.

UBND tỉnh Tiền Giang trả lời phản ánh, kiến nghị của cử tri

Cập nhật: 11:11, 02/01/2020 (GMT+7)

Thực hiện đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại Văn bản 334 về việc trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh trả lời như sau:

LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 

* Cử tri xã xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy: Kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Trung ương đẩy nhanh tiến độ khảo sát, hỗ trợ kinh phí xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn xã, giúp người dân an tâm sản xuất.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Dự án các cống ngăn triều cường xã Ngũ Hiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã thuê tư vấn thiết kế và lập báo cáo chủ trương đầu tư.

* Cử tri huyện Tân Phú Đông: Phản ánh, theo Công văn 3484 của Sở NN-PTNT về việc phúc đáp diện tích lúa của huyện Tân Phú Đông bị thiệt hại do các hộ sản xuất lúa chưa thực hiện theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, nên khi bị thiệt hại không được hỗ trợ. Đề nghị xem xét lại việc hỗ trợ lúa bị thiệt hại phù hợp với đặc điểm sản xuất và điều kiện kinh tế của địa phương.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Vụ lúa thu đông 2019, huyện khuyến cáo bà con chỉ xuống giống khi có nước ngọt ổn định (được thống nhất tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2018 - 2019, triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu và thu đông năm 2019). Tuy nhiên, nông dân đã xuống giống khi chưa có khuyến cáo của địa phương và nguồn nước ngọt chưa ổn định, nên có 139,3 ha lúa (lúa - tôm) bị thiệt hại. Trường hợp này không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 4, Nghị định 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nên không được hỗ trợ.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sản xuất lúa tại huyện Tân Phú Đông gặp nhiều khó khăn, đề nghị lãnh đạo huyện theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn để có khuyến cáo, hướng dẫn người dân sản xuất lúa phù hợp với thực tiễn từng năm. Trong trường hợp nguồn nước ngọt không đảm bảo cho sản xuất lúa thì nên vận động người dân chuyển sang hệ thống canh tác khác thích hợp, an toàn và hiệu quả hơn.

* Cử tri huyện Tân Phú Đông: Kiến nghị xem lại hiệu quả của cống Lý Hoàng, xã Tân Phú, vì thời gian qua khi xả cống, các ấp giáp ranh xã Phú Thạnh bị ngập, hư hại hoa màu, ao đìa bể bờ, thất thoát cá. Khi người dân phản ánh thì cơ quan chức năng không dám mở cống, dẫn đến hiệu quả vận hành cống không cao.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Cống Lý Hoàng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2016, diện tích phục vụ 350 ha, chủ yếu là khu vực trồng dừa và cây mãng cầu xiêm. Công trình cống Lý Hoàng do Chi nhánh Thủy nông huyện Tân Phú Đông trực thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang quản lý, vận hành. Khu vực này có địa hình trũng thấp, hệ thống kinh mương nội đồng chưa được đầu tư nạo vét hoàn chỉnh, hệ thống bờ vùng, bờ thửa chưa được hoàn thiện. Để hạn chế ngập úng cho khu vực các ấp của xã Tân Phú giáp ranh với xã Phú Thạnh (khu Kinh Nhiếm), trong thời gian tới, yêu cầu UBND huyện Tân Phú Đông chủ động thực hiện các công việc sau: Tăng cường làm thủy lợi nội đồng kết hợp với củng cố đắp bờ vùng bờ thửa nhằm hạn chế tình trạng ngập úng ở các vùng trũng khi cống Lý Hoàng lấy nâng cao mực nước tưới; nạo vét mở rộng các tuyến kinh cặp đê hiện hữu, tận dụng bờ kinh phía đồng làm bờ bao để khi cống Lý Hoàng lấy nước không gây ngập úng các diện tích gần khu vực cống; khuyến cáo nông dân cải tạo mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa, làm mương thoát nước xả phèn...

LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

* Cử tri xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy: Phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Tiền còn xảy ra rất thường xuyên, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp. Cử tri đã nhiều lần phản ánh đến các ngành chức năng nhưng tình trạng này chưa được kéo giảm. Kiến nghị các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý triệt để, để người dân an tâm sản xuất.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chủ trì tổ chức 42 cuộc kiểm tra theo kế hoạch đối với các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên tuyến sông Tiền, phát hiện 24 trường hợp, có 43 cá nhân vi phạm khai thác cát làm vật liệu xây dựng không giấy phép. Đã ban hành 43 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 43 cá nhân, với tổng số tiền 283 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Sở TN-MT đã cử cán bộ trực tiếp phối hợp Tổ công tác liên ngành kiểm tra 98 cuộc đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bản tỉnh. Qua đó phát hiện 171 cá nhân vi phạm, đã lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 171 quyết định xử phạt hành chính với số tiền trên 1,7 tỷ đồng và chuyển ngành chức năng tỉnh Bến Tre xử lý 3 phương tiện vi phạm...

Để tiếp tục công tác đấu tranh, phòng, chống hoạt động khai thác cát trái phép đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ phối hợp các sở, ngành tỉnh liên quan và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là, lực lượng kiểm tra của Tổ công tác liên ngành tỉnh, huyện (do Công an chủ trì) sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền và các tuyến sông thuộc địa bàn phụ trách, nhất là tại những vị trí trọng điểm, khu vực thường xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát, kiểm tra và đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện công bố, công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác liên ngành tỉnh, huyện trên báo, đài, trang thông tin điện tử của Công an tỉnh, huyện để người dân kịp thời thời thông tin, phản ánh khi phát hiện tình trạng khai thác cát trái phép.

* Cử tri phường 6, xã Trung An, TP. Mỹ Tho: Kiến nghị ngành chức năng duy trì kiểm tra thường xuyên việc xả thải, khói bụi của các công ty hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, khu vực Xí nghiệp May Nhà Bè, vì nước trong mương có màu đen và bốc mùi sau khi các công ty trong khu vực này đi vào hoạt động, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN Mỹ Tho và Cụm công nghiệp (CCN) Trung An thời gian qua đã được Sở TN-MT thực hiện thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất hằng năm.

Trong năm 2019, Sở TN-MT đã ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước đối với 70 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (trong đó có các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN Mỹ Tho và CCN Trung An). Ngoài ra, Sở TN-MT đã tham gia Đoàn Thanh tra theo Quyết định 969 của Tổng cục Môi trường về việc thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đối với 8 doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN Mỹ Tho. Kết quả kiểm tra, đã xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.

Đối với nước thải, khí thải từ Công ty May Nhà Bè, qua rà soát, công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 1.500m3/ngày đêm. Trong năm 2018, Sở TN-MT đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với công ty.
UBND tỉnh ghi nhận ý kiến cử tri và tiếp tục chỉ đạo Sở TN-MT, các cơ quan liên quan kiểm tra đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Mỹ Tho và Công ty May Nhà Bè, sẽ xử lý nghiêm theo quy định nếu vi phạm.

(còn tiếp)

.
.
.