đo đạc thực tế của các hộ khiếu nại không thay đổi. Đường tỉnh 861 được hình thành trước khi đo đạc, cấp giấy cho các hộ chỉ được cấp đến lề đường tỉnh 861, do đó việc khiếu nại yêu cầu bồi thường phần đất nằm trên đường tỉnh 861 của các hộ là không có cơ sở.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định bác đơn khiếu nại của các hộ, giữ nguyên quyết định giải quyết lần đầu của UBND huyện Cái Bè. Nếu các hộ không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Tại buổi tiếp công dân ngày 2-2 và 7-7-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành chức năng của tỉnh, huyện Cái Bè với một số hộ khiếu nại, ông Lê Văn Hưởng đã có kết luận:
“Việc hiến đất mở rộng đường tỉnh 861 do không vận động được nên tỉnh thống nhất không tiếp tục vận động các hộ hiến đất và đã điều chỉnh thiết kế công trình, những đoạn dân không hiến đất thì chỉ thi công trên nền đường cũ, đề nghị các hộ hợp tác trong việc thi công trên nền đường cũ”.
Đối với nội dung mà các hộ cho rằng, khi thi công đường tỉnh 861, đơn vị thi công đã thi công trên phần đất của người dân đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kết luận: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp tổ chức đo lại diện tích đất của từng hộ để làm cơ sở xử lý.
Việc đo đạc thống nhất theo yêu cầu của hộ là cho hộ kéo dây và kiểm tra số liệu. Nếu xác định cấp giấy sai, có chồng lấn do cấp sai thì ai làm sai phải xin lỗi và điều chỉnh lại cho đúng. Sau khi có kết quả đo lại, xác định diện tích đất của dân và đất lộ cũ sẽ tiến hành di dời đất đá trả lại nguyên trạng cho các hộ không hiến đất. Đề nghị các hộ yên tâm, chờ kết quả, không kéo nhau đi khiếu kiện nhiều nơi gây tốn kém thời gian và tiền bạc”.
Như vậy, việc tổ chức thi công đường tỉnh 861, UBND tỉnh có chủ trương: Trường hợp người dân không đồng ý hiến đất thì không tổ chức thi công mở rộng đường, chấp nhận mặt đường tại các đoạn này theo kiểu “thắt cổ chai”.
TỔ CTBĐ