Thông tin Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TX. Cai Lậy
Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 – Km 2014+000 tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT (sau đây gọi tắt là Dự án) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định 4173 ngày 19-12-2013; công trình đã hoàn thành giai đoạn đầu tư được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác tại văn bản số 6170 ngày 9-6-2017 và chính thức thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Cai Lậy từ ngày 1-8-2017.
Vừa qua, trong quá trình vận hành khai thác công trình dự án, việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm thu giá đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp, gây mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng có một số ý kiến khác nhau về quá trình triển khai thực hiện dự án cũng như quan điểm xử lý. Nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông suốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, góp phần quan trọng trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cung cấp một số thông tin về Dự án như sau:
1. Về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và và vị trí đặt Trạm thu giá
1.1. Về chủ trương đầu tư
- Về quy hoạch: Tại Quyết định 1327 ngày 24-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 cần thiết tại các đô thị và tại Quyết định 06 ngày 21-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh TX. Cai Lậy dài 12km, quy mô 4 làn xe.
- Năm 2009, Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tuyến tránh TX. Cai Lậy (Quyết định 2174 ngày 28-7-2009 của Bộ GTVT); Tổng cục Đường bộ Việt Nam là chủ đầu tư, lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, do không cân đối được nguồn vốn ngân sách Nhà nước nên phải tạm dừng việc lập dự án.
- Năm 2012, trên cơ sở nội dung thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu kiến nghị đầu tư xây dựng tuyến tránh TX. Cai Lậy theo hình thức BOT do không thể cân đối được nguồn vốn của Nhà nước; Bộ GTVT đã có văn bản số 9947 ngày 20-9-2013 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến tránh TX. Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT (văn bản số 1908 ngày 11-11-2013).
- Triển khai ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1908 ngày 11-11-2013, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tư vấn phối hợp với địa phương tổ chức lập dự án đầu tư, tại các cuộc thẩm định dự án địa phương có phản ánh tuyến Quốc lộ 1 xuống cấp, mất an toàn giao thông, nguồn vốn bảo trì không được sử dụng để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới (Nghị định 18/2012 của Chính phủ, quy định chỉ sử dụng quỹ bảo trì để thực hiện công tác bảo trì, không sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản như nâng cấp mặt đường) nên Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và tư vấn nghiên cứu đầu tư tăng cường mặt đường nếu cần thiết, đồng thời nghiên cứu phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua TX. Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe, so sánh vị trí đặt Trạm thu giá trên tuyến tránh và Quốc lộ 1 hiện tại.
- Kết quả nghiên cứu cho thấy phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua TX. Cai lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe có kinh phí đầu tư quá lớn, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên Quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tốc độ khai thác nhỏ hơn 60km/giờ do đi qua đô thị, trong khi nếu đầu tư tuyến tránh kết hợp với cải tạo, tăng cường mặt đường thì tốc độ khai thác tuyến tránh cho phép đến 80km/giờ; đặc biệt, với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 vẫn phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn; chỉ còn phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên Quốc lộ 1 hiện hữu.
Với hai phương án này, Bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; trong đó, Bộ GTVT đã phân tích, so sánh phương án đặt Trạm thu giá trên Quốc lộ 1 hiện hữu và phương án đặt trạm trên tuyến tránh, cụ thể:
+ Phương án đặt Trạm thu giá trên Quốc lộ 1: Phạm vi dự án bao gồm xây dựng tuyến tránh và đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường, cầu, hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1. Với phương án này, sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án; mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua TX. Cai Lậy do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến Quốc lộ 1 và tuyến tránh.
+ Phương án đặt Trạm thu giá trên tuyến tránh: Phạm vi dự án chỉ đầu tư xây dựng tuyến tránh. Phương án này có ưu điểm là chỉ thu phí phương tiện tham gia trên tuyến tránh (không thu phí các phương tiện đi vào TX. Cai Lậy) nhưng nhược điểm là sẽ không hạn chế được phương tiện đi qua TX. Cai Lậy do các phương tiện sẽ né Trạm thu giá bằng việc không sử dụng tuyến tránh, trong điều kiện mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu không được cải tạo, tăng cường sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, đoạn qua TX. Cai Lậy, không đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính dự án rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư.
