Cần phải chung tay bảo vệ trẻ em
Chỉ trong buổi chiều ngày 15-5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 học sinh thiệt mạng rất thương tâm (1 vụ xảy ra trên địa bàn phường Tân Long, TP. Mỹ Tho và 1 vụ xảy ra tại xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây) do tắm sông. Qua đó đã gióng lên hồi chuông báo động, đặt ra vấn đề nhà trường, gia đình và xã hội cần chung tay hơn trong việc bảo vệ các em khỏi tình trạng đuối nước.
Thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh, trong phối hợp thực hiện Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước” đã có nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước ở trẻ em như: Tổ chức tuyên truyền những nội dung về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, giúp người dân biết được kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em. Triển khai mô hình Ngôi nhà an toàn trong cộng đồng dân cư. Thực hiện đưa chương trình dạy bơi cho học sinh tiểu học vào chương trình chính khóa ở một số huyện, thành, thị....
Tuy nhiên, việc làm và kết quả đạt được trên là chưa đủ, vẫn còn nhiều trẻ em thiệt mạng do đuối nước (tính từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng có khoảng 500 đến 1.000 trường hợp đuối nước đối với trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó tử vong từ 15 đến 40 em hằng năm), điển hình là 2 vụ đuối nước trên.
Vì thế, thời gian tới, để đuối nước không còn rình rập trẻ em, các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước” với các hoạt động trên. 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường vai trò quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm cụ thể trong việc ngăn ngừa nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Dư luận đòi hỏi phải có cá nhân, đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em.
NHƯ NGỌC