Lừa tình
Phiên tòa hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có rất đông người dự. Bị cáo là N.T.K.L., nguyên là kế toán trưởng của một công ty nhà nước.
Đồng nghiệp thích L. vì sự cần mẫn trong công việc, hòa đồng và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Rồi L. gặp và quen một thanh niên đẹp trai, nói năng ngọt ngào, tỏ vẻ lịch sự và tình yêu bắt đầu nảy nở, chỉ vài tháng sau đã trở nên sâu nặng.
Biết được, cha mẹ L. ngăn cấm, vì chàng trai không nghề nghiệp, lai lịch mơ hồ, có vẻ không thật lòng, thường đi chơi với nhiều cô gái khác…
Viện lý do muốn làm ăn lớn nhưng thiếu vốn, chàng trai nhờ L. giúp đỡ. Tiền dành dụm được bao nhiêu L. đều đưa hết, nhưng người yêu nói vẫn không đủ, tỏ vẻ buồn bã và tâm sự muốn đi nơi khác làm ăn.
Sợ mất người mình yêu, L. lén rút tiền quỹ công ty nhiều lần. Đến khi cầm trong tay khoảng 5 tỷ đồng do L. đưa thì gã sở khanh “biến mất”.
Cuống cuồng, L. tìm đến nhà người yêu, thì ra là nhà trọ; gọi điện thì không liên lạc được. Sự việc đổ bể, gia đình L. gom góp tiền bạc và bán hết đất đai chỉ được 1 tỷ đồng trả bớt cho công ty để mong được giảm tội cho con.
Đứng trước bục bị cáo, L. trả lời Hội đồng xét xử mà nước mắt rơi lã chã. Trong lúc tòa nghị án, bị cáo ngồi xuống ghế, ngoái nhìn phía dưới hàng ghế dự khán không thấy một bóng người thân khiến cô tủi thân, hoảng loạn. Ba mẹ cô đang nằm bệnh viện, em trai duy nhất đang túc trực ở đó.
Khi tòa tuyên án, người L. run bắn lên. Mức án 18 năm tù khiến cô lảo đảo bước không nổi, lực lượng Công an trực phải cử người dìu đi.
Tôi tự hỏi: Gã lừa đảo hiện ở đâu, lương tâm hắn có cắn rứt khi gạt một cô gái và đẩy một gia đình rơi vào bi kịch? Tất cả chỉ vì L. quá nhẹ dạ, cả tin, mù quáng vì tình, để rồi từ một người lương thiện trở thành tội phạm.
L. mới 30 tuổi, khi cô ra tù đã đến tuổi “xế chiều”. Trong chốn lao tù, cô có bị giày vò bởi chính sự nhẹ dạ của mình làm người thân quá đau khổ?
DƯƠNG MINH