Với những phân tích ưu điểm, nhược điểm của các phương án trên, Bộ GTVT đã nhận được văn bản đồng thuận của HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về vị trí đặt Trạm thu giá trên Quốc lộ 1 hiện hữu; được Thủ tướng Chính phủ thống nhất đầu tư xây dựng dự án theo hình thức BOT bao gồm cả xây dựng tuyến tránh và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (văn bản số 97 ngày 15-1-2014).
1.2. Về thẩm quyền xác định vị trí Trạm thu giá
Theo quy định của pháp luật (Thông tư 159 ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính), Bộ GTVT quyết định đặt Trạm thu giá khi đảm bảo cự ly 70km; trường hợp nếu không đảm bảo cự ly Bộ GTVT thống nhất với địa phương và Bộ Tài chính quyết định. Đối với dự án này, Trạm thu giá nằm trong dự án đã đảm bảo khoảng cách trên 70km (cách trạm An Sương - An Lạc trên 80km; trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp trên 79km) nên thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, để tăng thêm tính công khai, minh bạch, Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính về vị trí đặt Trạm thu giá trên Quốc lộ 1 hiện hữu. Như vậy, việc triển khai dự án tuân thủ pháp luật, quy hoạch được quyệt, chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là nhận được sự đồng thuận của địa phương và Bộ Tài chính.
1.3. Về quyết định đầu tư và nội dung chủ yếu của dự án
Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án tuyến tránh TX. Cai Lậy tại Quyết định số 4173 ngày 19-12-2013 bao gồm: 12,1 km tuyến tránh TX. Cai Lậy và 26,4 km tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 với Trạm thu giá đặt trên Quốc lộ 1 hiện hữu.
- Phạm vi dự án: Điểm đầu tại Km1987+560, Quốc lộ 1 (TX. Cai Lậy); điểm cuối tại Km 2014, Quốc lộ 1 (huyện Cái Bè). Tổng chiều dài dự án 38,5km, trong đó:
+ Cải tạo, tăng cường mặt đường quốc lộc 1 đoạn Tiền Giang dài 26,4km (bao gồm đoạn qua TX. Cai lậy dài 11,1km) sửa chữa 14 cầu và xây dựng hệ thống thoát nước dọc trên tuyến.
+ Xây dựng tuyến tránh TX. Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu (quá trình triển khai thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư trên cơ sở ý kiến đồng thuận của địa phương).
- Quy mô: Phần tuyến tránh đạt tiêu chuẩn đường cấp III - Đồng bằng, Bnền/Bmặt=12/11m; tăng cường nền, mặt đường Quốc lộ 1 hiện tại đảm bảo Eyc=160Mpa.
- Tổng mức đầu tư là 1.398,2 tỷ đồng; thu phí tại KM1999+300, Quốc lộ 1 hiện hữu để hoàn vốn đầu tư.
1.4. Về giá dịch vụ qua Trạm thu phí
- Mức giá dịch vụ của Dự án được xây dựng trên cơ sở khung mức phí quy định tại Thông tư 159/2013 ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính (tương đồng với các dự án BOT khác trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), cụ thể:
TT |
Phương tiện |
Mệnh giá (đồng/vé/lượt) |
|
Khung mức phí quy định tại Thông tư 159/2013 |
Mức giá áp dụng cho Dự án |
||
1 |
Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận thải khách công cộng |
15.000 – 52.000 |
35.000 |
2 |
Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn |
20.000 – 70.000 |
50.000 |
3 |
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn |
25.000 – 87.000 |
60.000 |
4 |
Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng Container 20fit |
40.000 – 140.000 |
100.000 |
5 |
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng Container 40fit |
80.000 – 200.000 |
180.000 |
- So sánh mức phí với cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương
Khác biệt cơ bản của tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương với mức phí của Dự án là: tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được đầu tư bằng tiền ngân sách nên mức phí sẽ khác với đường do nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Hiện nay, Nhà nước chuyển giao quyền thu phí để thu hồi một phần vốn đầu tư. Mức thu phí đang áp dụng là 1.000 đồng/km, thấp hơn so với giá thành (các tuyến cao tốc khác như TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình đang áp dụng mức phí là 1.500 đồng – 2.000 đồng/km); hình thức thu phí của tuyến TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương là thu phí kín, tức là đi bao nhiêu km đường thì tính bấy nhiêu; khác với hình thức thu phí hở áp dụng cho các tuyến quốc lộ thì mức thu phí cố định không phụ thuộc quãng đường đi.
