Hành xử văn minh khi bóp còi xe
Còi xe là một bộ phận không thể thiếu của các phương tiện giao thông. Không chỉ báo hiệu cho các phương tiện khác, còi xe còn có chức năng cảnh báo chính chủ xe về các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Thế nhưng, sử dụng công cụ này như thế nào cho đúng cách và văn minh lại tùy thuộc vào ý thức của người bóp còi xe.
Trong thực tế, có người thoải mái bóp còi xe trong bất kỳ không gian nào như đi qua bệnh viện, nhà trẻ, trường học… khi mình thích, nhất là đám thanh niên choai choai. Ngoài ra, ai thường xuyên tham gia giao thông đều phải hứng chịu những tiếng còi xe (cả ô tô lẫn xe máy) liên tiếp từ phía sau khi dừng chờ đèn đỏ, nhất là khi còn vài giây nữa đèn xanh mới bật lên, như là mệnh lệnh bắt buộc xe phía trước phải chạy để mở đường. Hay có trường hợp bợm nhậu say xỉn muốn “đường thông hè thoáng” nên bóp liên tục những hồi còi inh ỏi trên đường…
Chế tài pháp luật chỉ áp dụng đối với trường hợp bóp còi khi đang lưu thông trong không gian cấm (thường cũng rất ít bị xử phạt), còn thì không thể phạt được những trường hợp bóp còi của những người vô ý thức như trên. Xây dựng ý thức của người tham gia giao thông là cả một quá trình. Trong đó, mỗi hành vi của người tham gia giao thông đều là một cấu thành quan trọng. Cái còi xe dù nhỏ nhưng sử dụng nó như thế nào cho văn minh không là chuyện nhỏ. Bóp còi xe cũng cần văn hóa, chứ thích thì bóp thì không nên. Hành vi rất nhỏ nhưng cũng tạo ra hoặc hủy hoại nhân cách của một con người. Vì thế, nên cân nhắc để hành xử văn minh khi bóp còi xe.
V.H