Người dân bức xúc việc xây cất lấn chiếm công trình công cộng
Những ngày gần đây, UBND huyện Cai Lậy tiếp nhiều công dân cư ngụ tại ấp Bình Trị, xã Bình Phú đến khiếu nại về trường hợp của hộ bà Lý Thị Bé Tám lấn chiếm công trình thủy lợi và hành lang an toàn giao thông đường bộ làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con tại địa phương.
Công trình dân dụng của bà Lý Thị Bé Tám lấn chiếm con kênh Cầu Đập, cản trở không thi công, nạo vét kênh phục vụ sản xuất. |
Người dân cho biết, con kênh Cầu Đập đã được hình thành trước năm 1975 để dẫn nước phục vụ tưới tiêu trên địa bàn ấp Bình Trị, xã Bình Phú. Do nhu cầu thực tế bức bách về tiêu thoát nước và dẫn thủy nhập điền; năm 2016, lãnh đạo địa phương tiến hành nạo vét tuyến kênh trên, nhưng đến nay không thể hoàn thành đưa vào sử dụng được do hộ bà Lý Thị Bé Tám xây cất nhà lấn chiếm kênh nên đơn vị thi công không thực hiện được. Bà Tám viện lý do đoạn kênh trên là do cha ông của bà đào trên phần đất của gia đình nên bà có quyền xây cất.
Về việc này, ông Lê Văn Ba, sinh năm 1937 khẳng định, từ khi ông sinh sống tại đây thì con kênh Cầu Đập đã có rồi. Kênh phục vụ nước tưới tiêu cho cả cánh đồng ấp Bình Trị chớ không phải do gia đình bà Tám tự đào. Con kênh có chiều dài gần 1.000 m và rộng khoảng 8 m (tùy theo đoạn), nối liền kênh Chín Chương và kênh lộ Giồng Tre để phục vụ sản xuất của nhân dân trên cánh đồng ấp Bình Trị. Hiện tại, con kênh Cầu Đập đã được cơ giới nạo vét qua phẩn đất nhà bà Đoàn Thị Bé Tư, khi đến chỗ bị hộ bà Lý Thị Bé Tám lấn chiếm cất nhà thì phải dừng lại không thể thi công được. Diện tích lấn chiếm qua đo đạc thực tế là 60,6 m2 với chiều ngang đoạn lấn chiếm trung bình 2,5 m và chiều dài 24,7 m.
Còn những hộ dân sinh sống trên dọc hai bờ đoạn kênh còn lại chưa thi công, nằm về phía Bắc tuyến đường tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, thì kiến nghị phải giải quyết trường hợp lấn chiếm kênh rạch của bà Tám rốt ráo mới cho thi công tiếp đoạn còn lại. Hơn nữa, công trình xây cất dân dụng của bà Tám thực chất không phải nhà ở mà là nơi kinh doanh các mặt hàng trang trí nội thất, thiết bị điện gia dụng,…Công trình này cũng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ phạm vi tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy.
Việc này, ông Đặng Việt Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn số: 976/BQLDA8/DHDA1, ngày 23-8-2016 gởi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang yêu cầu đơn vị có biện pháp chỉ đạo các cơ quan hữu quan hỗ trợ để hoàn trả các vị trí mặt bằng bị lấn chiếm hành lang đường bộ; đồng thời ngăn ngừa tình trạng tiếp tục tái lấn chiếm mặt bằng phạm vi hành lang đường bộ đối với những hộ dân dọc đường. Có tổng cộng 22 trường hợp hộ dân lấn chiếm trên toàn tuyến, trong đó có trường hợp của bà Lý Thị Bé Tám tại điểm lấn chiếm ở ấp Bình Trị, xã Bình Phú.
Ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy xác nhận: Tuyến kênh Cầu Đập là kênh công cộng được hình thành khá lâu, rộng khoảng 8 m (tùy đoạn) không được nạo vét; đồng thời qua quá trình thi công tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy cũng như việc bà Lý Thị Bé Tám xây dựng lấn chiếm và bơm cát nên đã làm lắp đoạn kênh trên. Chính vì vậy, không đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong khu vực. Việc xây dựng lấn chiếm kênh làm cho 8 hộ có đất canh tác bị ảnh hưởng trực tiếp không đủ nước tưới tiêu phải ngừng sản xuất, gây thiệt hại cho nên các hộ bức xúc và khiếu nại khá gai gắt. Từ đó UBND huyện cho tiến hành nạo vét lại thì vướng mặt bằng tại hộ bà Lý Thị Bé Tám và Lý Thị Bé Tư không cho thực hiện, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành.
Về phía các cơ quan hữu quan cấp xã, huyện đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm, ra Quyết định xử lý vi phạm hành chánh, mới đây nhất là Quyết định số 32/QĐ-XPVPHC do ông Đinh Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy ký ngày 26-4-2016 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão đồng thời buộc bà Tám phải tháo dỡ phần lấn chiếm, trả mặt bằng để thi công công trình kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống cộng đồng dân cư. Đến nay, bà Tám vẫn chưa chấp hành.
Mới đây, bà Tám còn tự thảo đơn Xác nhận con rạch trên không phải là công trình thủy lợi của Nhà nước, vận động lấy chữ ký của nhiều hộ dân sở tại. Tuy nhiên,trong số dân ký xác nhận vào đơn có người là con ruột, là thân nhân của bà Tám, có người ở nơi khác mới đến sinh sống sau này…nên thực tế khó khách quan, khó nói lên điều gì về sự thật nguồn gốc con kênh và sự lấn chiếm trái phép nêu trên của bà Tám.(!).
Gần đây, bà Lý Thị Bé Tám đã khởi kiện Quyết định số 32/QĐ-XPVPHC của UBND huyện Cai Lậy ra TAND tỉnh Tiền Giang đang thụ lý, xem xét. Hy vọng rằng, với sự công minh của Tòa án, kết quả sẽ ngã ngủ và đâu là sự thật, ai đúng, ai sai được xác định rõ ràng.
Trên cơ sở đó, việc sai phạm sẽ bị xử lý đúng pháp luật để người dân an tâm; đồng thời, đảm bảo phục vụ sản xuất của công trình nạo vét tuyến kênh Cầu Đập như mong mỏi chính đáng của các hộ dân sở tại có nước tưới tiêu là hết sức bức xúc và cần thiết hiện nay.
TỔ CTBĐ