Thứ Tư, 04/10/2017, 21:01 (GMT+7)
.

Một số trường hợp tranh chấp đất công chưa giải quyết dứt điểm

1. Bà Võ Thị Hồng Liên (ngụ ấp 1, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) cho biết: Từ năm 2009 đến nay, xã, huyện chậm giải quyết cho bà được tráng xi măng đường đi công cộng vào nhà bà. Lý do, ông Võ Văn Nhơn hộ phía ngoài tranh cản.

Khoảng 2 m (bên trái) từ trước ra sau (nơi chứa hàng hóa và nhà bếp) nguyên là con hẻm, nay trở thành nhà của hộ bà Tám.
Khoảng 2 m (bên trái) từ trước ra sau (nơi chứa hàng hóa và nhà bếp) nguyên là con hẻm, nay trở thành nhà của hộ bà Tám.

Kết quả thanh tra cho thấy, con đường này được hình thành từ trước năm 1975, có chiều ngang 1 - 1,2 m, dài khoảng 80 m, phục vụ cho một số hộ đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng chủ yếu là người trong thân tộc bà Liên. Năm 2009, bà Liên làm đơn xin UBND xã Tân Tây cho bà tự bỏ kinh phí tráng xi măng con đường này, nhưng hộ ông Nhơn (ông Nhơn gọi bà Liên là cô ruột) tranh cản không cho bà Liên thực hiện. Qua nhiều lần xem xét, UBND huyện Gò Công Đông thống nhất giải quyết: Đây là đường đi chung, phục vụ cho việc đi lại của một số hộ dân, không cá nhân nào được quyền lấn chiếm. Trường hợp bà Liên có nhu cầu tráng xi măng đường đi này phải xin phép UBND xã Tân Tây. Khi thi công phải có sự giám sát của UBND xã và chỉ được tráng trong phần diện tích theo hiện trạng đã nêu trên. Bà Liên không thống nhất, đã gửi đơn lên tỉnh, cho rằng: Năm 1984, Tập đoàn sản xuất nông nghiệp có đào con mương cặp đường đi để thoát nước, chống úng. Con mương này là đất công được thể hiện trên bản đồ địa chính. Sau đó, rã tập đoàn, người dân tự ban đất xuống mương để canh tác. Nay bà Liên yêu cầu cho phục hồi con mương bằng cách mở rộng đường đi ngang 3,5 m để bà Liên có điều kiện tráng xi măng mặt đường rộng 2 m phục vụ việc đi lại lâu dài của người dân.

Qua đối thoại trực tiếp với bà Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức thống nhất đề nghị: Tổ Công tác 3019/UBND của UBND tỉnh thẩm tra, rà soát lại hiện trạng đất con mương có diện tích là bao nhiêu, thuộc đất công hay đã cấp chủ quyền cho người dân quản lý, sử dụng và nhu cầu lưu thông, đi lại (hiện nay và lâu dài) của người dân trên đoạn đường này, để có cơ sở xem xét, giải quyết.

2. Người dân ấp 1 (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) phản ánh: Từ năm 2010 đến nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhỏ và bà Nguyễn Thị Ơn tự động ban đê kinh nổi khoảng 300 m2 để cất nhà ở, làm mặt bằng kinh doanh và kho chứa vật tư nông nghiệp. Nhiều lần UBND xã Tam Hiệp ra quyết định xử phạt, nhưng đến nay việc lấn chiếm, xây cất của hộ bà Ơn vẫn còn nguyên trạng.

Đồng chí Nguyễn Văn Nâu, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết: Phần đất 289,6 m2 mà vợ chồng ông Nhỏ và bà Ơn đang chiếm dụng có nguồn gốc của gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ cất nhà ở trước năm 1975. Năm 1977, Nhà nước có chủ trương xây dựng tuyến kinh nổi Tam Hiệp để tăng vụ lúa và phát triển vùng rau màu của xã, nhà ông Mỹ bị giải tỏa, di dời đi nơi khác, giao đất cho công trình thủy lợi thi công. Lúc bấy giờ, tất cả các hộ bị ảnh hưởng công trình chỉ được bồi thường tiền di dời nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu, cây trái…, còn đất thuộc Nhà nước quản lý không được đền bù.

