Thứ Hai, 08/08/2016, 14:50 (GMT+7)
.
VIỆC XÂY DỰNG CỤM DÂN CƯ VÀ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TX. CAI LẬY:

TTCP kết luận: Đền bù giải tỏa theo hướng có lợi cho dân

Cụm dân cư (CDC) và Trung tâm Thương mại (TTTM) huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) được UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng từ năm 2002, với tổng diện tích quy hoạch 255.474 m2, có 183 hộ bị ảnh hưởng. Qua tuyên truyền, vận động đã được đại đa số người dân chấp thuận; còn lại 14 hộ chưa thống nhất phương án đền bù, đã khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội và công tác triển khai thực hiện các hạng mục của dự án.

Chợ Cai Lậy (nằm dưới dốc cầu, chiếm hành lang QL1A) được dời vào khu Trung tâm Thương mại.
Chợ Cai Lậy (nằm dưới dốc cầu, chiếm hành lang QL1A) được dời vào khu Trung tâm Thương mại.

Qua nhiều đợt thanh tra, kiểm tra của Tổ Công tác do UBND tỉnh hoạt động thành lập, các bộ, ngành Trung ương và Thanh tra Chính phủ về địa phương xác minh, rà soát cụ thể từng vụ việc và đã có kết luận:

Thực hiện việc xây dựng Dự án CDC và TTTM huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Đã di dời dân vùng bị ngập lũ thường xuyên, gia đình diện chính sách vào CDC, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định, lâu dài, tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của nhân dân; tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân ở thị trấn Cai Lậy (cũ) và các xã lân cận mở rộng thương mại, dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội;

Đồng thời di dời chợ ở đầu cầu Cai Lậy vào Dự án nhằm mục đích tránh hành lang bảo vệ lộ giới theo quy định của Chính phủ; tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản, an toàn giao thông tại khu vực này là việc làm hết sức cần thiết, với sự quyết tâm cao của Huyện ủy, UBND huyện Cai Lậy trước đây, được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ. Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, hợp lòng dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, có những mặt hạn chế, yếu kém không tránh khỏi trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là để xảy ra khiếu nại phức tạp, kéo dài đến nay chưa khắc phục được, gây ảnh hưởng xấu về an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo cơ hội cho phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động làm cho người khiếu nại hiểu sai lệch chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tập trung đông người gây áp lực với cơ quan ở địa phương và Trung ương.

Nhược điểm về mặt pháp luật bộc lộ rõ nhất là đối với các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Hội đồng bồi thường (HĐBT). Điển hình như, trong thành phần HĐBT không có đại diện những hộ gia đình bị thu hồi đất, không niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là chưa bảo đảm tính dân chủ, khách quan và công bằng.

Ngoài ra, việc đền bù không đúng mục đích sử dụng đất (đất nông nghiệp lại đền bù giá đất ở không thu thuế chuyển mục đích và việc thu hồi đất nông nghiệp lại giải quyết tái định cư bằng đất ở).

Mặc dù có sai sót trong quá trình thực hiện, nhưng qua thử nghiệm cách tính lại của các ban, ngành chức năng theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra Chính phủ về việc đền bù toàn bộ diện tích đất với giá đất ở theo ý kiến của người dân cho thấy:

Cách tính trên có lợi cho người dân rất nhiều, ít nhất là vài chục triệu, vài trăm triệu, có người được trên 1 tỷ đồng (cả giá trị hoán đổi đất và bán nền giá định). Qua đó cho thấy, những yêu cầu, khiếu nại của ít hộ cá biệt (so với gần 200 hộ bị ảnh hưởng trong dự án) là không phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương.

Qua xem xét tại các cuộc thanh tra, kiểm tra trước đây, Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện có vấn đề tiêu cực; HĐBT đã áp dụng các văn bản quy định về việc đền bù, bồi thường, về giá đất các loại, giá xây dựng nhà ở và vật kiến trúc phù hợp với từng thời điểm xây dựng phương án bồi thường là có lợi cho người dân rất nhiều.

Một số hộ yêu cầu ra quyết định thu hồi đất tại thời điểm hiện nay là không cần thiết. Bởi vì, tại thời điểm thu hồi đất họ đã được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thỏa đáng. Hơn nữa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1603/BTNMT-TTr gửi UBND tỉnh, nêu rõ:

“…Trường hợp công dân tiếp tục khiếu nại, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ vụ việc, trường hợp đã có đủ cơ sở khẳng định việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân là đúng quy định của pháp luật tại thời điểm tính toán và các hộ dân đã nhận tiền thì thông báo cho người dân, không nhất thiết phải ban hành quyết định thu hồi đất”.

Từ kết quả trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiểm tra, rà soát lại các vụ khiếu nại theo thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp tình hình thực tế địa phương, tránh để dắt dây (do quá trình thực hiện các phương án bồi thường có vài thiếu sót về khâu trình tự thủ tục).

Chỉ đạo Công an địa phương có kế hoạch lên danh sách theo dõi để chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các đối tượng lợi dụng việc khiếu nại nhằm gây rối, kích động, lôi kéo, yêu sách làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đồng thời tổ chức kiểm điểm nghiêm túc những thiếu sót nêu trên đối với ban, ngành và cá nhân có liên quan để tránh những sai sót tương tự về sau.

TỔ CTBĐ

.
.
.