Có hay không việc lấn chiếm hẻm công cộng?
Ông Phạm Thế Vũ (số nhà 56/6, đường Hùng Vương, đại diện tập thể nhân dân tổ 3 và tổ 4 của khu phố 7, phường 7, TP. Mỹ Tho) nhiều lần gửi đơn đến UBND phường 7 yêu cầu giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai về việc lấn chiếm hẻm công cộng của hộ số 56/10, đường Hùng Vương. Có hay không việc lấn chiếm hẻm của hộ này?
Trên đất trước hộ 56/10 có trụ đèn chiếu sáng và cống công cộng đi qua. |
NGƯỜI DÂN BỨC XÚC
Trong lúc hộ số 56/10 đang sửa chữa, lát gạch trên hẻm công cộng, ông Phạm Thế Vũ gửi đơn đề nghị UBND phường 7 can thiệp, xử lý, yêu cầu hộ 56/10 trả lại hẻm công cộng; đồng thời, tháo dỡ các công trình lấn chiếm hẻm công cộng.
Trong đơn khiếu nại, các hộ dân cho rằng, việc lấn chiếm, rào lại gây mất an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chung của tập thể nhân dân tổ 3 và 4, vì đây là lối thoát hiểm khi có sự cố xảy ra, cũng như lối đi để người dân sử dụng chung.
UBND phường 7 đã xác minh thực tế, kiểm tra hộ 56/10 đang sửa chữa nhà ở (sơn lại tường, ốp gạch, cải tạo bên trong nhà) và lót gạch men trên phần sân trước nhà; tháo một cửa rào trước (phía bên hẻm 56, hướng Nam). UBND phường 7 đã lập biên bản, yêu cầu hộ này ngừng thi công phần hẻm bị phản ánh để chờ cơ quan chức năng giải quyết.
Trong buổi làm việc với UBND và Ủy ban MTTQ phường 7 vào ngày 24-8-2017, hộ 56/10 chưa cung cấp được hồ sơ chứng minh phần đất bị nhân dân phản ánh thuộc quyền sở hữu của hộ.
Vì vậy, UBND phường 7 đề nghị hộ 56/10 tháo dỡ phần mái tole, cửa rào trên hẻm 56 và cửa rào, bậc thềm trên hẻm 62. Hộ 56/10 đồng ý tháo dỡ cửa rào và bậc thềm trên hẻm 62.
Riêng phần mái tole và cửa rào hẻm 56, hộ này không đồng ý tháo dỡ, nói sẽ gửi đơn phản ánh đến cơ quan chức năng, cho rằng phần đất này hộ đã sử dụng rất lâu (từ năm 1965 đến nay).
Trong biên bản lấy ý kiến nhân dân xác định hẻm công cộng 56, theo ông Quách Thanh Vân, hộ 56/7, sinh sống từ năm 1956, khẳng định hẻm 56 và hẻm 62 thông thương với nhau. Hộ 62/20 cũng cho rằng, hẻm này thông thương từ năm 1990, đề nghị hộ 56/10 trả lại hẻm công cộng theo hiện trạng ban đầu.
Ngày 30-11-2017, UBND TP. Mỹ Tho có văn bản giải quyết trường hợp sử dụng đất hộ 56/10, yêu cầu hộ này ngừng thực hiện việc cải tạo, sửa chữa đến khi được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo quy định.
Đối với các hạng mục đã cải tạo, sửa chữa, nếu sau khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thể hiện có vi phạm so với ranh giới đất được công nhận QSDĐ thì cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
CÓ GIÁP RANH HAY KHÔNG?
Trong đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai gửi đến Thành ủy và UBND TP. Mỹ Tho, các hộ dân căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở số 5201071193, cấp ngày 11-10-2004 của hộ 56/6, trong đó chỉ rõ toàn bộ ranh giới phía Đông nhà 56/6 là ranh đất độc lập, riêng biệt, giáp hẻm công cộng 2,7 m liên thông hẻm 62 (hẻm giới 4,8 m), hoàn toàn không giáp ranh bất kỳ một hộ dân nào.
Trích lục bản đồ địa chính được đo đạc thực tế năm 1999 - 2000 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Mỹ Tho, thì phần đất trên là của hộ 56/10, thửa số 226, giáp với hộ 56/6.
Trong biên bản ký giáp ranh giữa hộ 56/6 và 56/10, hộ 56/6 có ý kiến, vào năm 2008, Nhà nước có chủ trương nâng cấp hẻm và làm hệ thống nước đối với hẻm 56, thời điểm này có nâng hẻm và làm cống trên phần đất giáp ranh. Hiện nay, trên phần đất hộ 56/10 có hệ thống trụ đèn chiếu sáng và cống công cộng.
Sau khi nhận đơn lần 2 và xem xét báo cáo của UBND phường 7, UBND TP. Mỹ Tho nhận thấy UBND phường 7 chưa có biện pháp giải quyết, để vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân khu vực, nên một lần nữa UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND phường 7 trực tiếp chỉ đạo tổ chức kiểm tra, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền nội dung đơn phản ánh.
UBND thành phố nhấn mạnh, UBND phường 7 phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên địa bàn phụ trách được pháp luật quy định để chủ động giải quyết nội dung kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của công dân thuộc thẩm quyền mình giải quyết, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên trên.
Trong văn bản trả lời phản ánh tháng 7-2018, UBND phường 7 căn cứ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ của hộ số 56/10 và qua kết quả xác minh thực tế những hộ dân sống lâu năm tại khu hẻm 56 và hẻm 62, xác định hộ 56/10 đã sử dụng phần đất trước nhà (sân) từ trước năm 1994 và không có tranh chấp (việc phản ánh phát sinh và việc sửa chữa của hộ 56/10 trên phần hiện trạng trên từ tháng 7-2017).
UBND phường 7 căn cứ khoản 2, Điều 20, Nghị định 43 ngày 15-5-2014 của Chính phủ đã kết luận việc các hộ dân phản ảnh hộ số 56/10 lấn chiếm hẻm công cộng là chưa có cơ sở.
Chủ tịch UBND phường 7 Lê Minh Hòa cho biết, các công trình được xây phía trước hộ 56/10 từ năm 1994. Sau khi nhận đơn phản ánh của người dân, UBND phường 7 đã yêu cầu hộ 56/10 không được ráp cửa rào kiên cố trên phần hiện trạng cũ.
Theo hồ sơ đăng ký chứng nhận QSDĐ năm 2000 và sổ mục kê năm 2003, thì hộ 56/10 đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ, tuy nhiên còn thiếu hồ sơ do nhà thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Về việc phản hồi 2 nội dung khác nhau, Chủ tịch UBND phường 7 giải thích là do quá trình giải quyết vụ việc có nhiều thông tin khác nhau, biên bản các chứng cứ đến đâu giải quyết đến đó. Văn bản trả lời đơn phản ánh tháng 7-2018 là văn bản cuối cùng dựa trên kết luận của UBND thành phố.
Các văn bản về việc nâng cấp hẻm và làm hệ thống nước đối với hẻm 56 do qua nhiều đời cán bộ phụ trách địa chính phường nên không dám khẳng định còn hay không. Có thể hộ 56/10 được vận động hiến đất làm đường và cống công cộng - một cán bộ phụ trách địa chính của phường 7 cho biết.
VĂN THẢO