.

Thêm một vụ kiện kéo dài kết thúc có hậu

Cập nhật: 06:59, 27/10/2018 (GMT+7)

Ngày 23-10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cùng các ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện Châu Thành tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại với vợ chồng ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) về việc gia đình ông cất nhà ở nhờ trên đất công do UBND xã quản lý; cơ quan chức năng yêu cầu di dời, trả đất lại để xây dựng trụ sở làm việc của UBND xã nhưng gia đình ông Sơn chưa chấp hành, làm ảnh hưởng việc thi công công trình kéo dài 2 năm nay chưa hoàn thành…
 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phân tích và kết luận vụ việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phân tích và kết luận vụ việc.

ĐẤT CHO Ở NHỜ, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ KHÔNG ĐI

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết: Năm 1989, sau khi ông Sơn đi nghĩa vụ quân sự về là thương binh ¾, không có nhà ở, đã đến UBND xã Phú Phong xin một khu đất để cất nhà ở. Lúc đó, Chủ tịch UBND xã không đồng ý.

Sau đó, ông Sơn liên hệ với Bí thư Đảng ủy xã xin đất, đã được giải quyết cho miếng đất trũng để cất nhà. Ông Sơn cùng vợ san lấp miếng đất khoảng 70 m2 để cất nhà ở.

Năm 2003, Thanh tra huyện Châu Thành tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra việc quản lý đất công, đã xác định trường hợp của ông Sơn cất nhà ở trên đất công của xã cho mượn, diện tích khoảng 70 m2, nằm trên thửa đất số 2494, tờ bản đồ số 3, với tổng diện tích 4.678 m2, loại đất xây dựng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho UBND xã Phú Phong quản lý.

Sau khi có kết luận của Thanh tra, ông Sơn không đồng ý di dời, mà tiếp tục lấn chiếm thêm khoảng 80 m2 đất nữa. Sau này, gia đình ông Sơn có mua lại của ông Bùi Văn Quân phần đất với diện tích 131,8 m2 (cách đó khoảng 150 m), được cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2013.

Năm 2016, huyện Châu Thành tiến hành khởi công xây dựng lại trụ sở làm việc UBND xã Phú Phong thì còn vướng 2 hộ ông Sơn và hộ bà Phạm Thị Phụng (chị vợ ông Sơn) có nhà ở trên phần đất này. Sau khi vận động, hộ bà Phụng thống nhất di dời, giao trả mặt bằng cho đơn vị thi công. Riêng hộ ông Sơn kiên quyết không đi nếu Nhà nước không bồi thường thỏa đáng.

Đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai cho biết thêm, từ khi có chủ trương xây dựng trụ sở làm việc UBND xã Phú Phong, các ngành chức năng huyện, xã nhiều lần tiến hành kiểm tra, khảo sát, đo đạc, tính toán toàn bộ vật kiến trúc, các công trình phụ, cây trái, hoa màu mà gia đình ông Sơn đã đầu tư xây dựng, canh tác trên đất để chiết tính bồi thường, hỗ trợ một cách tốt nhất với tổng số tiền  155.422.860 đồng (có bảng chiết tính kèm theo), nhưng gia đình ông Sơn không thống nhất di dời.

Gần đây, UBND huyện vận dụng nhiều nguồn kinh phí khác, như vận động các nhà hảo tâm, chính sách thương binh, an sinh xã hội, xây nhà đồng đội…, với tổng số tiền 263 triệu đồng, giao cho gia đình ông Sơn nhưng  vẫn chưa chịu nhận để di dời nhà, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Do đó, UBND huyện Châu Thành báo cáo lên tỉnh xin chủ trương giải quyết nhằm đảm bảo tiến độ thi công công trình còn dang dở...

27 TRIỆU ĐỒNG - CON SỐ CÓ HẬU

Tại buổi làm việc, sau khi nghe vợ chồng ông Sơn trình bày, Chủ tịch UBND tỉnh tập trung giải thích về cái lợi mà công trình trụ sở UBND xã Phú Phong mang lại cho người dân, về tình làng nghĩa xóm, sống có nhân nghĩa…

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: “Tôi sẽ hỗ trợ cho vợ chồng anh chị 27 triệu đồng để anh chị có đủ 290 triệu đồng xây nhà mới như gia đình ước muốn. Nếu đồng ý thì ký tên, nội trong chiều nay đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành sẽ đem tiền xuống tận nhà giao đủ (1 lần) để gia đình anh chị có điều kiện xây nhà mới trong thời gian sớm nhất…”.

Ông Sơn đã vui vẻ đồng ý theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh và hứa sẽ rút đơn khởi kiện tại tòa án, khẩn trương giao lại mặt bằng cho đơn vị thi công tiến hành xây dựng trụ sở làm việc UBND xã Phú Phong.

Buổi tiếp xúc kết thúc sau tràng vỗ tay và những nụ cười hoan hỉ của mọi người.

TỔ CTBĐ

.
.
.