Bức xúc của người dân đã được giải quyết
Đường dây nóng (0273.887766) của Báo Ấp Bắc nhận được thông tin từ một số hộ dân của xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây phản ánh tình hình đời sống của nông dân trong vùng bị ảnh hưởng vì địa phương cấm bảng tải trọng và cổng rào trên đê sông Tra và đê Khương Thọ.
Tuyến đê sông Tra trên địa bàn xã Đồng Sơn. |
Qua xác minh cho thấy, nhân dân ở xã Đồng Sơn rất đồng tình với chính quyền về việc xây dựng cổng rào chắn tại tuyến đê Khương Thọ và đê sông Tra, nhằm hạn chế xe tải lưu thông để bảo vệ tuyến đê. Tuy nhiên, hiện nay, là thời điểm thu hoạch tôm và nông sản (thanh long, dưa hấu…), nông dân trong vùng đã bị thương lái ép giá, viện lý do phải trung chuyển vì xe tải không vào chở hàng được. Do vậy, dư luận người dân đề nghị chính quyền địa phương cho phép một số xe tải trọng nhẹ lưu thông trên 2 tuyến đê nói trên để vận chuyển nông sản hầu tránh tình trạng bị thương lái ép giá.
Về vấn đề này, ngày 10-11, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng trao đổi: Tuyến đê sông Tra và đê Khương Thọ có kết cấu là nền đất, mặt trải đá 0 x 4, nên tải trọng theo quy chuẩn kỹ thuật cho phép chỉ 1,5 tấn. Nhiều năm trước đây, do việc vận chuyển trên đê không được quản lý tốt nên đê bị sạt lở, hư hỏng. Đầu năm 2017, Sở NN-PTNT và UBND huyện Gò Công Tây đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 2 tuyến đê này nhằm chống triều cường, ngăn mặn và phục vụ việc đi lại cũng như nhu cầu vận chuyển nông sản của nông dân trong vùng.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý xe quá tải chạy trên các tuyến đê làm ảnh hưởng đến kết cấu của đê, không đảm bảo an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện Gò Công Tây đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp xe lưu hành trên đê vượt quá tải trọng cho phép; đồng thời lắp đặt cổng để hạn chế các phương tiện chạy vào đê Khương Thọ. Việc này nhằm đảm bảo an toàn tuyến đê trong mùa mưa bão, nhất là đang trong tình trạng 2 tuyến đê này có một đoạn sạt lở hơn 30 m và nhiều đoạn khác của mặt đê bị rạn nứt.
Trong quá trình xử lý các phương tiện vi phạm vượt quá tải trọng trên tuyến đê, UBND huyện có tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của nhân dân về việc vận chuyển nông sản. Ngày 24-10, UBND huyện mời Sở GT-VT, Chi cục Thủy lợi tỉnh và UBND xã Đồng Sơn họp bàn về các vấn đề liên quan đến việc quản lý tải trọng trên đê. Ngày 25-10, UBND huyện tổ chức buổi làm việc với Đảng ủy xã Đồng Sơn và cán bộ các ấp có tuyến đê nêu trên, đã thống nhất đề nghị Sở NN-PTNT sớm triển khai Dự án Nâng cấp tuyến đê sông Tra thành đường giao thông trong năm 2018, với kết cấu mặt đường láng nhựa để nâng tải trọng cho phép của các phương tiện lưu thông. Trong thời gian chưa nâng cấp được tải trọng, yêu cầu UBND xã Đồng Sơn tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết chủ trương của Nhà nước về quản lý đê điều để chấp hành tốt. Trong mùa vụ thu hoạch nông sản, khi nông dân có nhu cầu vận chuyển đi tiêu thụ quá trọng tải cho phép của đê, UBND xã báo cáo UBND huyện xem xét, giải quyết nhằm tạo điều kiện cho sản xuất phát triển; đồng thời bảo vệ an toàn tuyến đê và đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển.
Hiện nay, các vấn đề bức xúc của người dân trên 2 tuyến đê sông Tra và đê Khương Thọ trên địa bàn xã Đồng Sơn đã được giải quyết.
P. LONG