Ngoài ra, Nhà đầu tư đã có chế độ miễm, giảm đối với phương tiện là xe buýt, ô tô trên địa bàn 04 xã lận cận Trạm thu giá (xã Bình Phú; Phú Nhuận; Mỹ Thành Nam; Phú An) , Nhà đầu tư còn cam kết trong thời gian hoạt động khai thác, hàng năm sẽ hỗ trợ kinh phí cho địa phương, đặc biệt là 4 xã lận cận thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
1.5. Về tình hình hoạt động của Trạm thu giá dịch vụ
- Sau khi Trạm thu giá dịch vụ của Dự án BOT Quốc lộ 1 Tiền Giang đi vào hoạt động và chính thức thu phí vào lúc 00 giờ 00 phút, ngày 1-8-2017, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp, các tài xế qua trạm sử dụng tiền lẻ (200, 500, 1.000 đồng), vo tròn, nhét vào chai nhựa, thấm nước,... để trả tiền, nhằm gây khó khăn cho nhân viên thu giá, cố tình kéo dài thời gian khi qua Trạm gây ách tắc giao thông.
- Nội dung bức xúc của một số người dân và các chủ phương tiện tham gia giao thông chủ yếu phản đối “mức thu giá cao và vị trí đặt Trạm thu giá dịch vụ” có nguyên nhân chính là do chính sách phí quy định tại Thông tư số 159/2013 ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính chưa đảm bảo tính công bằng, trong khi các phương tiện gần Trạm tham gia giao thông với quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí như với quãng đường dài và các phương tiện tham gia giao thông ở khoảng cách giữa hai Trạm thu giá thì vẫn không phải trả phí; một số người dân sống khu vực Trạm thu giá có sử dụng xe ô tô bị ảnh hưởng bất lợi, từ đó kết hợp với các phương tiện từ nơi khác đi qua địa bàn có các hành động phản đối, nhằm tạo áp lực gây khó khăn đối với hoạt động của Trạm thu giá.
- Bên cạnh đó, khi Trạm thu giá đưa vào khai thác đã xuất hiện tình trạng xe né trạm, hằng ngày có rất nhiều lượt xe ô tô các loại lưu thông trên tuyến Đường huyện 63 (Bình Phú, Phú An), Đường huyện 67 (Phú An). Sở GTVT đã và đang phối hợp với UBND huyện Cai Lậy giao các lực lượng chức năng như Thanh tra GTVT, Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các xe né Trạm thu giá vận chuyển hàng hóa vượt quá tải trọng cầu đường, xe khách chạy không đúng tuyến,…và đồng thời, tiến hành rà soát, cắm biển báo giao thông các tuyến này, để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
1.6. Về tình hình xử lý vướng mắc tại Trạm thu giá dịch vụ
- Ngày 16-8-2017 Bộ GTVT tổ chức họp với UBND tỉnh Tiền Giang, Nhà đầu tư dự án BOT Quốc lộ 1 Tiền Giang và các cơ quan có liên quan để xử lý vướng mắc trong việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá Cai Lậy. Bộ GTVT có Thông báo 331 ngày 23-8-2017 về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cụ thể như sau:
+ Giảm giá dịch vụ cho tất cả các phương tiện qua trạm (mức giá dịch vụ sau khi giảm: Loại 1 là 25.000 đồng; Loại 2 là 35.000 đồng; Loại 3 là 40.000 đồng; Loại 4 là 70.000 đồng; Loại 5 là 140.000 đồng. Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này) giá dịch vụ sau khi giảm là bằng với giá dịch vụ đang áp dụng cho các Trạm thu giá trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu.
+ Giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện Loại 1 và Loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, Phú An (không kinh doanh vận tải); giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã nói trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Mức giảm giá cho các phương tiện và đối tượng được giảm tương tự như đã xử lý đối với 7 trạm khác trong thời gian vừa qua (Trạm Bến Thủy, Quốc lộ 32,…).
1.7. Về tình hình thanh tra, kiểm toán
Dự án đã được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra và Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán (Kết luận 475 ngày 29-9-2017). Các kết luận nói trên đều đánh giá dự án triển khai đảm bảo quy định pháp luật; một số tồn tại như sai sót về định mức, đơn giá... Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục. Hiện nay, Thanh tra Bộ GTVT đang tranh tra; Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đang thực hiện giám sát Dự án.
- Ý nghĩa, lợi ích từ dự án và vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Dự án có quy mô tầm cỡ quốc gia bao gồm: Xây dựng tuyến tránh TX. Cai Lậy dài 12,1km và 7 cầu (quá trình triển khai thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của địa phương) và 26,4 km tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 và hệ thống cống thoát nước dọc theo tuyến Quốc lộ 1; tổng mức đầu tư là 1.398,2 tỷ đồng. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, góp phần quan trọng trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Dự án BOT Quốc lộ 1 tuyến tránh TX. Cai Lậy hoàn thành, đã tạo thành một chuỗi liên kết với một số tuyến đường huyện, liên huyện, đường liên xã, đường xã kể cả một số tuyến giao thông nông thôn có đầu mối với các trung tâm hành chính các xã và trung tâm hành chính huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy, từ đó mở rộng không gian và có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện; đặc biệt ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến,…Như vậy, với việc đầu tư Dự án sẽ đẩy nhanh mối liên kết giữa sản xuất, vận chuyển hàng hóa, là điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp đối với tất cả các thành phần kinh tế trong khu vực, trong đó có người dân tại địa phương.
Điều kiện để liên kết với các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy và các vùng lân cận như: Cụm công nghiệp Long Trung phát triển trong lĩnh vực xử lý sau thu hoạch, chế biến trái cây, đóng gói; các cơ sở xay xát, chế biến thực phẩm, dân dụng được phân bổ theo tuyến hành lang trên Quốc lộ 1; các cơ sở sơ chế đóng gói trái cây được phân bổ theo tuyến dọc đường tỉnh 868, đường tỉnh 864 tại xã Long Trung, Long Tiên, Tam Bình với chợ trái cây Long Trung,…góp phần quan trọng đẩy mạnh tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại dịch vụ,...Tạo thế phát triển nhanh và vững chắc hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho những năm tiếp theo.
Thực tế, sau khi dự án hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa, đời sống nhân dân dọc hai bên tuyến tránh có bước phát triển rõ rệt, riêng đối với việc tăng cường mặt đường đoạn Quốc lộ 1 đã cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trong khi ngân sách Nhà nước còn gặp khó khăn (Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2009 đến năm 2013 mới được triển khai thực hiện bằng hình thức hợp đồng BOT do không cân đối được nguồn vốn ngân sách Nhà nước).
Từ ý nghĩa trên cho thấy, đối với chủ trương đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 1 tuyến tránhTX. Cai Lậy là hoàn toàn đem lại lợi ích cho người dân tại địa phương. Đây cũng là điều kiện thuận lợi, quan trọng để góp phần cho huyện Cai Lậy triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 64/2013 ngày 12-12-2013 của HĐND tỉnh về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng xây dựng đô thị TX. Cai Lậy thành đô thị loại III vào năm 2020; Nghị quyết của Huyện ủy Cai Lậy về phát triển Bình Phú trở thành đô thị loại V; là điều kiện để thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy trong thời gian tới. Đồng thời, Dự án được đầu tư và hoàn thành giúp đẩy nhanh quá trình vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển kinh tế của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.