Đến năm 1991, do tuyến kinh nổi này không phát huy hiệu quả điều tiết nước tưới tiêu, máy móc phục vụ cho bơm tưới đã được ngành chức năng tháo chuyển đi nơi khác. Thấy vậy, một số hộ dân sống cặp kinh tự động ban đê, san lấp mặt bằng lấy đất sản xuất, cất nhà ở, trong đó có gia đình bà Ơn lấn chiếm đất đê (phần đất gốc của gia đình ông Mỹ) cất nhà ở và các công trình phụ. Ông Mỹ tranh chấp, khiếu nại xin lại phần đất này. Năm 2014, Đảng ủy xã Tam Hiệp đã triệu tập cuộc họp bàn về việc giải quyết thanh lý phần đất này bằng hình thức đấu giá (ưu tiên cho hộ ông Mỹ). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, gia đình ông Mỹ đang gặp khó khăn, không có tiền để tham gia đấu giá, cho nên việc thanh lý 289,6 m2 đất này chưa được công khai rộng rãi.

Đối với trường hợp hộ bà Ơn lấn chiếm đất đê kinh nổi xây nhà và các công trình phụ, UBND huyện Châu Thành đã ban hành quyết định buộc ông Nguyễn Văn Cứng và con gái là bà Ơn tháo dỡ một phần căn nhà và công trình phụ thuộc phạm vi công trình thủy lợi để giao trả đất cho Nhà nước quản lý. Gần đây, UBND xã Tam Hiệp đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được hộ bà Ơn thực hiện.

3. Bà Huỳnh Thị Thanh Vân (ngụ tổ 2, ấp Tân Hòa, xã Tân Hương, huyện Châu Thành) khiếu nại: Năm 1980, Nhà nước trưng dụng của gia đình bà một phần đất để làm đường tránh vào Trạm Thuế Tân Hương. Khi trạm thuế không còn hoạt động, phần đất này không trả lại gia đình bà, mà giao cho UBND xã Tân Hương quản lý. Nhiều năm đất bỏ hoang, nên bà đã cất nhà ở trên phần đất này và mở quán bán nước giải khát thì UBND xã Tân Hương tiến hành xây hàng rào cản trước cửa nhà. Bà có cam kết khi nào Nhà nước trưng dụng làm công trình thì bà sẽ trả lại và không khiếu nại vì phần đường này nằm trong hành lang lộ giới, nhưng xã không thống nhất.

Phản ánh của bà Vân được đồng chí Dương Bảo Toàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Hương xác định: Trước đây, khi Nhà nước trưng dụng một phần đất của ông Huỳnh Văn Mạo (cha bà Vân) đã hoán đổi đất khác cho gia đình xong. Sau khi Trạm Thuế Tân Hương giải thể, có một phần đất mương đìa còn bỏ trống, gia đình ông Mạo xin lại, đã được chính quyền địa phương thống nhất giao cấp lại và gia đình đã chia cho 3 chị em bà Vân quản lý, sử dụng. Đầu năm 2015, hộ bà Vân thuê thợ đến xây cất nhà để kinh doanh cà phê, nước giải khát (1 trệt, 1 lầu) không xin phép và lấn sang một phần đất công do xã quản lý còn để trống. Mặt tiền cửa chính nhà bà Vân không hướng ra lối đi công cộng, mà trổ vào phần đất công còn để trống hướng ra QL1A. Khi nhà xây xong, bà Vân tự động làm lối đi từ nhà thẳng ra QL1A và làm bãi đậu xe cho khách vào uống cà phê, nước giải khát. Trước việc làm sai phạm của bà Vân, UBND xã Tân Hương đã nhiều lần lập biên bản nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Đồng chí Toàn cho biết thêm, để ngăn chặn việc bà Vân tự ý sử dụng phần đất công còn trống làm lối đi vào nhà và bãi đậu xe cho khách, Đảng ủy xã thống nhất và chỉ đạo cho rào lại để dễ quản lý, tránh hậu quả về sau. Nhưng khi lực lượng tiến hành cắm trụ, rào lưới xung quanh thì bà Vân cho người chụp hình và tố cáo chính quyền xã rào bít cửa chính nhà bà, ngăn cản việc làm ăn của gia đình bà. Trong khi đó, bà Vân đã viết cam kết với nội dung: Căn cứ theo Biên bản ngày 22-1-2015, tôi hứa sẽ tháo dỡ phần tấm xẹt phía trước hướng ra QL1A, trả lại hiện trạng ban đầu. Còn phần con lộ bị hư hỏng, tôi sẽ sửa chữa sau khi làm nhà xong. Nếu tôi có sai phạm nữa, tôi sẽ bị phạt theo pháp luật. Bà Vân còn làm tờ tường trình gửi UBND xã Tân Hương, nêu rõ: “Tôi đã xây dựng lấn chiếm phía ngoài đất công. Nay tôi kính đơn tường trình sự việc đến UBND xã Tân Hương cứu xét giúp đỡ cho tôi sự việc nêu trên. Tôi chân thành cảm ơn”.

4. Ông Nguyễn Tấn Khanh và ông Dương Văn E đại diện người dân ấp Giáp Nước (xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) phản ánh: Năm 2015, Ban Quản lý ấp đã mời ông Trần Văn Thanh (ngụ cùng ấp) đến giải quyết việc ông Thanh tự động đào móng, đặt trụ bê tông để xây dựng hàng rào trên đường đi công cộng được hình thành trước năm 1975. Đây không phải lần đầu, mà trước đây ông Thanh cũng đã một lần lấn đường đi chung để xây hàng rào.

Năm 2004, vừa mua xong phần đất này, ông Thanh trồng trụ cột làm hàng rào lấn ra đường đi công cộng, bị người dân phản ứng và làm đơn nhờ chính quyền giải quyết. Lúc này, đồng chí Lê Xuyên Tâm, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Hòa giải và ông Lê Phước Hoài (Mười Đủ), Trưởng ấp Giáp Nước (xã Thạnh Phú cũ) họp dân hòa giải thành. Ông Thanh đồng ý nhổ bỏ 5 trụ xi măng làm hàng rào trả lại hiện trạng lối đi như cũ. Nay gia đình ông Thanh tiếp tục đào đường đặt trụ bê tông, xây tường rào trên đường công cộng làm ảnh hưởng việc đi lại của nhiều hộ bên trong.

5. Hộ bà Nguyễn Thị Kim Tám (ngụ tổ 11, ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè): Chiếm dụng toàn bộ con hẻm có tổng diện tích 28 m2 (ngang khoảng 2 m, dài gần 15 m) để xây dựng nhà ở, mở rộng điểm kinh doanh từ giữa năm 2015 đến nay, khiến 12 hộ bên trong không còn lối ra vào, phải đi nhờ bên trong nhà hàng xóm tốt bụng gần 1 năm nay.

Đồng chí Nguyễn Tấn Lợi, cán bộ phụ trách Địa chính xã Tân Thanh cho biết: Con hẻm này được hình thành từ lâu trên phần đất (chưa cấp chủ quyền) của bà Triệu Thị Y (mẹ ông Thắng, bà Tám) để phục vụ việc đi lại của một số hộ bên trong. Khi đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Y, con hẻm này được trừ ra để làm lối đi công cộng, được Nhà nước bồi thường ¾ giá trị đất ở. Gần đây, hộ bà Tám phá bỏ nhà cũ, xây dựng nhà mới, lấy hết đất con hẻm để kinh doanh, cắt đứt lối đi lại của các hộ bên trong. Người dân khiếu nại, chính quyền xã Tân Thanh xuống lập biên bản, ngăn chặn, nhưng gia đình bà Tám không chấp hành, thuê người làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật cho đến khi hoàn chỉnh. Riêng hộ ông Thắng thì xây tường chắn ngang lối đi phía sau để chứa vật dụng làm căn nhà bà Huỳnh Thị Lành không còn lối thoát.

Giải quyết vụ việc, đồng chí Nguyễn Tấn Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: UBND xã Tân Thanh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4.000.000 đồng đối với hành vi xây nhà lấn hẻm, chiếm lối đi công cộng với tổng diện tích 28 m2 và xây tường chắn ngang hẻm phía sau giáp với nhà ông Na và nhà bà Lành; buộc hộ bà Tám phải khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi lấn chiếm, nhưng hộ bà Tám không chấp hành. Ngày 19-1-2016, UBND xã Tân Thanh có Báo cáo 07/BC-UBND gửi UBND huyện Cái Bè đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, vì cấp xã không có chức năng và biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.

Đồng chí Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, huyện sẽ tổ chức đoàn kiểm tra xuống hiện trường thẩm tra, xác minh lại toàn bộ vụ việc và có hướng giải quyết đúng quy định của pháp luật.

TỔ CTBĐ

.
.
.